Mỹ xúi Uzbekistan ra khỏi CSTO?

Washington hứa dành cho Tổng thống Uzbekistan Karimov những đảm bảo để đổi lấy việc nước này ra khỏi Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể CSTO.

(ĐVO) Đại diện chuyên trách của Mỹ về Afghanistan và Pakistan, ông Mark Grossman và toàn quyền đặc biệt nội các Cộng hòa Liên bang Đức về Afghanistan và Pakistan, ông Michael Steiner vừa thăm thủ đô Uzbekistan.

Theo thông báo chính thức, họ đã đến Tashkent trong khuôn khổ “sáng kiến hồi sinh kinh tế Afghanistan”. Tuy vậy, theo các nguồn thạo tin, trong quá trình đàm phán với Tổng thống Uzbekistan, ông Islam Karimov, họ đã bàn đến những vấn đề khác.

Đã lâu ở Tashkent, chủ nhà không tiếp khách ở bậc hàm như vậy. Chế độ Karimov bị Mỹ và các nước thành viên NATO coi là độc tài, bị phê phán mạnh mẽ vì vi phạm nhân quyền. Chỉ có sự cần thiết rất lớn mới có thể buộc các nhà ngoại giao từ Mỹ và Đức phạm điều kiêng kị ngầm để gặp gỡ Tổng thống Uzbekistan.

Phó giám đốc Viện đánh giá chiến lược và phân tích Moscow Alexander Khramchikhin nói với Izvestia: “NATO đang chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan. Liên minh này cần ngay một căn cứ chuyển tiếp kiểu Manas của Kyrgyzstan, căn cứ này đã bị đóng cửa dưới sức ép của Nga”.

Người Mỹ và đồng minh đang tìm đường rút lui an toàn. Pakistan mà 10 năm trước NATO đã hành quân qua để vào Afghanistan nay đã không còn an toàn, còn hành lang tiếp tế mà Nga dành cho NATO thì không phù hợp: Nga cấm vận chuyển vũ khí.

Do đó, người Mỹ và đồng minh của họ chắc là sẽ rút khỏi Afghanistan qua Uzbekistan. Nhưng như vậy không có nghĩa, Alexander Khramchikhin cảnh báo, là họ sẽ không ở lại đây.

Chuyên gia này ghi nhận: “Đã từ lâu, liên minh với Nga và các trách nhiệm mà Tashkent phải gánh vác trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể CSTO là gánh nặng đối với ông Islam Karimov. Uzbekistan công khai phá hoại ngầm mọi hoạt động của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể CSTO."

Quân đội Uzbekistan không tham gia diễn tập của các Lực lượng phản ứng tác chiến tập thể một cách có hệ thống, còn chính ông Karimov đã nhiều lần công khai tỏ ý nghi ngờ sự cần thiết của các Lực lượng phản ứng tác chiến tập thể và chính CSTO.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp ở Uzbekistan, ông Karimov.

Không thể khai trừ Uzbekistan ra khỏi tổ chức như một số người, như ở Bộ Tổng tham mưu, yêu cầu.

CSTO vẫn là tổ chức duy nhất có khả năng hoạt động bảo vệ lợi ích của Moscow trong không gian hậu Xô Viết. Ra khỏi tổ chức này, Tashkent thực chất dứt khoát thoát khỏi khu vực ảnh hưởng của Nga.

Đối với Mỹ và NATO, biến Uzbekistan thành căn cứ điểm tựa của mình ở Trung Á là hết sức lợi hại. Khác với Kyrgyzstan và Tajikistan, 2 nước luôn thường xuyên phải giữ thăng bằng giữa tình thế vô chính phủ hoặc nội chiến, chế độ của ông Islam Karimov thể hiện sự ổn định độc nhất vô nhị đối với cả khu vực.

Vấn đề chỉ còn là, liệu chính Tổng thống Uzbekistan có muốn thay sự bảo trợ của Nga bằng sự bảo trợ của Mỹ hay không.

Ông Yusudzhana Rasulov, từng là nhà phân tích của Học viện xây dựng nhà nước ở Tashkent, hiện phải tị nạn chính trị nghi ngờ điều này.

Ông trả lời phỏng vấn của Izvestia qua điện thoại từ Stockhom: “Ông Karimov quan tâm đến an ninh của Uzbekistan không nhiều hơn an ninh bản thân và gia đình. Người Mỹ có thể hứa cho ông mọi đảm bảo quyền lực và tiền bạc, nhưng sau “mùa Xuân Arab”, người ta ít tin vào người Mỹ rồi”.

Về phần mình, nước Nga không tỏ rõ ủng hộ sự ổn định của chế độ Karimov. Tuy nhiên, hôm 13/10, tại thành phố Solnechnogorsk ở tỉnh Moscow, các cơ quan bảo vệ pháp luật Nga đã bắt giữ Botirov, nhân vật bị Tashkent phát lệnh truy nã quốc tế vì bị kết tội khủng bố. Moscow tuyên bố sẵn sàng trao ngay Botirov cho Uzbekistan.

Nguyễn Vũ (theo Izvestia)

Nguồn Đất Việt: http://quocphong.baodatviet.vn/home/qpcn/my-xui-uzbekistan-ra-khoi-csto/201110/173762.datviet