Năm 2017 lợi nhuận của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng mạnh mẽ

Tại Lễ Công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều nay (10/7), các thống kê được công bố trong Sách trắng cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp (DN) năm 2017 tăng vượt bậc so với năm trước. Đặc biệt khối DN ngoài nhà nước, lợi nhuận tạo ra đã tăng tới 55%, chiếm hơn 59% lợi nhuận của toàn bộ khu vực DN.

Với bản tóm tắt nội dung Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có lợi nhuận chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực DN với 519,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,3% lợi nhuận của toàn bộ khu vực DN, tăng 16,4% so với năm 2016. Khu vực dịch vụ tạo ra 352,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,1%, tăng 35%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tạo ra 4,96 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6%, tăng 2,9%.

Ông Lâm cho hay, trong tổng lợi nhuận đó, khu vực DN Nhà nước tạo ra 200,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 22,9%, tăng 1,8% (trong đó khu vực DN 100% vốn nhà nước tạo ra 124,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,2%, tăng 10,1%). Khu vực DN ngoài nhà nước tạo ra 291,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%, tăng 55%. Khu vực DN FDI tạo ra 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8%, tăng 17,6% so với năm 2016.

Như vậy khối DN ngoài nhà nước đang nỗ lực vươn lên để trở thành lực lượng "nòng cốt" của nền kinh tế.

Cũng theo thống kê trong Sách trắng, có 30/63 địa phương có tốc độ tăng lợi nhuận cao hơn mức tăng bình quân cả nước, những địa phương có tốc độ tăng lợi nhuận của DN năm 2017 so với năm 2016 trên 100% gồm: Hưng Yên tăng 593,6%; Nam Định tăng 445,0%; Lào Cai tăng 329,4%; Thái Bình tăng 320,5%; Thừa Thiên - Huế tăng 156,3%; Quảng Bình tăng 126,9%; Lạng Sơn tăng 112,8%; Ninh Thuận tăng 111,6%.

Có 13/63 địa phương có tốc độ tăng lợi nhuận năm 2017 so với năm 2016 thấp hơn mức tăng cả nước như: Đắk Nông tăng 0,4%; Thanh Hóa tăng 3,7%; Bình Dương tăng 4,7%; Hà Tĩnh tăng 8,7%...

Bên cạnh đó có 14/63 địa phương không những không tăng mà còn giảm như: Cao Bằng giảm 97,6%; Lai Châu giảm 95,7%; Tuyên Quang giảm 95,1%; Hòa Bình giảm 75,5%; Long An giảm 64,2%; Bình Thuận giảm 62,7%; Nghệ An giảm 52,3%...

Về hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của toàn bộ khu vực DN, ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, trong Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam đã thống kê năm 2017 đạt 2,9%. Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng có ROA đạt cao nhất với 4,9%, cao vượt trội và gấp 3,1 lần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, gấp 2,8 lần khu vực dịch vụ. Và trong đó, khu vực DN Nhà nước có ROA đạt 2,2%; khu vực DN ngoài nhà nước đạt 1,8% và khu vực DN FDI đạt 7%.

Còn hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn bộ DN năm 2017 đạt 10%. Khu vực công nghiệp và xây dựng có ROE đạt cao nhất với 12,9%, cao vượt trội và gấp xấp xỉ 5 lần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, gấp 1,7 lần khu vực dịch vụ.

Khu vực DN Nhà nước có ROE đạt 11,4% (trong đó, khu vực 100% vốn nhà nước đạt 10,6%); khu vực DN ngoài nhà nước đạt 6,0% và khu vực DN FDI đạt 18,1%.

Về hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) của toàn bộ khu vực DN năm 2017, Sách trắng cho thấy đạt 4,2%, với hiệu suất sinh lợi trên doanh thu của khu vực công nghiệp và xây dựng cao nhất ở mức 5%, tiếp đến là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,4% và cuối cùng là khu vực dịch vụ 3,5%.

Mặc dù nằm trong "top" tạo ra lợi nhuận cao nhất nhưng ông Lâm cho hay, khu vực dịch vụ có chỉ số nợ cao nhất với 3,3 lần, gấp hơn hai lần so với khu vực công nghiệp và xây dựng và gấp xấp xỉ 5 lần so với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, khu vực DN Nhà nước có chỉ số nợ là 4,1 lần; khu vực DN ngoài nhà nước là 2,3 lần và khu vực DN FDI là 1,6 lần.

Chỉ số nợ chung của toàn bộ DN năm 2017 là 2,5 lần, nói cách khác, tổng số tài sản nợ của DN năm 2017 gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu của DN.

Chỉ số quay vòng vốn năm 2017 của toàn bộ khu vực DN thì đạt 0,7 lần. Công nghiệp và xây dựng là khu vực có chỉ số quay vòng vốn đạt cao nhất với 1 lần, gấp 1,9 lần so với khu vực dịch vụ và gấp 2,8 lần so với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Và khu vực DN Nhà nước có chỉ số quay vòng vốn là 0,3 lần; khu vực DN ngoài nhà nước là 0,7 lần và khu vực DN FDI là 1,1 lần.

Ông Lâm nhận định: "Khu vực doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng thu hút nhiều lao động, tạo ra nhiều lợi nhuận nhất. Trong khi khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất về số DN, nguồn vốn và doanh thu, đồng thời là khu vực phát triển nhanh hơn các khu vực khác đối với các chỉ tiêu này".

Như vậy, nhận định chung, giai đoạn 2016-2017, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện đúng chủ trương phát triển kinh tế của Nhà nước, cụ thể khu vực DN Nhà nước giảm dần cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp. Quy mô và tỷ lệ đóng góp của khu vực DN ngoài nhà nước và khu vực DN FDI đều tăng và tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong những năm qua, cùng với chủ trương, chính sách khuyến khích mọi loại hình DN cùng phát triển bình đẳng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực DN ngoài nhà nước, đặc biệt DN nhỏ và vừa, khu vực DN FDI phát triển nhanh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, thu hút nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.

Khu vực DN ngoài nhà nước liên tục phát triển, từ chỗ chỉ chiếm tỷ lệ thấp, đến nay đã có quy mô và tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ DN ở hầu hết các chỉ tiêu.

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nam-2017-loi-nhuan-cua-khoi-doanh-nghiep-ngoai-nha-nuoc-tang-manh-me-542545.html