Năm 2021 sẽ giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015

Phó Tổng Thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã nhấn mạnh như vậy khi trình bày dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, diễn ra chiều 24/11.

Chiều nay, Quốc hội đã họp phiên bế mạc biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Với 464/468 đại biểu tán thành, bằng 94,50%, 01 đại biểu không tán thành, bằng 0,20% và 03 đại biểu không biểu quyết bằng 0,61%, Quốc hội đã tán thành dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nghị quyết gồm, Điều 1, tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát số 08/BC-ĐGS ngày 12/10/2017 của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016… Tuy nhiên, theo báo cáo thì pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ chậm được điều chỉnh. Tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân còn nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc, chưa tinh gọn, hoạt động chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả, thời gian xử lý công việc còn chậm.

Việc thực hiện xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế. Quản lý biên chế tại nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm; cơ cấu công chức chưa hợp lý, số lượng cấp phó ở một số đơn vị vượt quy định, còn mất cân đối về tỷ lệ giữa người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, giữ hàm cấp với công chức tham mưu, giúp việc. Việc xây dựng và thực hiện đề án vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tính khả thi không cao; tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra.

Những hạn chế, yếu kém trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự quyết liệt, thiếu đồng bộ, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của từng cơ quan, tổ chức, địa phương. Một số chủ trương, chính sách của Đảng chưa được triển khai đồng bộ, thể chế hóa còn chậm và chưa đầy đủ; tổ chức thực hiện hiệu quả chưa cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm chưa được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.

Điều 2, việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, có lộ trình cụ thể, gắn với cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp như, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế, đặc biệt là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.

Không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước; trường hợp cần thiết thì phải có quy trình thẩm định, thẩm tra, đánh giá tác động chặt chẽ để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Tiếp tục rà soát điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước. Tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước một cách tinh gọn với các tiêu chí cụ thể. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng loại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Từng bước thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm đúng tiêu chí quy định; đổi mới việc phân loại đơn vị hành chính để làm cơ sở xác định cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế phù hợp với quy mô và đặc thù từng loại đơn vị hành chính. Rà soát tiêu chí và sắp xếp lại thôn, tổ dân phố nhằm giảm đầu mối, giảm số người hoạt động không chuyên trách, tăng cường hiệu quả hoạt động.

Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đổi mới phương thức làm việc, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Điều 3, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những văn bản do mình ban hành có những hạn chế, vướng mắc để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018), Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả rà soát. Đối với các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rõ về phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung, bảo đảm yêu cầu về hồ sơ, thủ tục, thì báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đối với các nội dung cần được tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, thì phải xác định rõ lộ trình sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật tương ứng.

Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, căn cứ vào các tiêu chí, quy định của cơ quan có thẩm quyền, chủ động tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Đối với những việc mới, chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để kiến nghị chủ trương, giải pháp phù hợp.

Tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống các cơ quan thuộc bộ máy hành chính nhà nước theo các nội dung của Nghị quyết này.

Điều 4, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Chính phủ ban hành Chương trình hành động để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Khắc Lãng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/nam-2021-se-giam-duoc-10-phan-tram-so-voi-bien-che-giao-nam-2015-120781.html