Năm 2019 sẽ thanh tra chuyên đề về công tác quản lý giáo dục, đào tạo

Tại Hội nghị tổng kết ngành thanh tra năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2018, qua thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế gần 34.000 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2018, toàn ngành đã triển khai 7.166 cuộc thanh tra hành chính và 219.796 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 33.839 tỷ đồng và 33.972 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước gần 29.769 tỷ đồng và 1.007 ha đất.

Các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 394.224 lượt công dân với 271.249 vụ việc; giải quyết 23.573 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (đạt 83,7%). Qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 3.739 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 39 đơn vị có vi phạm.

Năm 2018, toàn quốc có trên 1,1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập, trong đó tỷ lệ công khai gần 100%. Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm. Năm qua, có 35 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 3 người đã bị xử lý hình sự, 32 người bị xử lý kỷ luật hành chính.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết ngành thanh tra. Ảnh: P.Thảo

Tham luận tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Năm 2018, TP đã triển khai 376 cuộc thanh tra hành chính, thu hồi 179 tỷ đồng, xử lý vi phạm 3,3ha đất. Các cơ quan hành chính đã tiếp thường xuyên gần 29.600 lượt công dân; 323 lượt đoàn đông người.

Lãnh đạo các cơ quan của TP đã tiếp định kỳ 16.020 lượt công dân, trong đó lãnh đạo UBND TP đã tiếp 438 lượt công dân; toàn TP đã tiếp nhận và xử lý gần 36.000 đơn; đã giải quyết 2.727 vụ khiếu nại, đạt 84,1%; giải quyết 1.441 vụ tố cáo, đạt 86,9%. TP Hà Nội cũng đã phối hợp với Ban Tiếp công dân TƯ giải quyết 104 vụ việc khiếu kiện vượt cấp, kiên quyết không để phát sinh “điểm nóng”, không để các vụ việc diễn biến phức tạp hơn.

Từ thực tiễn công tác thanh tra, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đến các quận, huyện, thị xã và sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời đề nghị Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và các địa phương có công dân KNTC khiếu kiện kéo dài tại các cơ quan Trung ương tại Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên phối hợp để nắm tình hình, kiên trì vận động, thuyết phục người khiếu kiện trở về địa phương… Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, năm 2018, đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, người dân có niềm tin với Đảng, Nhà nước, trong đó có đóng góp của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra.

Ghi nhận, biểu dương những thành tích nổi bật năm 2018 của Thanh tra Chính phủ và toàn ngành thanh tra, song Thủ tướng cũng lưu ý một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Đó là một số vụ thanh tra còn kéo dài, chậm ban hành kết luận, kết luận chất lượng chưa cao, vẫn còn những kiến nghị chưa phù hợp, không khả thi trên thực tiễn; Khiếu nại, tố cáo có giảm nhưng khiếu kiện đông người còn nhiều, mức độ gay gắt; Việc phối hợp giữa bộ, ngành và UBND các cấp địa phương trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu kiện đông người chưa tốt, còn bị động…

Trong năm 2019, Thủ tướng đề nghị ngành thanh tra tập trung giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là những vụ việc nổi cộm đông người, kéo dài. Tiếp tục xây dựng nội bộ toàn ngành mạnh mẽ, bản lĩnh, đội ngũ cán bộ có năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, thực hiện tốt pháp luật về thanh tra, các kế hoạch thanh tra, triển khai đồng bộ hoạt động thanh tra chuyên đề, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo... theo phương hướng nhiệm vụ đã đề ra, qua đó để giúp Chính phủ có những giải pháp quan trọng trong hoàn thiện cơ chế quản lý và xử lý vi phạm phát sinh trong lĩnh vực này.

Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2019, ngành Thanh tra sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành tập trung những nội dung, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội. Trong đó, sẽ thanh tra chuyên đề diện rộng về sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh; việc hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở; công tác quản lý giáo dục, đào tạo...

Đồng thời, giải quyết kịp thời, có hiệu quả, đúng pháp luật, phù hợp thực tế trên 85% vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nam-2019-se-thanh-tra-chuyen-de-ve-cong-tac-quan-ly-giao-duc-dao-tao-134546.html