Myanmar đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài

Với Luật Đầu tư mới chính thức có hiệu lực vào tháng 4 vừa qua, Myanmar cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tiến trình cải cách ngày càng sâu rộng ở Myanmar đã và đang tạo niềm tin cho giới đầu tư trong nước và ngoài nước.

Luật Đầu tư mới được Quốc hội Myanmar ban hành hồi tháng 10-2016 và chính thức có hiệu lực từ tháng 4 năm nay sau khi được Chính phủ nước này thông qua nhằm tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh ở quốc gia Đông - Nam Á này. Luật Đầu tư mới gồm 238 chương, quy định rõ việc sử dụng đất đai, tiêu chuẩn miễn thuế, giải quyết các tranh chấp và giao dịch tài chính. Đạo luật này được soạn thảo vào năm 2013 dựa trên ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia và giới doanh nhân, cùng sự trợ giúp của Hiệp hội Tài chính quốc tế (IFC), đã tích hợp Luật Đầu tư nước ngoài soạn thảo năm 2012 và Luật Đầu tư tư nhân soạn thảo năm 2013.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy, kể từ cuối năm 1988 đến tháng 3 năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài dành cho 1.246 dự án tại Myanmar đạt 70,35 tỷ USD, trong đó ngành dầu khí đứng đầu với 22,4 tỷ USD, tiếp theo là ngành năng lượng 20,5 tỷ USD, ngành chế tạo 8,3 tỷ USD, vận tải và thông tin liên lạc 8,2 tỷ USD và bất động sản 4,3 tỷ USD. Trong tài khóa 2016-2017 (kết thúc ngày 13-3 vừa qua), ước tính tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 135 doanh nghiệp vào Myanmar là 6,87 tỷ USD.

Chính phủ Myanmar đặt mục tiêu trong tài khóa 2017-2018, bắt đầu từ tháng 4 năm nay, sẽ thu hút số vốn đầu tư nước ngoài tương đương tài khóa trước. Để thực hiện mục tiêu này, Ủy ban Đầu tư Myanmar (MIC) công bố mười lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, đó là: nông nghiệp, chăn nuôi và ngư nghiệp, xuất khẩu, nhập khẩu, điện năng, vận tải, giáo dục, y tế, xây dựng nhà ở giá rẻ và thiết lập các khu công nghiệp. Tính riêng trong bốn tháng đầu năm nay, Myanmar đã thu hút được 3,1 tỷ USD vốn đầu tư từ 95 doanh nghiệp của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo 30 nghìn việc làm, trong đó, Trung Quốc, Singapore, Hà Lan và Hàn Quốc là các nhà đầu tư hàng đầu của nước này.

Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và truyền thông. Cố đô Yangon là khu vực đang nhận được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhất, tiếp theo là các thành phố Man-đa-lay và Ba-gô. Trong chương trình cải cách mới, Chính phủ Myanmar giao cho nhà chức trách địa phương thành lập các tiểu ban ở những địa phương và bang có lượng đầu tư nước ngoài thấp, được quyền phê duyệt các dự án có vốn đầu tư lên đến năm triệu USD, cho miễn thuế và sử dụng đất để thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng được quyền đàm phán trực tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng các khu công nghiệp mới.

Nói đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài ở Myanmar, người ta nhắc đến Đặc khu kinh tế (SEZ) Thi-la-oa ở ngoại ô Yangon, thành phố đông dân nhất Myanmar. Chính phủ và các tập đoàn tài chính Nhật Bản như Mitsubishi, Marubeni và Sumitomo đặt viên gạch đầu tiên và đang thúc đẩy sự phát triển của đặc khu kinh tế khổng lồ này. Ước tính kể từ khi SEZ Thi-la-oa được thành lập cách đây bốn năm, khu kinh tế này đã thu hút được 1,7 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực chế tạo đóng góp 773 triệu USD, tiếp đến là lĩnh vực xuất, nhập khẩu 126 triệu USD, ngành dịch vụ hậu cần (logistics) 77 triệu USD, ngành dịch vụ 56 triệu USD, lĩnh vực bất động sản 30 triệu USD và khu vực khách sạn 12 triệu USD.

Myanmar kỳ vọng sẽ có 150 công ty nước ngoài từ hơn 17 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào SEZ Thi-la-oa, tạo 40 nghìn việc làm. Mới đây, Myanmar cho phát triển hai SEZ mới, gồm Đa-vây gần biên giới với Thái-lan và Ki-ô-ki-phiu nằm ở bang Ra-khin, miền tây Myanmar. Liên doanh do Trung Quốc dẫn đầu đã trúng thầu SEZ Ki-ô-ki-phiu, dự kiến tới năm 2025 sẽ xây dựng một khu công nghiệp rộng gần 1.000 ha và một cảng biển có công suất lớn nhất ở Myanmar, hứa hẹn tạo khoảng 100 nghìn việc làm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/33882002-myanmar-day-manh-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai.html