Năm 2024 có thêm ít nhất 130km đường cao tốc

Ngành giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia. Toàn ngành phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao...

Trong năm 2024 sẽ đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130km đường bộ cao tốc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BGTVT về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2024 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, trừ lý do bất khả kháng. Do đó, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lấy tiêu chí kế hoạch giải ngân của đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cán bộ có liên quan.

XÁC ĐỊNH "ĐƯỜNG GĂNG" GIẢI NGÂN, BÁO CÁO NGAY TRONG THÁNG 1

Chỉ thị nêu rõ năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của đất nước. Để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024, trong đó, ngành giao thông vận tải được giao nhiệm vụ và giải pháp cụ thể là “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao”.

Trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực vẫn còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; dự báo trong năm 2024, ngành giao thông vận tải tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi đang triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng quốc gia với quy mô lớn, công tác giải phóng mặt bằng mặc dù đã đi sớm một bước nhưng vẫn còn tồn tại, vướng mắc, tình hình cung ứng nguyên vật liệu, đặc biệt là nguồn cát đắp vẫn còn khó khăn, thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp khó lường...

Nhằm triển khai các dự án đáp ứng tiến độ, chất lượng, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao năm 2024, bảo đảm công khai, minh bạch, không tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thủ trưởng các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu có liên quan của Bộ cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao nhất, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, đồng lòng trong thực hiện nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024.

"Các đơn vị lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án, báo cáo Bộ (qua Vụ Kế hoạch - Đầu tư) trong tháng 01/2024 làm cơ sở cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị.

Theo đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án được giao khẩn trương triển khai phân khai dự toán chi (TABMIS) theo kế hoạch được giao cho các dự án tại Quyết định số 1767/QĐ-BGTVT ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải theo đúng tiến độ yêu cầu; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu; kịp thời thực hiện ghi thu, ghi chi vốn ODA và vay ưu đãi đã thực hiện với Kho bạc Nhà nước.

"Xử lý nghiêm cán bộ, phòng, ban không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn đối với các dự án khởi công mới, đặc biệt đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu.

Chủ động, quyết liệt chỉ đạo, cử cán bộ có đủ thẩm quyền thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng....

"Thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện - giải ngân của từng dự án/gói thầu để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất biện pháp xử lý; thực hiện công tác báo cáo giải ngân đúng thời hạn, số liệu báo cáo phải chính xác, trung thực", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lưu ý.

Đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm chất lượng công trình, coi việc bảo đảm chất lượng là ưu tiên hàng đầu ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất lượng, tiến độ dự án.

Căn cứ kế hoạch giải ngân chi tiết hàng tháng đã được Bộ chấp thuận để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành thực hiện; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó các dự án có nguồn vốn kéo dài từ kế hoạch năm 2023 phải giải ngân toàn bộ trước ngày 31/12/2024.

KIÊN QUYẾT ĐIỀU CHUYỂN VỐN SANG DỰ ÁN GIẢI NGÂN TỐT

Giao nhiệm vụ cho Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tổ chức theo dõi chặt chẽ kết quả thực hiện kế hoạch vốn đầu tư của từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo Quy chế giám sát, đánh giá dự án đầu tư do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

"Chủ động đề xuất các giải pháp xử lý điều hành kế hoạch, điều hòa linh hoạt kế hoạch vốn giữa các dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2024; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn".

Chỉ thị số 01/CT-BGTVT.

Vụ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu cho lãnh đạo Bộ có văn bản chấn chỉnh kịp thời các đơn vị có biểu hiện gây khó khăn, chậm trễ trong công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện, giải ngân kế hoạch.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam được giao khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, thiết kế, dự toán, các dự án... khi nhận được hồ sơ do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trình, đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện đầu tư đối với các dự án do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật đối với các dự án do các địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chủ quản, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, đường liên kết vùng và các dự án trọng điểm như: các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…

"Trong năm 2024 đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc, sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn. Nội dung kiểm tra, đôn đốc phải gắn việc kiểm điểm tiến độ thực hiện với kết quả giải ngân của từng dự án, đặc biệt tại các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân chậm", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Cùng với đó, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ làm việc với các địa phương, bộ, ngành để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu vượt thẩm quyền xử lý của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án...

Tại kỳ họp bất thường vừa qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Theo đó, Quốc hội đồng ý phân bổ 57.730 tỷ đồng cho 32 dự án giao thông, nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại và phấn đấu có trên 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025.

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nam-2024-co-them-it-nhat-130km-duong-cao-toc.htm