Năm 2020: Nhiều luật mới có hiệu lực thi hành

Năm 2020, hàng loạt luật mới có hiệu lực, tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong đó, nổi bật là Luật Đầu tư công năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi; Luật Giáo dục; Luật Chăn nuôi...

Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Ảnh minh họa

Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Ảnh minh họa

* Khắc phục vướng mắc “có vốn trước hay có dự án trước”

Có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, Luật Đầu tư công năm 2019 có một số điểm mới như: thống nhất về nguồn vốn đầu tư công (nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn thu hợp pháp của các cơ quan tổ chức dành cho đầu tư); đẩy mạnh phân cấp trong việc xem xét quyết định các phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư công, trong đó có cả các dự án nhóm A; đổi mới mạnh mẽ phương thức kế hoạch hóa, nhằm đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề “có vốn trước hay có dự án trước”.

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo luật này, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật: tuyệt mật, tối mật và mật theo từng lĩnh vực. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là 30 năm đối với bí mật nhà nước ở mức độ “tuyệt mật”; 20 năm đối với bí mật nhà nước ở mức độ “tối mật”; 10 năm đối với bí mật nhà nước ở mức độ “mật”... Đây là quy định tiến bộ của luật nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Luật còn quy định về: Gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; điều chỉnh độ mật; giải mật; tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước…

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

* Giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật Tổ chức Chính phủ (gồm Điều 23, Điều 28, Điều 32 và Điều 40); trong đó, người đứng đầu Chính phủ có thêm thẩm quyền: Chỉ đạo và thống nhất quản lý cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; Thành lập hội đồng, ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp lãnh đạo Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.

Chính phủ có thêm một số quyền như: Quyết định số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh; Quyết định quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; Quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh...

Với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, luật tập trung sửa đổi cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp về mô hình tổ chức; số lượng cấp phó; bộ máy giúp việc. Một trong những điểm đáng chú ý nhất của luật là giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp.

* Hàng loạt quy định mới liên quan đến công chức, viên chức

Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020) là việc bổ sung một hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Đặc biệt nhấn mạnh việc sau khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu, cán bộ, công chức vẫn có thể bị xử lý bằng hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”.

Không chỉ tác động mạnh mẽ đến cán bộ, công chức mà luật này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến viên chức. Một trong số đó là quy định về 2 loại hợp đồng làm việc. Theo đó, viên chức vẫn thực hiện 2 loại hợp đồng là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.

Đối với hợp đồng không xác định thời hạn hay còn gọi là “chế độ biên chế suốt đời” của viên chức sẽ không còn được áp dụng với các đối tượng mới được tuyển dụng từ ngày 1-7-2020.

* Tốt nghiệp sư phạm không làm đúng ngành phải hoàn trả học phí

Có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục khắc phục những bất cập của Luật Giáo dục hiện hành, đáng chú ý phải kể đến một số điểm mới mang tính đột phá sau: Bổ sung quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành Giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí được hỗ trợ.

Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí. Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí…

* Phát triển ngành chăn nuôi theo các chuỗi liên kết giá trị

Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 gồm 8 chương, 83 điều, quy định về hoạt động chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Theo đó, luật quy định các nguyên tắc hoạt động chăn nuôi trên tinh thần phát triển ngành chăn nuôi theo các chuỗi liên kết giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh và xã hội hóa tối đa tạo nguồn lực xã hội đầu tư vào chăn nuôi theo nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đồng thời, luật cũng cụ thể hóa các điều kiện sản xuất, kinh doanh như yêu cầu, điều kiện của một cơ sở chăn nuôi cần bảo đảm các yếu tố có liên quan đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và cân đối thị trường sản phẩm chăn nuôi.

P.V (tổng hợp)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202001/nam-2020-nhieu-luat-moi-co-hieu-luc-thi-hanh-2981425/