Năm 2021, Việt Nam có thể chỉ đạt tăng trưởng 5,6 - 5,8%

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6 - 5,8%.

Dự báo về mức tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam do VEPR đưa ra khá thận trọng

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội vừa công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV và cả năm 2020.

Nhìn lại năm 2020, VEPR đánh giá, do dịch Covid-19, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều chịu ảnh hưởng nặng nề và chắc chắn sẽ kéo dài sang năm 2021. Riêng kinh tế Trung Quốc trong quý III đã cho thấy sự phục hồi, trong khi các nước khác thuộc khối BRICS và ASEAN-5 ghi nhận mức tăng trưởng âm.

Về kinh tế Việt Nam trong năm 2020, VEPR nhận định đây là điểm sáng, thuộc nhóm tốt nhất so với các nước trong khu vực và thế giới.

Với điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, VEPR dự báo “kịch bản cơ sở” kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6 - 5,8%.

Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19, đặc biệt với biến thể mới, diễn biến phức tạp ở trong nước khiến hoạt động kinh tế nội địa bị gián đoạn, thì năm 2021 có thể không đạt được mức tăng trưởng của năm 2020.

Mặc dù đưa ra kịch bản tiêu cực do yếu tố dịch bệnh, song VEPR khẳng định vẫn nghiêng về kịch bản cơ sở nói trên.

"Chúng tôi vẫn nghiêng về kịch bản cơ sở hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6-5,8% trong cả năm 2021. Lưu ý rằng, cả hai kịch bản nêu trên đều giả định hệ thống y tế trong nước vẫn chống chọi được với dịch bệnh trong nước. Nếu quy mô dịch bệnh vượt quá tải của hệ thống y tế, thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, khó dự báo được hậu quả sẽ ra sao", báo cáo của VEPR nêu rõ.

Năm 2021, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5%. Nhiều tổ chức quốc tế, các tổ chức nghiên cứu cũng đưa ra mức dự báo khá sát với mục tiêu của Chính phủ, như World Bank (6,8%), IMF (6,5%), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (5,98% - 6,46%)... Như vậy, dự báo của VEPR là khá thận trọng so với các tổ chức khác.

Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, VEPR nhấn mạnh, trong mọi tình huống, mục tiêu phải ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định.

Các chuyên gia của VEPR cho rằng việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.

VEPR nhấn mạnh thêm, chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Cụ thể, đó là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân…

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nam-2021-viet-nam-co-the-chi-dat-tang-truong-56--58-post118536.html