Mỹ xé thỏa thuận với Iran, lò lửa Trung Đông bùng nổ?

Quyền lực Mỹ đến đâu, Mỹ sẽ làm gì nếu Liên minh Châu Âu chống đối quyết định của Mỹ sẽ được chứng minh.

Không chờ đến ngày 12/5, hôm nay, ngày 9/5, Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạn nhân với Iran (JCPOA) mà Mỹ đã ký trước đây cùng với Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức (EU).

Tổng thống Trump ký quyết định rút khỏi JCPOA

Tổng thống Trump cho rằng, “JCPOA là một tệ hại mà không có ích cho hòa bình, không ngăn chặn được sự phát triển hạt nhân của Iran cũng như ngăn chặn sự tài trợ của Iran cho khủng bố. Vì thế Mỹ quyết định rút khỏi JCPOA và khôi phục các trừng phạt với Iran.

Mỹ mất khả năng thực hiện thỏa thuận

Nga đánh giá không sai về Mỹ từ những thỏa thuận đã ký giữa họ với Mỹ tại Syria là một chính quyền “mất khả năng thỏa thuận” (недоговороспособны). Thường, những thỏa thuận ký xong chưa ráo mực là ngay và luôn Mỹ phá hoại chính nó.

Khả năng thực hiện thỏa thuận của chính quyền Mỹ đến mức, tại một cuộc họp báo khẩn cấp tại Liên Hiệp Quốc (sau khi Mỹ phá vỡ thỏa thuận đã ký ngày 9/9/2016), Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin thẳng thừng:

“Câu hỏi lớn được hỏi là: Ai là người chịu trách nhiệm ở Washington? Nhà Trắng hay Lầu Năm Góc? Bởi vì chúng tôi đã nghe ý kiến từ Lầu Năm Góc ngược với những gì mà chúng tôi đã nghe từ Obama và Kerry”.

Rõ ràng ở nước Mỹ có 4 thế lực lớn Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, CIA và Deep State mà tất cả những thỏa thuận nào không phù hợp lợi ích từng nhóm đều bị phá hoại sớm hoặc muộn.

Giờ đây, sau khi Trump xé bỏ thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ tiền nhiệm đã ký thì xin được hỏi ai chịu trách nhiệm cao nhất tại nước Mỹ hay ai là người đại diện cho chính quyền Mỹ, nhân dân Mỹ, để ký các điều ước, thỏa thuận quan hệ quốc tế? Tổng thống Mỹ hay Deep State?

Thật là nguy hiểm khi điều này xảy ra với một cường quốc quân sự - kinh tế hàng đầu thế giới.

Điều gì xảy ra khi một cường quốc như Mỹ đứng trên đầu luật pháp quốc tế, bất chấp các thỏa thuận, điều ước song phương, đa phương? Liệu có còn quốc gia nào tin tưởng vào các điều ước, thỏa thuận ký với Mỹ hay không?

Đây là kiểu hành xử của một vị Vua thời Phong kiến ở giai đoạn đầu mà Mỹ đã thực hiện quen trong khi là bá chủ thế giới trong mấy thập kỷ qua.

Chắc chắn Triều Tiên sẽ lấy đó làm bài học về độ tin cậy của thỏa thuận với Mỹ. Liệu khi một tổng thống Mỹ khác thay Trump thì thỏa thuận nếu có giữa Trump và Kim có bị rút lại không?

Tại sao Mỹ xé bỏ thỏa thuận với Iran?

Đơn giản là thỏa thuận JCPOA được Iran tuân thủ rất nghiêm chỉnh, nhưng chính thỏa thuận này lại củng cố, sức mạnh kinh tế cũng như quốc phòng cho Iran mà theo đó đất nước Iran sẽ phát triển thành cường quốc tại Trung Đông khi không sở hữu VKHN.

Sự trỗi dậy của Iran tại Trung Đông cùng với những ý đồ chiến lược của Iran tại Syria là điều không thể chấp nhận cho Israel và Deep State ở Mỹ.

Mặt khác tam giác chiến lược Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran đang hình thành là một thách thức lớn cho Mỹ-Israel-Ả Rập Xê-út. Nếu để Iran ngày càng lớn mạnh thì vai trò của Mỹ bị suy giảm và Israel bị đe dọa.

Do đó, đánh quỵ Iran hay lật đổ chính quyền Iran bằng một chính quyền thân Mỹ-Israel là mục tiêu hàng đầu của Israel và Mỹ. Iran phải bị cấm vận, trừng phạt, bao vây, thậm chí sẵn sàng sử dụng sức mạnh để không thể ngốc đầu lên được…là mục tiêu của Mỹ-Israel.

Tổng thống Trump cho biết: “Sau khi rút khỏi thỏa thuận, Mỹ sẽ cùng với các đồng mình tìm kiếm giải pháp thực chất toàn diện và lâu dài đối với vấn đề hạt nhân của Iran cũng như sẵn sàng đàm phán lại với Iran một hiệp định mới…”

Trong khi đó Tổng thống Iran tuyên bố sẽ không bao giờ đàm phán lại…và sẵn sang phát triển VKHN nhanh hơn bao giờ hết…

Vì thế quan hệ Mỹ-Iran chỉ còn một cửa là Mỹ sẽ cùng đồng minh tăng cường sự cấm vận kinh tế kể cả sử dụng quân sự nếu phát hiện Iran phát triển VKHN.

Vấn đề là đồng minh của Mỹ tham gia trong vụ trừng phạt, cấm vận kinh tế Iran và khi tấn công Iran bằng quân sự là những ai?

Thói quen Mỹ đã dẫn đến chính sách sai lầm?

Thời kỳ hoàng kim, Mỹ quen “nói có nhiều kẻ nghe và đe có nhiều kẻ sợ”, Mỹ muốn là được nên coi “Luật pháp quốc tế là luật Mỹ”, do đó, điều 1, Mỹ nói và làm là đúng, điều 2, nếu ai còn nghi ngờ hãy coi điều 1.

Quyết định của Trump được Israel, Arabia Saudi và một loạt chế độ Sunni coi là “quyết định lịch sử”. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, và EU phản đối và theo CNN trong một cuộc thăm dò đã có 63% người Mỹ tin rằng rút khỏi JCPOA là sai lầm.

Đại diện cấp cao về an ninh đối ngoại UE, bà Federica Mogherini khẳng định:

JCPOA là cốt tử để bảo đảm an ninh của Châu Âu và thế giới. Chừng nào Iran tôn trọng chấp hành đầy đủ các cam kết không phát triển VKHN như hiện nay thì UE vẫn cam kết, thực hiện đầy đủ và thực chất thỏa thuận với Iran. Bà kêu gọi cộng đồng thế giới ủng hộ thỏa thuận này dù Mỹ đơn phương rút bỏ.

Tuyên bố của Đại diện cấp cao về an ninh đối ngoại EU, bà Federica Mogherini sau Mỹ rút khỏi JCPOA

Như vậy, đầu tiên, Liên minh EU phản đối trực tiếp Mỹ.

Trong khi đó, Iran tuyên bố là nếu như EU, Nga và Trung Quốc vẫn tôn trọng và cam kết thực hiện đầy đủ, thực chất, thỏa thuận với Iran thì Iran vẫn tiếp tục thực hiện các cam kết của thỏa thuận.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-xe-thoa-thuan-voi-iran-lo-lua-trung-dong-bung-no-3357879/