NАТО hoan hỉ mừng 'chiến thắng' đầu tiên của F-35 trước МiG-31

Có thể thấy rõ mồn một sự cường điệu đậm màu tuyên truyền ầm ỹ quanh một chuyện rất bình thường.

Máy bay tiêm kích thế hệ năm F-35 “Lightning II” (Ảnh: Zuma / TASS)

Máy bay tiêm kích thế hệ năm F-35 “Lightning II” (Ảnh: Zuma / TASS)

Trang web “Forsvaret” của Na Uy dẫn nguồn từ Bộ Tư lệnh Không quân Hoàng gia Na Uy vừa đưa tin về “một sự kiện lịch sử” mở ra một kỷ nguyên mới trong cuộc đối đầu giữa Không quân NATO và Bộ đội Đường không- Vũ trụ (VKS) Nga.

Theo Trung tướng Rune Jacobsen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Na Uy, thì: “vào ngày thứ Bảy (7/ 3) vừa qua đã diễn ra một sự kiện mang tầm vóc lịch sử.

Lần đầu tiên các máy bay tiêm kích thế hệ năm F-35 Lightning II (“Tia chớp II”) đã “lẳng lặng” đưa vào kính ngắm 2 máy bay chống ngầm Tu-142 và 1 máy bay tiêm kích MiG-31 (“Chó săn chồn” theo phân loại của NATO) bay về hướng nam Tuyến phòng thủ Faroe-Iceland của NATO, và sau đó đã bay bám theo các máy bay Nga này.

Tại cuộc họp báo đặc biệt trên, Ông Rune Jacobsen tuyên bố: “Tôi rất vui mừng vì bây giờ F-35 đã có những đóng góp quan trọng vào việc nắm bắt tình huống trên không – Từ giờ Không quân của chúng tôi đã có thể ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp.

Điều này cho thấy rằng chúng tôi đã có những bước đi rất nghiêm túc và quan trọng trên hướng khai thác các lợi thế tác chiến từ F-35”.

Sở dĩ sự kiện này được đánh giá là có một “ý nghĩa lịch sử”, có lẽ, là nhờ vào hai nhân tố sau.

Trước hết, các máy bay tiêm kích “vàng” thế hệ năm F-35 sau vụ này đã được “chuyển loại” từ cái nhóm được gọi là những “máy bay khuyết tật vĩnh cửu” sang hàng ngũ những máy bay chiến đấu hoàn chỉnh có thể thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Điều đặc biệt quan trọng nữa- không phải do các phi công Mỹ điều khiển.

Thứ hai, Ngài Rune Jacobsen có ý muốn nói rằng trước đây các máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Na Uy đã thường xuất kích “đánh chặn” chậm. thành thử, đã làm cho Na Uy, và cùng với Na Uy là nước Anh, rất dễ bị tổn thương trước các đòn tấn công bất ngờ của người Nga.

Nhưng giờ đây thì các phi đội F-35 “Lightning II” cất cánh từ ba căn cứ không quân ở Na Uy đã bịt kín cái lỗ hổng này trên tuyến phòng thủ Anh-Iceland-Na Uy.

Và nói chung - nếu như đã xảy một trận chiến thực sự, thì 2 chiếc Tu-142 và 1 chiếc MiG-31 Nga nói trên đã an nghỉ dưới đáy biển sâu rong khi vẫn không hiểu được là tên lửa “không đối không” bắn hạ mình bay đến từ đâu.

Có thể thấy rõ mồn một sự cường điệu đậm màu tuyên truyền ầm ỹ quanh một chuyện rất bình thường. Và các cụm từ “có cánh” xuất hiện đầy rẫy trên các phương tiện thông tin, kiểu như:

“Các máy bay Nga bị trạm kiểm soát của không quân CRC “Sørreisa” chặn đứng”.

“Lần đánh chặn thành công máy bay Nga này được thực hiện trong khuôn khổ Sứ mệnh “Cảnh báo phản ứng nhanh” (“Quick Reaction Alert” (QRA)) và v.v.

Trong thông báo của ngài Rune Jacobsen cũng có nhắc tới, tuy chỉ thoáng qua, về việc Không quân Mỹ cũng có tham gia "sự kiện lịch sử" này. Có lẽ, ông muốn nói tới những chiếc máy bay AWACS Mỹ, nhưng chúng ta sẽ bàn về vai trò của chúng ở phần sau.

Theo các nguồn công khai thì đến thời điểm hiện tại Không quân Na Uy đã nhận 15 máy bay tiêm kích F-35 trong tổng số 52 chiếc đã đặt hàng.

Nếu cho đến thời gian gần đây, quyết định mua các “Tia chớp” luôn được đặt dấu hỏi, kể cả tại chính Oslo, thì “sự kiện lịch sử” mới được ông Rune Jacobsen công bố sẽ không còn để cho những kẻ thích chỉ trích quyết định trên bất kỳ một cơ hội cất lời nào nữa.

Nhân “sự kiện” này, Công ty Lockheed Martin tiện thể cũng ra thông báo nhắc nhở công chúng về việc đến nay họ đã bàn giao hơn 490 chiếc F-35 cho không quân nhiều nước, trong đó có 134 chiếc trong năm 2019. Hơn 975 phi công và 8.585 nhân viên kỹ thuật đã được đào tạo.

Thêm nữa, tổng thời gian bay của F-35 đã vượt quá 240.000 giờ. Nói một cách cho “ngắn gọn dễ hiểu” hơn thì máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm do Lockheed Martin thiết kế- chế tạo đã là một thực tế, chứ không phải chỉ là những máy bay hàng “thô” như của Trung Quốc và Nga.

Không tự đặt cho mình nhiệm vụ ngợi khen hay báng bổ F-35, chúng tôi chỉ xin lưu ý rằng một tuần trước “sự kiện lịch sử” nói trên, tờ “Business Insider” (có trụ sở tại New York) đã có những lời lẽ dè bỉu “Lightning II”.

Trong một bài báo đặc biệt về chủ đề này có đoạn nói rằng "máy bay tiêm kích tấn công F-35 vẫn đang “bị hành hạ” bởi hàng trăm lỗi thiết kế đến giờ vẫn chưa được giải quyết, hàng chục lỗi trong số đó không được Bộ Quốc phòng Mỹ "lên kế hoạch” khắc phục vào một thời điểm nào đó trong tương lai".

Tờ Business Insider trích phát biểu của một quan chức phụ trách mảng giám sát nhà nước của chính phủ Mỹ nói rằng hiện Lầu năm góc đang phải xử lý 883 lỗi thiết kế, tới một nửa trong số đó đang bị Lockheed Martin khăng khăng bác bỏ. Nhà sản xuất (Lockheed Martin) từ chối khắc phục những lỗi đã bị các phi công và kỹ sư bảo trì chỉ ra rất nhiều lần.

Một trong số lỗi đó- phiên bản hải quân F-35 B cất cánh trên đường băng ngắn và cất hạ cánh thẳng đứng trở nên rất khó điều khiển khi máy bay công kích hoặc hạ độ cao theo góc 20 độ. Còn những phàn nàn về pháo 25 trên máy bay, có lẽ, đã có từ khoảng 5 năm nay.

Tuy vậy, bất chấp mọi nỗ lực hiệu chỉnh thiết bị ngắm bắn, khẩu pháo này vẫn “ngoan cố” bắn trệch mục tiêu. Các phi công phải ngắm lệch một chút về bên trái, và bằng mắt thường, nhưng độ chính xác vẫn rất thấp. Nỗ lực hiệu chỉnh phần mềm không đem lại kết quả - không tìm ra lỗi.

Rất dễ hiểu là không thể nào tồn tại một kiểu máy bay tiêm kích lý tưởng nào đó: kiểu nào cũng sẽ có điểm yếu, kể cả các máy bay Nga.

Nhưng với mức chi phí một giờ bay là 24.000 đô la – vâng, đó chính là khoản tiền mà những người đóng thuế Na Uy phải trả cho một giờ F-35 bay hộ tống nhóm máy bay của VKS Nga – thì khách hàng (Na Uy) hoàn toàn có quyền đòi hỏi một chiếc máy bay không gặp vấn đề.

Trong khi đó, vào ngày 7/ 3 “lịch sử” nói trên, một cặp F-35 Na Uy đã có mặt trên không tới gần 4 giờ. Và như vậy, đã có khoảng 200.000 đô la tiền ngân sách chi cho “sự kiện lịch sử” nói trên.

Một user người Na Uy dưới tên @Viking đặt một câu hỏi như sau: “Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu người Nga ngày nào cũng cho lúc thì một chiếc, lúc thì hai chiếc Su-30 bay dọc tuyến phòng thủ Faroe-Iceland của chúng ta?”.

Chỉ mỗi mục đích là buộc chúng ta phải đốt tiền và “đốt” tổng số giờ bay ngắn ngủi của F-35, vì với Matxcova thì mỗi chuyến xuất kích của Su-30 như vậy sẽ rẻ hơn hàng chục lần”.

Vì vậy, tôi rất muốn nói với bạn @Viking: xin đặc biệt cám ơn bạn về những đề xuất rất quý báu đó (cho Nga), nhất là nếu tính thêm cả khoản dứt khoát phải có các máy bay AWACS của Mỹ cất cánh từ đâu đó, bởi vì nếu không có chúng bay kèm thì các phi công lái “Lightning II” đã được lệnh cấm đánh chặn các máy bay tiêm kích của chúng ta.

Nhưng nói một cách nghiêm túc thì nếu phải bay liên tục, độ tin cậy của F-35 sẽ giảm rất đáng kể, đúng như tờ “Business Insider” đã cảnh báo. Các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật mặt đất đơn giản là sẽ không có đủ thời gian để bảo dưỡng các thiết bị phức tạp trên máy bay.

Thành thử, chúng ta có một bức tranh toàn cảnh khá thú vị. Nếu cứ tin vào các nguồn am hiểu của Na Uy và thậm chí là của Mỹ thì F-35 chỉ có một lợi thế duy nhất và không thể phủ nhận, lấy vì dụ, nếu so với MiG-31 (NATO đang ăn mừng chiến thắng của F-35 trước MiG-31)- đó là được nhận các thông báo về tình huống trên không từ AWACS, hoặc tệ hơn - từ các vệ tinh.

Những hỗ trợ từ mặt đất tỏ ra không mấy hiệu quả, đặc biệt là nếu F-35 bay cách quá xa cơ sở hạ tầng quân sự. Còn về những gì liên quan đến "áo choàng tàng hình", thì “áo choàng” này cần cho "Tia chớp" để nó có thể tiếp cận máy bay tiêm kích của chúng ta ở cự ly gần nhất có thể để chắc chắn công kích thành công.

Còn nếu như “Lightning II” chỉ hoàn toàn dựa vào các radar của mình, thì số phận của nó chắc chắn sẽ rất đáng khóc: F-35 sẽ “tỏa sáng lấp lánh” như một cây thông Giáng sinh trên trời.

Khi đó thì “Chó săn chồn” - "Foxhound" Nga với tốc độ 2,35 M sẽ không để cho F-35 bay với tốc độ tối đa là1,6 M bất cứ một cơ hội sống sót nào. Tất nhiên, trong một trận chiến thực sự, các yếu tố khác như vũ khí, trình độ phi công, kinh nghiệm chiến đấu, v.v. cũng giữ một vai trò rất quan trọng.

Nhưng người Mỹ luôn dành ưu tiên hàng đầu cho khả năng nắm chắc và nắm trước tình huống trên không cùng với khả năng tàng hình. Nếu không có những thứ đó- sẽ không có lợi thế.

Tại một diễn đàn chuyên nghiệp Mỹ có tên f-16.net, các chuyên gia sau khi tranh luận về một cuộc chiến giả định giữa 10 chiếc F-35 Mỹ và 10 chiếc MiG-31 Nga đã kết luận thẳng thừng rằng trong trường hợp đó thì trước hết người Nga nên tìm bằng được máy bay AWACS và bắn hạ nó, cho dù có phải trả giá bằng 2,3 hoặc thậm chí là tới 4 chiếc "MiG " đi nữa.

Sau đó thì các phi công lái “Lightning II” sẽ tự bỏ chạy dù đang chiếm ưu thế số đông. Đây là chiến thuật mà các phi công Mỹ đã được dạy dỗ cẩn thật và họ sẽ tuân thủ nghiêm túc trong một cuộc chiến tranh trên không nếu xảy ra.

Vì vậy, dù có thế nào đi nữa thì Ngài Rune Jacobsen vẫn đã đúng khi nói rằng trên bầu trời gần Na Uy vừa mới diễn ra “sự kiện lịch sử” thực sự: đúng là F-35 đang thay đổi cán cân lực lượng và các khả năng thực sự của “Lightning” cần phải được VKS của chúng ta tính tới.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/n-hoan-hi-mung-chien-thang-dau-tien-cua-f-35-truoc-ig-31-3398787/