Năm 2020 tăng lương 240.000 đồng là phù hợp

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản đánh giá tác động việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2020.

Văn bản của Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đề xuất năm 2020 tăng lương tối thiểu vùng (áp dụng từ ngày 1-1-2020) cho người lao động (NLĐ) từ 150.000 đồng đến 240.000 đồng (tương ứng 5,1%-5,7%) so với năm 2019.

Đồng thời, đơn vị này đề xuất điều chỉnh huyện Đồng Phú (Bình Phước), TP Bến Tre, huyện Châu Thành (Bến Tre) từ vùng 3 lên vùng 2. Huyện Đông Sơn, Quảng Xương (Thanh Hóa), Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam (Bến Tre) điều chỉnh từ vùng 4 lên vùng 3.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2020 như trên không tác động lớn. Phương án điều chỉnh đã tính đến việc bù trượt giá sinh hoạt dự kiến khoảng 3,5%-4% để đảm bảo tiền lương thực tế cho NLĐ, phù hợp với năng suất lao động (cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 1,5%-2%), tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu điều tra 2.000 doanh nghiệp của Bộ LĐ-TB&XH thì trong năm 2019, mức lương bình quân thấp nhất doanh nghiệp thực trả cao hơn khoảng 8%-12% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Mức lương thấp nhất bình quân quý I-2019 là 4.130.000 đồng/tháng, trong đó vùng 1 là 4.670.000 đồng/tháng, vùng 2 là 4.010.000 đồng/tháng, vùng 3 là 3.590.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.230.000 đồng/tháng.

Theo đánh giá của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, nếu như đề xuất tăng lương được chấp thuận thì mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đáp ứng cơ bản được nhu cầu sống của người lao động. Ảnh: VIẾT LONG

Theo đánh giá của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, nếu như đề xuất tăng lương được chấp thuận thì mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đáp ứng cơ bản được nhu cầu sống của người lao động. Ảnh: VIẾT LONG

“Như vậy, thực tế doanh nghiệp đang trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định năm 2019 và mức dự kiến điều chỉnh năm 2020. Nên việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020 theo dự kiến nêu trên chủ yếu tác động đến chi phí đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp…” - Bộ LĐ-TB&XH nhận định.

Sau khi tính toán, căn cứ vào tác động của mức lương tối thiểu đến chi phí lao động theo kết quả điều tra của Bộ LĐ-TB&XH thì dự kiến chi phí lao động của doanh nghiệp năm 2019 so với năm 2018 bình quân chung tăng 0,49%. Trong đó, ngành dệt may tăng 4,02%; ngành da giày tăng 1,3%; ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản tăng 0,22%.

“Như vậy mức tăng không cao nên việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 như trên là phù hợp với quy định pháp luật cũng như thực tiễn hiện nay…” - Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.

Được biết vừa qua Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã nhóm họp và “chốt” mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 để trình Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, sau đó có nhiều ý kiến khác nhau nên Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH đánh giá tác động việc tăng lương. Theo đó, nếu được chấp thuận, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định mức tăng lương tối thiểu vùng đối với NLĐ theo hợp đồng năm 2020 trong thời gian tới.

Bình quân lương người lao động bao nhiêu?

Tiền lương bình quân của NLĐ trong các loại hình doanh nghiệp tiếp tục ổn định và tăng lên, năm 2017 đạt 6.830.000 đồng/người/tháng, năm 2018 đạt 7.000.000 đồng/người/tháng, tăng 2,5% so với năm 2017 và quý I-2019 đạt 7.200.000 đồng/người/tháng, tăng khoảng 2,8% so với năm 2018.

_________________________________

Cụ thể, NLĐ ở vùng 1 tăng từ 4.180.000 đồng lên 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 tăng từ 3.710.000 đồng lên 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 tăng từ 3.250.000 đồng lên 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 tăng từ 2.920.000 đồng lên 3.070.000 đồng/tháng.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/nam-2020-tang-luong-240000-dong-la-phu-hop-862810.html