#Mytour: Đến thăm những ngôi đền linh thiêng trên đảo ngọc Bali

Để khám phá và thấu hiểu vì sao đảo Bali ở Indonesia được mệnh danh là 'thiên đường nhiệt đới', tôi háo hức thực hiện hành trình đến vùng đất này.

Bali là một trong số 13.500 hòn đảo lớn nhỏ của Indonesia, có khí hậu trong lành, núi rừng xanh thẫm cùng những nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán được giữ gìn từ xưa đến nay.

Cảnh quan Bali phong phú với những bãi biển cát trắng mịn, ruộng bậc thang xanh mướt, hồ nước huyền ảo trên miệng núi lửa đã ngừng hoạt động, những hang động bí ẩn nằm giữa rừng già nhiệt đới cùng các bộ tộc kỳ lạ.

Phải lòng thị trấn Ubud

Tôi ngồi xe khoảng 2 giờ từ sân bay Ngurah Rai đến thị trấn Ubud, nơi mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Bali. Vẻ yên bình của Ubud đủ khiến những du khách có tính cách vội vàng cũng sẵn sàng sống chậm.

Tượng thần trong sử thi.

Đường trung tâm mang tên Monkey Forest, hay được biết đến là khu rừng khỉ, sát bên thị trấn nhộn nhịp là khu rừng tập trung nhiều khỉ sinh sống. Chúng thường xuyên chạy nhảy trên phố, trêu đùa cùng người dân và du khách. Theo sử thi, thần khỉ Hanuman trung thành và dũng cảm với vua Rama nên hàng triệu tín đồ đều dâng lễ cầu nguyện thần phù hộ cho họ khỏe mạnh, sung túc.

Con đường Kajeng nổi tiếng độc đáo ở thị trấn Ubud, được mệnh danh là “Đại lộ danh vọng” của Indonesia, nơi du khách có thể khắc tên lưu niệm dù không phải siêu sao.

Với 120.000 Rupiah (khoảng 300.000 đồng), tôi có ngay phiến đá xi măng vuông vức với diện tích 120 cm2, khắc lên bất kỳ điều gì tôi muốn như tên tuổi, dấu tay, dấu chân, hình vẽ thú vị hoặc ghi ngày đặt chân đến Ubud. Khi phiến đá khô lại sẽ được lát lên mặt đường. Vô hình trung, người dân phố Kajeng không phải tốn bất cứ chi phí nào mà vẫn có được con đường đẹp.

Trên đường Kajeng, các khách sạn theo hình thức homestay mang đậm phong cách Bali tập trung san sát. Điểm khác lạ của khách sạn homestay với các khách sạn khác trong vùng là du khách lưu trú trong nhà người dân địa phương.

Nhà ở nơi đây có lối kiến trúc cổ kính, phòng được thiết kế dành cho các cặp đôi, tường và trần nhà làm bằng cói đan, trước mỗi phòng là hàng hiên với bộ bàn ghế cho du khách ngồi thưởng thức bữa sáng, đọc sách và ngắm mây trời cùng những chậu cây cảnh xinh xắn.

Lưu trú homestay, tôi có cơ hội hòa cùng nếp sống sinh hoạt hàng ngày với dân bản địa. Đồng thời, chi phí thuê phòng có giá phải chăng, gồm bữa sáng thịnh soạn (bánh pancake nhân chuối, phủ nước sốt dâu hoặc chocolate, một đĩa trái cây nhiệt đới, một ly trà hoặc cà phê).

Tôi thích nhất ngôi nhà số 11 Nyonman Homestay bởi chủ nhà dễ mến. Ngày đầu tiên, tôi được chủ nhà mời thưởng thức ly rượu Bali Yoga như lời chào mừng đến với thiên đường đảo Bali thơ mộng. Ngày cuối trước khi rời Ubud, tôi còn được mời nâng ly rượu hẹn ngày tái ngộ.

Hòn đảo của nghìn ngôi đền linh thiêng

Hơn 90% người Bali theo Ấn Độ giáo (Hindu), vì thế, hơn 20.000 ngôi đền ở đây có sự dung hòa giữa kiến trúc Ấn Độ với kiến trúc đặc trưng của đảo Bali. Đa số các góc đường có tượng mô tả các nhân vật thần thoại trong sử thi. Đền hiện diện khắp nơi, từ những ngôi đền lớn đã tồn tại qua hàng thế kỷ đến những ngôi đền nhỏ ở các góc phố, trong các nhà dân.

Trước khi vào tham quan đền, du khách được cho mượn khăn xà rông. Và chỉ có tín đồ theo đạo Hindu mới được vào khu vực làm lễ.

Khi bước vào bất cứ một ngôi đền nào, du khách đều được phát cho một chiếc xà rông dùng để quấn phần thân dưới. Nếu tham quan đúng lúc đền diễn ra nghi lễ truyền thống, khách sẽ được phát thêm một dải ruy băng màu tím quấn ngang eo.

Điểm tham quan đầu tiên là đền Taman Ayun nằm ở làng Mengwi, cách trung tâm đảo 18 km, được mệnh danh là "ngôi đền trong công viên xanh".

Tôi ấn tượng với những cánh cửa gỗ chạm khắc tinh xảo, những tòa tháp uy nghiêm, những hàng cây cao đối xứng nhau và được bao quanh bởi một hào nước vững chắc, phủ lên những tòa tháp là một màu đen thẫm của những mái lá cọ từ xa xưa. Tất cả như toát lên sự linh thiêng và huyền bí.

Ngôi đền linh thiêng ở Bali cần kể đến là Tanah Lot Tabanan, một trong bảy ngôi đền nổi tiếng bên bờ biển Bali. Đền Tanah Lot được xây trên đỉnh của hòn đá khổng lồ giữa bốn bề biển xanh, sóng vỗ rì rầm và cách bờ biển chừng một lối đi nhỏ.

Khi thủy triều xuống, các tín đồ Hindu xếp hàng dài, bước trên những phiến đá tiến vào dâng lễ, những người ngoại đạo vào lễ cũng được phết lên tóc một ít nước thánh, đính lên trán những hạt gạo, cài lên tóc một bông sứ trắng.

Sẽ thiếu sót nếu bạn đến Bali mà không ghé thăm đền Ulun Danu, được gọi là "đền nước" do nổi trên mặt hồ thiêng Beratan, vốn là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động. Đền nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển.

Tôi đi xe qua những thửa ruộng bậc thang, những đoạn đường đèo quanh co để đến đền. Lên cao, không khí trong lành, cây cối xanh rì. Tiến vào trong đền, làn sương giăng mờ ảo trên đỉnh núi xanh và phủ trên mặt hồ, làm cho cảnh quan trông như bức tranh thủy mặc.

Ngôi đền cổ và linh thiêng nhất Bali được tôi để dành tham quan cuối cùng là đền Besakih (hay còn gọi là đền Mẹ). Điều thú vị là hầu hết ngôi đền ở Bali đều hướng về đền Mẹ.

Đền Besakih gồm 21 ngôi đền và nhiều điện thờ nhỏ nằm trên sườn núi phía nam Agung có tuổi thọ trên 100 năm. Đứng ở khoảng sân rộng, tôi thấy từng dòng người đi lễ đông như trẩy hội.

Đường lên khu thờ chính tại đền Besakih.

Bước lên những nấc thang cao dẫn tới những cổng tháp, tôi đến khu vực gần điện thờ chính. Ở đó, những tín đồ theo đạo Hindu đang thành kính dâng hoa, bày lễ và sì sụp khấn vái.

Nơi cao nhất bên trong đền Besakih.

Lên đến khu vực cao nhất của đền, hiện ra trước mắt tôi là những mái đền xếp chồng nhiều tầng đặc trưng Bali. Màu đen của lá cọ cùng với màu rêu phủ đền in trên nền trời xanh biếc, vẽ nên bức tranh trầm mặc nhuốm màu thời gian.

Đến đây, tôi thấy thanh thản trước sự tĩnh lặng của không gian, trước sự tôn nghiêm của ngôi đền hoành tráng và linh thiêng.

Để kết thúc hành trình một cách trọn vẹn, tôi tìm đến thị trấn Kintamani, tọa lạc ở độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển để nhìn ngắm núi lửa Batur.

Cảnh đẹp của núi lửa Batur gây ấn tượng đặc biệt cho bất kỳ du khách nào đến đây. Từ xa, tôi đã thấy những dòng nham thạch phủ gần kín quả núi, khiến ngọn núi trông như mỏ than lộ thiên đen bóng, khói trắng vẫn bốc lên từ hai miệng núi lửa liền kề nhau trên đỉnh núi.

Dưới chân núi là hồ Batur với những làn sương khói thơ mộng, nước xanh trong vắt, cảnh đẹp như tranh vẽ. Những nỗi nhớ da diết sau chuyến đi là những điều đọng lại sâu sắc nhất trong ký ức của người lữ khách phương xa.

Đọc giả Bi’s Phượt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mytour-den-tham-nhung-ngoi-den-linh-thieng-tren-dao-ngoc-bali-post869996.html