Năm 2019, Quỹ Bảo trì đường bộ hoạt động theo cơ chế mới

Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để từ ngày 1/1/2019 quỹ vận hành theo cơ chế mới.

Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để từ 1/1/2019 vận hành Quỹ Bảo trì đường bộ theo cơ chế mới (Trong ảnh: Sửa chữa QL1 đoạn qua tỉnh Ninh Bình) - Ảnh: Tạ Tôn

Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để từ ngày 1/1/2019 quỹ vận hành theo cơ chế mới.

Đề xuất 2 phương án sáp nhập Văn phòng Quỹ

Ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, sau khi Hội đồng quỹ giải thể sẽ sáp nhập luôn Văn phòng quỹ. Hiện, Văn phòng quỹ đã trình hai phương án là sáp nhập về Tổng cục Đường bộ VN. Phương án 2 là sáp nhập một phần Văn phòng quỹ về Tổng cục Đường bộ VN, một bộ phận sẽ về Vụ Tài chính và Vụ Kết cấu hạ tầng.

Nói về những vướng mắc sau khi Hội đồng quỹ giải thể, ông Minh cho biết, việc thu phí trước đây Cục Đăng kiểm VN chịu trách nhiệm thu và nộp về quỹ Trung ương. Tuy nhiên, sau khi giải thể, Bộ GTVT sẽ là đơn vị giao dự toán cấp 1 cho các đơn vị trực thuộc, còn đối với nguồn 35% sẽ do địa phương giao từ ngân sách.

“Nghị định 163/2016 quy định, việc thu ngân sách cho cấp nào thì cấp đó sẽ thực hiện. Nhưng đối với các trạm đăng kiểm thuộc địa phương, các trạm thuộc Sở GTVT, các trạm xã hội hóa, Bộ GTVT không giao thu được”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, để thực hiện các việc trên, một loạt văn bản quy phạm pháp luật sẽ phải sửa đổi như: Nghị định 18, các Thông tư về thu, chi phí bảo trì đường bộ và ban hành quyết định hủy bỏ quyết định của Thủ tướng về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, bộ máy của Hội đồng và Văn phòng quỹ. “Để đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng sớm giải thể Hội đồng quỹ và sáp nhập Văn phòng quỹ, các cơ quan liên quan đang khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trên, phấn đấu hoàn thành trước ngày 1/1/2019 để chuyển quỹ hoạt động theo cơ chế mới”, ông Minh thông tin.

Ông Trần Văn Lâm, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho rằng, nên chọn phương án sáp nhập Văn phòng quỹ về Tổng cục Đường bộ VN. Việc này tương tự trường hợp sáp nhập Văn phòng Ủy ban An ninh hàng không vào Cục Hàng không VN trước đây.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng chỉ là giải thể Hội đồng quỹ. Đây chỉ là bước sắp xếp lại hoạt động cho phù hợp với Luật Ngân sách.

“Bộ GTVT dự kiến trình Thủ tướng mô hình hoạt động mới của Quỹ Bảo trì đường bộ là thay Hội đồng bằng Chủ tịch Quỹ và giao Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng làm Chủ tịch. Cơ quan tham mưu cho Chủ tịch không phải là Văn phòng quỹ mà sẽ xem xét phân bổ chức năng của Văn phòng quỹ như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch bảo trì, kế hoạch chi, quyết toán thu chi… cho các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT”, ông Quốc nói và đề xuất: “Cần khẩn trương sửa Nghị định 18 theo hướng bỏ các quy định về Hội đồng quỹ trong nghị định và quy định rõ các chức năng của Hội đồng quỹ sẽ do Chủ tịch thực hiện”.

Có nên nâng thành quỹ đầu tư đường bộ?

Nhiều ý kiến cho rằng, trong tình hình mới, số lượng phương tiện ngày càng phát triển, trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp cần có nguồn lực khác dành cho bảo trì và đầu tư đường bộ một cách kịp thời. Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Luật GTĐB vẫn quy định về Quỹ Bảo trì đường bộ. Trên cơ sở Luật Ngân sách, Luật Phí và lệ phí cần nghiên cứu sửa Nghị định 18 một cách tổng thể chức năng, nhiệm vụ của quỹ. Trong đó, cần quy định có nhiều hình thức huy động nguồn thu cho Quỹ Bảo trì đường bộ để thực hiện duy tu, bảo trì, kể cả vấn đề đầu tư cho hệ thống đường bộ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng, việc sửa Nghị định 18 nên mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng lợi từ quỹ như: Đường cao tốc thay vì chỉ từ quốc lộ trở xuống như hiện nay.

“Một đồng bỏ vào duy tu sẽ tiết kiệm 4 đồng về đầu tư”, quỹ bảo trì sẽ là nguồn lực tốt đảm bảo cho công tác bảo trì đường bộ được kịp thời, duy trì hệ thống đường bộ tốt hơn”, Thứ trưởng Đông nói và lấy dẫn chứng kinh nghiệm từ Nhật Bản. Trong nhiều năm, do chỉ chú trọng phát triển đường sắt nên hệ thống đường bộ của Nhật Bản hư hỏng nặng. Để có tiền, Nhật Bản đã thành lập quỹ bảo trì và cũng thu qua đầu phương tiện. Đến nay, do sự phát triển nhanh chóng của phương tiện, quỹ đã được nâng lên thành quỹ đầu tư xây dựng đường bộ chứ không đơn thuần về bảo trì.

“Tiến tới khi sửa Luật GTĐB chúng ta cũng nên đi theo hướng này, chuyển quỹ bảo trì thành quỹ đầu tư xây dựng để đầu tư cho hệ thống đường bộ”, Thứ trưởng Đông nói.

Chuẩn bị điều kiện để sẵn sàng vận hành Quỹ theo cơ chế mới

Trong cuộc họp cuối tuần qua về tổ chức hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ sau khi bỏ Hội đồng quỹ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Luật Ngân sách, vai trò điều hành của Hội đồng quỹ không còn phù hợp, nếu tồn tại chỉ mang tính hình thức. Đến thời điểm này, Hội đồng quỹ đã kết thúc vai trò lịch sử. Thủ tướng đã thống nhất về chủ trương giải thể Hội đồng quản lý quỹ. Trách nhiệm của chúng ta là phải chuẩn bị các điều kiện để vận hành theo cơ chế mới. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan bám sát nhiệm vụ được giao, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Nghị định 18 hoàn thành đúng tiến độ.

Bộ trưởng giao Văn phòng quỹ xây dựng Đề án tổng thể khi quỹ hoạt động theo mô hình mới. Trong đó, phải nêu rõ cách vận hành khi toàn bộ công việc của văn phòng hiện nay được chuyển về cho các đơn vị sẽ được thực hiện như thế nào. Đề án này cũng phải thể hiện rõ công tác thu chi của quỹ và sắp xếp nhân sự khi Văn phòng quỹ không còn tồn tại. Đề án phải được trình Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT thảo luận, thống nhất về chủ trương để thực hiện.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nam-2019-quy-bao-tri-duong-bo-hoat-dong-theo-co-che-moi-d275423.html