Năm 2019, 21 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Năm 2019, có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 2 người đang được xem xét, xử lý.

Trong chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2019.

Theo đó, năm 2019, Chính phủ ban hành 117 nghị định, 108 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 40 quyết định về quản lý, điều hành; các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành 3.249 văn bản; sửa đổi, bổ sung 326 văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực. Qua đó nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần hạn chế những sơ hở, bất cập dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, có nhiều vụ việc phức tạp đã thực hiện vượt tiến độ, kế hoạch, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; “tham nhũng vặt” được quan tâm chỉ đạo, tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức...

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (ảnh QH)

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, quyết liệt các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia, với 95/95 cơ quan bộ, ngành và địa phương đã hoàn thành kết nối; phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Các bộ, ngành đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 29 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm trên 5,9 triệu ngày công và 893,9 tỷ đồng/1 năm.

Trong cả nước, số người đã kê khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,9%; Số bản kê khai đã công khai đạt 99,4%; có 46 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý 2 trường hợp.

Qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp tại 1.650 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, xử lý 57 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Việc thực hiện quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng tiếp tục được Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng.

Việc chuyển đổi vị trí công tác tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Năm 2019, có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 2 người đang được xem xét, xử lý.

Đáng quan tâm, qua việc tự kiểm tra nội bộ phát hiện 19 vụ, 22 đối tượng, qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 48 vụ, 37 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 30 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng (giảm 61,7% số vụ)...

Theo đánh giá của Chính phủ, nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.

Dự báo trong thời gian tới, công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong công tác PCTN.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nam-2019-21-nguoi-dung-dau-bi-xu-ly-ky-luat-do-thieu-trach-nhiem-de-xay-ra-tham-nhung-162506.html