Mỹ xây nhà máy biến rác thành gạch, nắp cống tại VN

Với công nghệ tái chế sợi thủy tinh, phế phẩm sẽ được tái chế thành các sản phẩm mới như nắp cống, gạch xây dựng, pallets…với chi phí thấp và tái chế được nhiều lần.

Ngày 26-2, tại TP.HCM đã diễn ra sự kiện ký kết chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm từ vật liệu composite tái chế giữa Minh Hưng Group (Việt Nam) và MHE Manufacturing of Texas LLC (Mỹ).

Hai đơn vị này sẽ hợp tác thực hiện dự án xây dựng và vận hành nhà máy Sản xuất ván ép từ vật liệu Composite tái chế đầu tiên tại châu Á. Nhà máy được kỳ vọng sẽ mang về cho Việt Nam giải pháp công nghệ cao mới, hiện đại góp phần giải quyết vấn đề môi trường, tận dụng nguồn nguyên liệu rác thải và kiến tạo nên các sản phẩm mới, chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Chi phí đầu tư nhà máy tại Việt Nam dự kiến là 50 triệu USD.

Rác thải sợi thủy tinh được tái chế thành nắp cống.

Rác thải sợi thủy tinh được tái chế thành nắp cống.

Theo Biên bản ghi nhớ, GFSI-MHE Manufacturing of Texas LLC (Mỹ) sẽ cung cấp thông tin, công nghệ và thiết bị, MH Group cùng với tập đoàn Minh Hưng sẽ cung cấp chuyên gia về đầu tư và thương mại để thúc đẩy sáng kiến này ngăn chặn việc hình thành thêm các bãi chôn lấp chất thải gây hại môi trường. Nhà máy sẽ tái sử dụng các rác thải composite sợi thủy tinh đã qua sử dụng thành một vật liệu gỗ dán và tấm thay thế.

Đại diện công ty đến từ Mỹ cho biết hiện nay các sản phẩm làm từ composite sợi thủy tinh hiện hữu khắp nơi, từ máy bay, xe lửa, xe hơi, đến ngay cả các vật dụng trong gia đình.

Trong khi, các phương pháp xử lý chất thải từ sợi thủy tinh hiện nay chủ yếu là nghiền hoặc đốt, sau đó đem chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, tốn kém chi phí và lãng phí tài nguyên.

Với công nghệ tái chế sợi thủy tinh, phế phẩm sẽ được tái chế thành các sản phẩm mới như nắp cống, gạch xây dựng, pallets…với chi phí thấp hơn rất nhiều so với chi phí tái chế truyền thống, và quan trọng là có thể tái chế nhiều lần.

Chi phí đầu tư nhà máy công nghệ tái chế sợi thủy tinh tại Việt Nam dự kiến là 50 triệu USD.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho rằng công nghệ tái chế sợi thủy tinh là một bước tiến mới về công nghệ trong ngành nhựa. Theo các chuyên gia, từ composite tái chế có thể làm ra những thanh định hình thay thế cho kim loại.

Đặc biệt với nhiều đặc tính vượt trội như: chống cháy, chống thấm, độ bền lâu, chắc chắn, chúng ta có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác phù hợp để thay thế các vật liệu trong ngành xây dựng với đa dạng các hình dạng và kích cỡ như: pallet, kệ để hàng, ngói, gạch…

QUANG HUY

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/doanh-nghiep-cong-dong/my-xay-nha-may-bien-rac-thanh-gach-nap-cong-tai-vn-756996.html