Năm 2020, VAMC sẽ mua 5.000 tỷ đồng dư nợ xấu

Theo báo cáo mới đây của Công ty Quản lý tài sản (VAMC), năm nay, Công ty dự kiến xử lý 50.000 tỷ đồng dư nợ gốc, mua 5.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường và 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu đặc biệt.

Năm 2020, dưới ảnh hưởng của Covid-19, tình hình nợ xấu sẽ tăng lên. Ảnh: Internet

Năm 2020, dưới ảnh hưởng của Covid-19, tình hình nợ xấu sẽ tăng lên. Ảnh: Internet

Theo báo cáo của VAMC, trong năm 2019, công ty đã mua 381 khoản nợ của 9 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ gốc nội bảng là 20.544 tỷ đồng, giá mua nợ là 19.846 tỷ đồng, đạt 99,23% kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt.

Lũy kế từ khi thành lập đến hết năm 2019, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với tổng dư nợ gốc nội bảng gần 359.400 tỷ đồng, giá mua nợ trên 327.400 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường được 37 khoản nợ với tổng giá mua nợ là 2.247 tỷ đồng, góp phần xử lý nợ 2.131 tỷ đồng dư nợ xấu cho tổ chức tín dụng, đạt 112% chỉ tiêu mua nợ theo giá trị thị trường đã được NHNN phê duyệt.

Ban lãnh đạo Công ty cho biết sắp tới sẽ tập trung mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của các tổ chức tín dụng yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống, các tổ chức có tỷ lệ nợ xấu trên 3%.

Mục tiêu năm nay là xử lý 50.000 tỷ đồng dư nợ gốc, mua 5.000 tỷ đồng dư nợ xấu theo giá trị thị trường và 15.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu đặc biệt.

VAMC dự kiến trình NHNN và các cơ quan có thẩm quyền duyệt tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn và nâng cao năng lực tài chính mua nợ xấu theo giá thị trường.

Công ty cũng xúc tiến việc thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về các khoản nợ. Đồng thời, công ty xây dựng hệ thống thông tin về các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu để giới thiệu tới các nhà đầu tư quan tâm, tạo tiền đề để xây dựng trung tâm dữ liệu về nợ xấu nhằm thúc đẩy giao dịch trên thị trường mua bán nợ; trong đó VAMC là trung tâm của thị trường.

Chia sẻ cách đây không lâu, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, hiện nay, thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam chưa hình thành rõ nét. Chưa có hàng hóa, người mua và người bán được công khai minh bạch. Tuy nhiên, VAMC đã phân loại nợ xấu đến 30 tỷ đồng trở lên về hiện trạng và đưa ra phương án xử lý phù hợp.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các khoản nợ xấu có nguy cơ tăng lên tại các tổ chức tín dụng. NHNN tính toán, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý II và 2,6-3% vào cuối năm 2020.

Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm nay.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nam-2020-vamc-se-mua-5000-ty-dong-du-no-xau-127626.html