Năm 2016 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử

NASA và Cục Đại dương và Khí quyển (NOAA) của Mỹ ngày 18-1 đã tuyên bố 2016 là năm nóng nhất trên toàn cầu từng được ghi nhận. Ngay sau đó, WWF đã kêu gọi thế giới cần hành động khẩn cấp.

Hiện tượng nóng lên nhiều năm liền phá kỷ lục

Dựa trên dữ liệu thu thập được, nghiên cứu này cho biết, nhiệt độ toàn cầu trung bình trong năm 2016 tăng 1,78 độ F (tức 0,99 độ C) so với trung bình giữa thế kỷ 20. Đây là năm thứ ba liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu lập kỷ lục mới.

Giám đốc Viện Nghiên cứu không gian của NASA (GISS) Gavin Schmidt nói: "Chúng tôi không mong đợi kỷ lục này cứ lặp lại hằng năm, nhưng xu hướng ấm lên đang diễn ra là rõ ràng".

Từ cuối thế kỷ 19 đến nay, nhiệt độ bề mặt trung bình của hành tinh đã tăng khoảng 2,0 độ F (tức 1,1 độ C) chủ yếu bởi tăng carbon dioxide và khí thải nhân tạo khác vào khí quyển. Hầu hết các hiện tượng nóng lên đã xảy ra trong vòng 35 năm gần đây, cụ thể hơn, 16 trong số 17 lần lập kỷ lục nóng nhất đã diễn ra kể từ năm 2001.
Năm 2016 không chỉ là năm nóng nhất trong lịch sử, mà tám tháng trong số 12 tháng của năm cũng phá kỷ lục của từng tháng so với năm trước.

Các hiện tượng như El Nino hoặc La Ninã trên vùng nhiệt đới Thái Bình Dương góp phần biến đổi ngắn hạn về nhiệt độ trung bình toàn cầu. Các nhà nghiên cứu ước tính, hiện tượng El Nino ở Thái Bình Dương “đóng góp” vào mức nhiệt nóng lên của toàn cầu trong năm 2016 là 0,2 độ F (tức 0,12 độ C ). Do hiện tượng thời tiết thường ảnh hưởng đến nhiệt độ khu vực, nên không phải mọi khu vực trên trái đất đều nóng lên giống nhau.

Cần hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu

Ngay sau khi NASA và NOAA công bố điều này, ông Manuel Pulgar-Vidal, Giám đốc Chương trình Khí hậu và Năng lượng của WWF đã phát biểu: “Nếu có thời điểm nào thích hợp nhất để thực hiện các hành động khẩn cấp về biến đổi khí hậu, thì đó chính là thời điểm này. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trên toàn cầu tập trung giải quyết khủng hoảng ngày càng gia tăng này, thiên nhiên liên tục nhắc nhở chúng ta cần phải khẩn trương hơn nữa”.

Khắp nơi trên thế giới, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm mất ổn định trong sản xuất lương thực, nguồn nước ngay càng khan hiếm và đẩy nhanh sự bất ổn giữa các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất. Từ những khối băng đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh hơn tại cả Bắc Cực và Nam Cực, cho tới các cơn lốc xoáy có sức tàn phá khủng khiếp, hạn hán, cháy rừng, thiên nhiên đang gióng lên hồi chuông báo động. Những yếu tố ảnh hưởng tới các sự kiện thời tiết nghiệm trọng năm ngoái không cho thấy dấu hiệu của sự dừng lại và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tới năm 2017.

Theo ông, đây chính là lúc để chúng ta thúc đẩy việc thực thi Thỏa thuận Paris và tăng tham vọng về mục tiêu năng lượng sạch trong những năm tới. Chúng ta cần các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức dân sự xã hội và chính quyền trung ương và địa phương cùng hành động để tạo ra một sức mạnh tập thể trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa ra những mục tiêu lớn hơn nữa. Đây sẽ là một chặng đường dài chúng ta phải đi, vì vậy các kế hoạch và chiến lược dài hạn rất cần thiết để chuyển đổi nền kinh tế trong tương lai – một nền kinh tế được vận hành bởi năng lượng sạch và tái tạo.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/moi-truong/item/31878002-nam-2016-duoc-ghi-nhan-la-nam-nong-nhat-trong-lich-su.html