Myanmar trở thành điểm nóng mới của đối đầu Mỹ - Trung

Mỹ định hình hướng cách tiếp cận với Myanmar là thúc đẩy dân chủ. Trong khi đó, tập trung chính sách của Bắc Kinh phần lớn là kinh tế và lợi ích chiến lược.

Tiến trình chuyển giao dân chủ tại Myanmar trong thập niên 2010, từ một đất nước hàng chục năm đặt dưới sự kiểm soát của quân đội, từng được giới quan sát ca ngợi là thắng lợi của Washington ngay tại "sân sau" của Bắc Kinh. Trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, Myanmar đã mở cửa ngoại giao lẫn thương mại với phương Tây.

Hơn 10 năm sau khi khởi động, số phận của tiến trình chuyển giao dân chủ Myanmar bỗng trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết. Phe quân đội, sau nhiều tuần phản đối kết quả tổng tuyển cử, đã bắt giữ hàng loạt lãnh đạo dân cử, không chấp nhận chiến thắng của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Quyền lực mọi nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp một lần nữa được thu về tay của quân đội - đứng đầu là Thống tướng Min Aung Hlaing.

Cuộc chính biến đặt Myanmar ngay vào vòng xoáy đối đầu Mỹ - Trung. Trong khi Washington chủ trương khôi phục tiến trình dân chủ, Bắc Kinh kêu gọi quốc tế đảm bảo "ổn định chính trị và xã hội" ở nước láng giềng.

 Người ủng hộ quân đội tuần hành tại Yangon vào ngày 1/2 sau cuộc binh biến. Ảnh: Zuma Press.

Người ủng hộ quân đội tuần hành tại Yangon vào ngày 1/2 sau cuộc binh biến. Ảnh: Zuma Press.

Khác biệt trong chính sách đối ngoại

Washington định hình hướng tiếp cận với Naypyidaw là thúc đẩy dân chủ. Trong khi đó, tập trung chính sách của Bắc Kinh phần lớn là kinh tế và lợi ích chiến lược. Trung Quốc cũng tuyên bố lập trường không can thiệp vào tình hình nội bộ nước khác.

Khác biệt trong chính sách đối ngoại dẫn đến phản ứng khác nhau giữa hai cường quốc.

Một ngày sau cuộc chính biến tại Myanmar, Tổng thống Joe Biden lập tức kêu gọi quân đội nước này từ bỏ quyền lực. Ông đe dọa dùng đến lệnh trừng phạt nếu Thống tướng Min Aung Hlaing không trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi cùng các lãnh đạo dân sự. Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ làm việc cùng các đối tác trong khu vực để giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar.

Sự kiện ngày 1/2 trở thành phép thử với lời hứa ông Biden đã đưa ra ngay đầu nhiệm kỳ: đưa nước Mỹ trở lại vị thế "bảo hộ" các thể chế dân chủ của thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng công khai gọi hành động của quân đội Myanmar là đảo chính.

Trong khi đó, Trung Quốc phản ứng kiềm chế hơn rõ rệt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân liên tiếp 2 ngày 1 và 2/2 chỉ kêu gọi các bên "giải quyết một cách hợp lý các khác biệt" nhằm đảm bảo ổn định chính trị và xã hội.

Bắc Kinh nhìn nhận Myanmar là cửa ngõ chiến lược đến Ấn Độ Dương và nguồn cung khoáng sản đầy tiềm năng. Các đường ống dẫn dầu của Trung Quốc từ Vân Nam đến Vịnh Bengal cũng đi qua Myanmar. Bắc Kinh đang kỳ vọng đưa tuyến đường này trở thành hành lang kinh tế ở quy mô lớn hơn, với các liên kết đường sắt và đường bộ.

"Chiến lược của Trung Quốc luôn là: 'Chúng tôi sẽ hợp tác cùng bất kỳ ai nắm quyền'", Yun Sun, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, Washington, chia sẻ.

Bà Aung San Suu Kyi đi bỏ phiếu trong ngày tổng tuyển cử 8/11/2020. Ảnh: AP.

Thế lưỡng nan của Mỹ

Trong mắt của Washington, Myanmar là cơ hội để biến một nước phụ thuộc vào Trung Quốc trở thành đối tác của Mỹ, giành điểm cho mô hình của họ và bào mòn sức ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực.

"Thế lưỡng nan cho chính phủ mới của ông Biden gồm hai phương diện: Thứ nhất, các lệnh trừng phạt có tác động không đáng kể đối với quân đội Myanmar. Phần lớn quân đội nước này 'miễn nhiễm' với các biện pháp đơn phương từ Mỹ", Daniel Russel, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.

"Thứ hai, Trung Quốc sẵn sàng ra tay hỗ trợ quân đội Myanmar, qua đó phục vụ cho mong muốn gia tăng tối đa sức ảnh hưởng ở Đông Nam Á", cựu cố vấn cho Nhà Trắng về khu vực châu Á, trong chính phủ của Tổng thống Barack Obama lẫn Tổng thống Donald Trump, lưu ý.

Mỹ khởi động những nỗ lực thúc đẩy Myanmar cải cách từ khi bà Hillary Clinton giữ ghế ngoại trưởng. Năm 2009, bà cử nhà ngoại giao hàng đầu về vấn đề châu Á - Kurt Campell - đến thăm Myanmar và gặp Aung San Suu Kyi. Campell khi đó tuyên bố Washington sẵn sàng cải thiện quan hệ với chính phủ Myanmar nếu họ có những bước thay đổi tương xứng.

Các cuộc viếng thăm cấp cao nhanh chóng được tổ chức, với chuyến đi của bà Clinton vào năm 2011 và chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama một năm sau đó. Tháng 10/2016, sau chiến thắng lịch sử của Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và bà Aung San Suu Kyi trở thành cố vấn nhà nước, Washington dỡ bỏ hầu hết lệnh trừng phạt cho Myanmar. Tổng thống Obama khi đó hy vọng Myanmar tiếp tục cải cách hướng đến mô hình dân chủ và tăng cường hợp tác với Mỹ trong tương lai.

Bà Aung San Suu Kyi tiếp Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Myanmar vào năm 2012. Ảnh: Nhà Trắng.

Thế nhưng, khi chiến dịch chống ly khai của quân đội Myanmar đẩy hơn 740.000 người Rohingya theo đạo Hồi vào cảnh tị nạn, bà Aung San Suu Kyi chọn im lặng và đứng về phe tướng lĩnh.

Mỹ một lần nữa đối diện thế lưỡng nan. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, một số quan chức Mỹ muốn duy trì tiếp xúc ngoại giao với Myanmar. Trong khi đó, phần đông chính phủ nhìn nhận cố vấn nhà nước Myanmar với con mắt hoài nghi hơn trước. Cựu Đại sứ Mỹ Derek Mitchell cho biết mối quan hệ giữa hai nước kể từ giai đoạn này "đã bị bóp nghẹt".

Kỳ vọng về một Myanmar mở cửa với phương Tây cũng không trở thành hiện thực khi môi trường đầu tư bị kiểm soát quá mức và sau đó là cuộc khủng hoảng ngoại giao về vấn đề Rohingia. Từ trước cuộc chính biến, các cố vấn của bà Aung San Suu Kyi liên tục cảnh báo những đại sứ phương Tây rằng chính sách tạo áp lực chỉ khiến Myanmar ngả về Trung Quốc nhiều hơn.

Cuộc khủng hoảng Rohyngia khiến quan hệ Mỹ - Myanmar đóng băng. Ảnh: Getty.

Sức ảnh hưởng của Trung Quốc

Quan hệ giữa Trung Quốc và Myanmar đã kéo dài nhiều thập kỷ và vượt qua vô số biến động chính trị ở cả hai nước.

Sau liên tiếp các vụ đảo chính quân sự và các vấn đề nhân quyền gây tranh cãi, Myanmar bị cô lập bởi cộng đồng quốc tế.

Bước vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc cũng là lựa chọn khả dĩ duy nhất cho giới lãnh đạo nước này trong một thời gian dài. Sự phụ thuộc quá lớn vẫn khiến tướng lĩnh Myanmar không an tâm.

Nhiều cựu quan chức Mỹ và giới quan sát cho rằng mối lo ngại này là động lực không nhỏ khiến Myanmar chọn mở ra tiến trình dân chủ vào năm 2010.

Trước làn gió chính trị mới, Bắc Kinh nhanh chóng thiết lập mối quan hệ với bà Aung San Suu Kyi. Họ chấp nhận chi trả mọi chuyến thăm của các thành viên NLD, trong đó có Sandar Min - nhân vật cấp cao trong đảng. Kể từ năm 2012, bà Sandar Min đã đến Trung Quốc đến 5 lần, thảo luận về hàng loạt vấn đề từ phát triển kinh tế đến hệ thống tư pháp Trung Quốc. Hàng trăm thành viên khác của NLD cũng được đài thọ các chuyến học tập tương tự.

Theo Viện Chiến lược và Chính sách tại Yangon, kể từ năm 2013, có đến 1.000 nhân vật tại Myanmar được mời sang Trung Quốc, bao gồm chính trị gia, thủ lĩnh tôn giáo, nhà hoạt động xã hội dân sự và nhà báo. Đầu tư của Trung Quốc nhận quả ngọt vào năm 2016, ngay sau khi NLD giành chiến thắng. Bà Aung San Suu Kyi chọn Bắc Kinh là điểm đến số một trong chuyến công du đầu tiên của mình.

"Chuyến đi đã gửi tín hiệu rất rõ rằng cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với Bắc Kinh sẽ không trở thành hiện thực: NLD, vốn từ lâu được nghĩ là do phương Tây chống lưng, sẽ không toàn tâm toàn ý ngả sang phương Tây", Mary Callahan, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Henry M. Jackson, cho biết.

Bà Aung San Suu Kyi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh vào năm 2016. Ảnh: Rolex Dela Pena.

Trước làn sóng phản đối đối với cuộc khủng hoảng về người Rohingya, chính Trung Quốc là nước thành viên Hội đồng Bảo an lên tiếng bảo vệ Myanmar trước cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh dùng sức ảnh hưởng của mình để chặn đứng nghị quyết do các nước phương Tây đề xuất, buộc Hội đồng Bảo an chỉ đưa ra được một tuyên bố chung không mang tính ràng buộc.

Văn phòng của cố vấn nhà nước Myanmar sau đó đã ra một thông cáo đầy ẩn ý, cảm ơn "những ai đã giữ gìn quy tắc không can thiệp vào vấn đề nội bộ của một nước có chủ quyền".

Ông Tập Cận Bình đến thăm Myanmar vào tháng 1/2020. Đó cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc tại Myanmar trong vòng 2 thập niên. Các bên ký một loạt thỏa thuận để thúc đẩy hành lang kinh tế song phương với một gói phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng và thương mại trị giá hàng tỷ USD.

Viện Chiến lược và Chính sách tại Yangon ghi nhận được ít nhất 34 dự án do Trung Quốc chống lưng đang được triển khai ở Myanmar, với tổng giá trị khoảng 24 tỷ USD. Những dự án này bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có cả khai thác vàng và thủy điện.

Theo Gregory Poling, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), Mỹ đã hành động đúng khi tạo động lực cho Myanmar mở cửa với việc dỡ bỏ trừng phạt. Vấn đề then chốt là sức ảnh hưởng của Washington so với Bắc Kinh bị giới hạn quá nhiều.

Thanh Danh

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/myanmar-tro-thanh-diem-nong-moi-cua-doi-dau-my-trung-post1180376.html