NAFTA phiên bản mới - Cả khối Bắc Mỹ hưởng lợi

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mô tả Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới, nay có tên gọi Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) trị giá 1.200 tỷ USD là một 'thỏa thuận thương mại tuyệt vời' để thay thế cho phiên bản cũ.

Một hiệp định mang đậm dấu ấn Donald Trump

Ngay sau khi Mỹ và Canada đàm phán thành công, ngày 1-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành họp báo về việc Mỹ, Canada và Mexico đạt được Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vốn đã tồn tại 25 năm qua, coi đây là "thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ".

Như vậy tên gọi mới của NAFTA phiên bản 2.0 từ nay sẽ là Hiệp định Mỹ-Canada-Mexico (USMCA) và theo kế hoạch, lãnh đạo ba nước Bắc Mỹ này sẽ ký thỏa thuận này vào cuối tháng 11, trước khi đệ trình lên Quốc hội.

Tổng thống Mỹ phát biểu tại cuộc họp báo về NAFTA mới hay còn gọi là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Ảnh: Vox.

Theo ông Mike Callaghan, cộng tác viên của Viện Nghiên cứu chính sách Lowy (Australia), sau quãng thời gian dài đe dọa xóa bỏ NAFTA, thậm chí “thị uy” Canada và Mexico bằng việc áp thuế cao nếu hai nước này không chấp nhận những yêu cầu mới từ phía Mỹ, Tổng thống D.Trump đã dồn cả Canada và Mexico đến “phút chót” (theo thời hạn do Mỹ đặt ra) của thỏa thuận vào ngày 30-9, để quyết định thông qua USMCA thay thế cho NAFTA. Tổng thống D.Trump không thích giữ lại cái tên NAFTA, ông muốn nhấn mạnh tới sự thay đổi hoàn toàn nội dung và thuộc tính của hiệp định mới.

Ông Mike Callaghan cho rằng USMCA có thể là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà Tổng thống D.Trump đã đạt được cho đến nay. Nó góp phần loại bỏ sự không chắc chắn về tương lai của NAFTA, nhưng không đem lại các tín hiệu tích cực đối với kinh tế thế giới. Hiệp định này cũng thể hiện cách tiếp cận của nước Mỹ trong các đàm phán thương mại, ngay cả khi quốc gia này giao dịch với các đồng minh của mình.

Những điểm mới của NAFTA 2.0

Hãng truyền thông CNBC của Mỹ đưa tin, USMCA xóa bỏ phần lớn giá trị cũ của NAFTA. USMCA đã có những thay đổi kỹ thuật căn bản về các quy tắc sản xuất ô tô và xe tải, vấn đề mở cửa thị trường ngành công nghiệp sữa Canada, phạm vi trải rộng của tác quyền và quy tắc giải quyết tranh chấp… Tờ Washington Post phân tích 5 điểm mới thỏa thuận thương mại trị giá 1.200 tỷ USD giữa Mỹ, Mexico và Canada.

Thứ nhất, nông phẩm Mỹ được đảm bảo đầu ra. Đây là điểm không thể thương lượng được của Tổng thống Mỹ vì ông muốn giữ số cử tri nông dân đang bị tác động bởi cuộc chiến tranh thương mại. Canada đã phải nhân nhượng, mở thị trường sữa của nước này thông qua việc nới lỏng hệ thống kiểm tra sản xuất, hạn ngạch và mức thuế có thể lên đến 275%. Canada sẽ mua nông phẩm Mỹ nhiều hơn và mở thêm 3,4% thị trường nước này.

Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực. Ảnh: USA Today

Thứ hai, lĩnh vực xe hơi, thuế hải quan sẽ không được áp dụng với các loại xe được lắp ráp từ ít nhất 75% phụ tùng được sản xuất tại Bắc Mỹ (thay vì 62,5% theo NAFTA). Thêm vào đó, từ 40%-45% số phụ tùng nói trên phải do công nhân có mức lương “ít nhất là 16 USD/giờ” sản xuất. Điều khoản này có lợi cho Mỹ và Canada, buộc Mexico phải tăng cường đàm phán với các nghiệp đoàn của nước này vì nhân công Mexico luôn rẻ hơn và quyền lợi của người lao động ít được bảo vệ. Canada và Mexico sẽ thoát được nguy cơ bị Mỹ đánh thêm 25% thuế trong lĩnh vực xe hơi.

Thứ ba, tòa giải quyết xung đột được thành lập trong khuôn khổ thỏa thuận NAFTA hiện hành sẽ tiếp tục hoạt động. Washington muốn xóa cơ chế độc lập này, trong khi đó với Ottawa, đây là điểm không thể nhân nhượng vì đó là công cụ đáng tin cậy duy nhất để phản đối các biện pháp thuế mà Mỹ áp đặt.

Thứ tư, cứ 6 năm (thay vì 5 năm như yêu cầu của Tổng thống Trump), ba nước sẽ họp bàn về tương lai của thỏa thuận thương mại. Thỏa thuận này sẽ mất hiệu lực sau 16 năm, nếu không được thương lượng lại hoặc không tiếp tục triển khai.

Cuối cùng, mức thuế đánh thêm nhắm vào nhôm và thép - được chính quyền Mỹ áp dụng hồi tháng 3-2018 - tiếp tục được duy trì “cho tới khi ấn định một hệ thống mới”, có thể là áp dụng hạn ngạch, theo như phát biểu ngày 1-10 của Tổng thống Mỹ.

Những đánh giá này cho thấy tầm quan trọng của USMCA và những gì mà nó truyền tải về cách thức Mỹ tiếp cận với các hiệp định thương mại. Trong khi đó, mặc dù Canada và Mexico đã tránh được đe dọa tăng thuế đánh lên ngành công nghiệp ô tô từ phía Mỹ (hai nước này sẽ được hưởng tự do thuế quan theo USMCA), thì hiệp định mới cũng không xóa bỏ việc Mỹ tiếp tục đe dọa áp thuế cao lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu với mục đích duy trì an ninh quốc gia. Canada sẽ không phải mở cửa thị trường sữa, vốn luôn được bảo hộ lâu dài, cho các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ. Giới chăn nuôi bò sữa Canada đã phàn nàn về điều này, nhưng đây lại là một kết quả tốt đối với người tiêu dùng và nền kinh tế Canada.

Lực lượng lao động trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ đã rất hoan nghênh những thay đổi này. Việc này góp phần tăng chi phí của ô tô sản xuất tại Bắc Mỹ, giúp người tiêu dùng nhận thức được vấn đề, qua đó khuyến khích các nhà máy ô tô Mỹ và Canada di chuyển ra khỏi Mexico. Một số “lợi ích” khác mà Mỹ đạt được thông qua USMCA có thể kể đến như kéo dài thời hạn của bằng sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm Mỹ và tăng cường thời hạn sở hữu trí tuệ. Thỏa thuận mới này cũng chứa đựng một điều khoản ngăn cản các thành viên của hiệp định không được thao túng tiền tệ quốc gia. Quy định này do Mỹ đề xướng, rõ ràng không nhằm vào Canada và Mexico, những quốc gia đã tuyên bố thả nổi tỷ giá hối đoái, mà là một tín hiệu hướng đến các đối thủ thương mại của Bắc Mỹ, đặc biệt là Mỹ.

Chiến thắng của thương mại tự do toàn cầu

Đây được xem là chiến thắng lớn làm rung chuyển thời đại thương mại tự do toàn cầu, sự kiện được nhiều người ví với việc NAFTA ký kết năm 1994. Trả lời phỏng vấn Fox News Channel, cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro cho biết, những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa ba nước nói chung và giữa Mỹ và Canada nói riêng trong thời gian qua vẫn là quan điểm bảo hộ của Canada đối với lĩnh vực văn hóa-giải trí cũng như việc Ottawa mong muốn duy trì cơ chế giải quyết tranh chấp trong Chương 19 hay mong muốn nhôm, thép và ô tô xuất khẩu của Canada không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế cao... đã được hai bên thống nhất “đầy thiện chí”. Trước đó, Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận sửa đổi NAFTA hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Trong khi đó, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 1-10, Tổng thống Trump đánh giá thỏa thuận thương mại mà Mỹ đạt được với Mexico và Canada là một chiến thắng đối với người dân Mỹ. Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ, Canada và Mexico có thể ký kết hiệp định này vào cuối tháng 11 tới đây. Theo ông, hiệp định mới sẽ giúp tạo ra hàng nghìn việc làm ở Mỹ, các nước đã nhất trí các điều khoản liên quan đến vấn đề lao động, bảo hộ sở hữu trí tuệ và môi trường. USMCA sẽ giúp đưa Bắc Mỹ thành "khu vực sản xuất mạnh mẽ".

Thỏa thuận này sẽ giúp lấy lại uy tín, cũng như lòng tin của cử tri đối với Tổng thống Mỹ cũng như Đảng Cộng hòa trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 sắp tới. Giới chức Mỹ cũng như các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ ca ngợi đây là một trong những thỏa thuận thương mại có khả năng thực thi cao nhất mà Mỹ từng ký kết, đồng thời cho rằng sẽ làm thay đổi cuộc sống của người dân Mỹ đồng thời làm cho nền kinh tế nước này vững mạnh hơn và tốt hơn.

Tại Canada, đồng dollar Canada (CAD) và peso của Mexico tăng giá, chứng khoán Nhật Bản lập đỉnh mới trong 27 năm qua là những phản ứng tích cực của thị trường. Trong một tuyên bố chung, Canada và Mỹ khẳng định thỏa thuận sẽ đem lại “những thị trường tự do hơn, thương mại công bằng hơn và tăng trưởng kinh tế nở rộ hơn cho khu vực”. Tuy nhiên, báo Politico cho rằng thỏa thuận mới sẽ còn phải trải qua hàng loạt rào cản pháp lý trước khi chính thức được trình Quốc hội Mỹ bỏ phiếu xem xét, quy trình khó có thể diễn ra trước khi Quốc hội mới đi vào hoạt động trong năm 2019.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nafta-phien-ban-moi-ca-khoi-bac-my-huong-loi-551340