Năm 2020 và hành lang pháp lý quan trọng trong lĩnh vực giao thông

Bắt đầu từ 1/1/2020, nhiều văn bản pháp luật chính thức có hiệu lực kéo theo những quy định mới về ô tô, xe máy cũng như người điều khiển phương tiện.

''Ma men'' sẽ không được điều khiển bất cứ loại phương tiện nào ra đường.

''Ma men'' sẽ không được điều khiển bất cứ loại phương tiện nào ra đường.

Năm 2020 dự báo công tác quản lý, giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm giao thông cũng như đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) sẽ có nhiều chuyển biến lớn khi nhiều công cụ pháp lý đang dần được hoàn thiện.

Triệt mọi quyền điều khiển phương tiện của “ma men”

Một trong những văn bản quy phạm pháp luật được chờ đợi nhất trong nhiều năm qua là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2020. Sự ra đời của văn bản luật này được đánh giá là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng để loại bỏ vấn nạn “ma men” trong đội ngũ lái xe.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 đưa ra quy định không được quảng cáo rượu bia trong khung giờ 18 - 21h hàng ngày trên các loại hình báo chí như báo hình, báo nói; không được quảng cáo rượu bia trên phương tiện giao thông.

Đối với các cơ sở bán rượu bia, luật quy định phải niêm yết không bán hàng cho người dưới 18 tuổi cũng như không được mở điểm bán rượu bia cố định trong bán kính 100m tính từ khuôn viên cơ sở y tế, nhà trẻ, mẫu giáo... Các hành vi khác như xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia cũng đều bị cấm. Người dưới 18 tuổi cũng không được uống rượu, bia.

Đặc biệt, một trong những quy định được chờ đợi nhất và cũng được đón nhận nhất là việc luật cấm triệt để việc điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn trong người. Cụ thể, tất cả các hành vi mọi hành vi lái xe khi người điều khiển đã uống rượu bia, bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bao gồm ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô cùng các phương tiện giao thông thô sơ đường bộ như xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo đều bị cấm triệt để.

Từ năm 2020 sẽ siết chặt quy định khí thải ô tô để bảo vệ môi trường.

Đây là điểm mới và khác biệt rất nhiều so với luật hiện hành vẫn cho phép người điều khiển phương tiện được lái xe dù trong người có nồng độ cồn ở một mức nào đó. Người điều khiển phương tiện chỉ bị phạt khi có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Có thể nói, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 đã triệt mọi quyền điều khiển phương tiện của “ma men” trong mọi hoàn cảnh. Hay nói cách khác, với quy định mới này, chỉ có người đi bộ ra đường mới dám uống rượu, bia nếu không muốn nhận những hình phạt nghiêm khắc.

Siết chặt quy định quản lý khí thải để bảo vệ môi trường

Khí thải do các phương tiện giao thông, mà điển hình nhất là ô tô đã và đang góp phần khiến bầu không khí bị ô nhiễm. Tuy nhiên, từ 1/1/2020, mối nguy hại đến từ khí thải ô tô này sẽ được cắt giảm đáng kể khi lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu chính thức có hiệu lực.

Lộ trình trên nằm trong Quyết định 16/2019/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/3/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2019.

Cụ thể, tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông có lắp động cơ cháy cưỡng bức, ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng Mức 1. Còn các loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và mức 5.

Mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu sẽ phải dán nhãn năng lượng

Đối với những ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông, sản xuất sau năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1/1/2020. Riêng ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1/1/2021.

Tiêu chuẩn khí thải hiện nay đang áp dụng với 4 mức từ 1 đến 4 được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018 “Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải”. Nói một cách dễ hiểu, đây chính là giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm và khói trong khí thải của xe ô tô.

Tiêu chuẩn khí thải cũng quy định từ ngày 1/1/2020, các loại xe ô tô sản xuất từ năm 2008 trở lại đây phải đáp ứng mức tiêu chuẩn khí thải mới với mức cao hơn hiện nay, khi đó ô tô mới được cấp Chứng nhận đăng kiểm để tham gia giao thông.

Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới đối với ô tô từ 1/1/2020 được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế làm lượng khí thải do loại phương tiện này thải ra môi trường so với hiện nay. Đây chính là một cách bảo vệ môi trường sống, đặc biệt là bầu không khí chúng ta đang hít thở hiện nay.

Điều này càng đáng được chờ đợi khi tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn ở TP Hà Nội đã và đang trở thành vấn đề lớn được dư luận cả nước quan tâm và lo lắng trong suốt thời gian gần đây.

Kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng thực tế của xe máy

Thêm một văn bản pháp luật nữa được ban hành với mục đích kiểm soát hàm lượng khí thải thông qua mức tiêu thụ năng lượng thực tế của phương tiện giao thông. Lần này đối tượng thuộc phạm vi quy định của luật là xe máy.

Trung tâm sát hạch lái xe phải lắp đặt camera giám sát.

Thông tư 59/2018/TT-BGTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo quy định của Thông tư trên thì cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu theo quy định trước khi thực hiện dán nhãn năng lượng. Nhãn năng lượng của xe theo mẫu quy định của Bộ Công Thương.

Cụ thể, sau cơ sở sản xuất, nhập khẩu mô tô, xe máy gửi thông tin công khai tới cơ quan quản lý chất lượng sẽ phải thực hiện dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Nhãn năng lượng này phải được đảm bảo luôn dán trên phương tiện cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.

Ngoài ra, khi mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng khi tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng thay đổi, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu cũng phải công khai lại thông tin cho người tiêu dùng.

Giấy phép lái xe sẽ có mã hai chiều để phát hiện bằng giả.

Quy định này áp dụng với kiểu loại xe đã được công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng có những thay đổi mà không đáp ứng được điều kiện mở rộng việc thừa nhận kết quả thử nghiệm khí thải theo quy định.

Trong trường hợp phát hiện mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế vượt quá 4% so với mức công khai của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thì cũng phải công khai mức tiêu thụ nhiên liệu hoặc kết quả kiểm tra, giám sát về kết quả đó.

Từ ngày 1/1/2020, tất cả trung tâm sát hạch phải lắp đặt camera giám sát ở phòng sát hạch lý thuyết và sân sát hạch và truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để các cơ quan quản lý an toàn giao thông, cơ quan công an có thể truy cập trực tiếp giám sát quá trình sát hạch. Đây là quy định rất đáng chú ý trong Thông tư số 38/2019 sửa đổi một số điều của Thông tư 12 quy định về đào tạo cấp giấy phép lái xe của Bộ GTVT.

Ngoài ra, từ ngày 1/6/2020, giấy phép lái xe cấp mới sẽ có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin trên giấy phép lái xe và liên kết với hệ thống thông tin quản lý cấp giấy phép lái xe. Những giấy phép được cấp trước ngày 1/12/2019 vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên giấy phép.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nam-2020-va-hanh-lang-phap-ly-quan-trong-trong-linh-vuc-giao-thong-361415.html