Nắm bắt vận hội mới bằng tinh thần của người Đà Nẵng

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43 là trao cơ chế đặc thù, tạo động lực để Đà Nẵng tận dụng cơ hội bứt phá. Và cơ chế ấy cần cách nghĩ, cách làm đặc thù, phù hợp với thực tiễn thành phố trên cơ sở sự tích lũy suốt gần nửa thế kỷ kể từ ngày giải phóng.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43 là trao cơ chế đặc thù, tạo động lực để Đà Nẵng tận dụng cơ hội bứt phá. Và cơ chế ấy cần cách nghĩ, cách làm đặc thù, phù hợp với thực tiễn thành phố trên cơ sở sự tích lũy suốt gần nửa thế kỷ kể từ ngày giải phóng.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào khi mọi người cho rằng Đà Nẵng đã có cuộc bứt tốc thần kỳ sau 44 năm giải phóng?

* Ông Huỳnh Đức Thơ: Tôi nghĩ, nếu tính từ ngày giải phóng 29-3-1975 thì Đà Nẵng đã đi qua 2 chặng đường quan trọng mang tính dấu mốc. Một chặng tái thiết sau chiến tranh, một chặng kiến tạo kể từ ngày chia tách.

Sau 44 năm, cũng như đất nước nói chung, thành phố đã trải qua những thăng trầm, vượt qua những thách thức để có được thành quả hôm nay. Từ một thị xã nhỏ bé nghèo nàn, Đà Nẵng đã có bước bứt phá ấn tượng để trở thành một thành phố công nghiệp - dịch vụ hàng đầu của đất nước, trở thành điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch thế giới. Chính quyền, nhân dân thành phố có quyền tự hào với những thành quả này. Vì một Đà Nẵng đàng hoàng, giàu mạnh như hôm nay là kết tinh của công sức, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân. Chúng ta đã chung tay đóng góp cho thành phố bằng cách này hay cách khác, nhưng đều rất đáng trân trọng. Nếu 20 năm đầu sau giải phóng đơn thuần là một cuộc tái thiết, thắt lưng buộc bụng để hàn gắn vết thương chiến tranh thì kể từ năm 1997 trở đi là cột mốc đánh dấu những bước chuyển mình ngoạn mục của Đà Nẵng trên chặng đường kiến thiết đô thị. Người Đà Nẵng có thể tự hào với những thành quả là kết tinh từ bàn tay, khối óc của mình.

Trong công cuộc đổi thay đáng ngạc nhiên này, chúng ta đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức khi hàng trăm nghìn hộ dân tham gia vào quá trình di dời, giải tỏa, chỉnh trang đô thị. Đã có những lúc chính quyền đối mặt với áp lực về chỗ ở, về sinh kế của nhân dân, nhưng với sự ủng hộ, đồng thuận của từng hộ gia đình, từng cộng đồng dân cư, Đà Nẵng đã ngày càng tốt hơn lên, từ diện mạo đô thị đến cuộc sống của mỗi người dân. Công cuộc kiến tạo thành phố cũng khẳng định bản lĩnh của những người cầm lái, có lúc sóng cả nhưng tuyệt đối không ngã tay chèo. Không chỉ quyết liệt, kiên định với hướng đi đúng mà còn dũng cảm nhìn vào những yếu kém, thậm chí là sai lầm để thay đổi kịp thời để hoàn thành những mục tiêu chung.

Và giờ đây, sau hơn 20 năm kiến thiết đô thị, Đà Nẵng của chúng ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới. Với Nghị quyết 43, Bộ Chính trị đã có những chủ trương trao cơ chế đặc thù và đặt niềm tin vào chính quyền và người dân Đà Nẵng.

Phóng viên: Nghị quyết 43 như gỡ thêm những nút thắt, tạo cơ chế đột phá mới cho thành phố sau Nghị quyết 33. Đà Nẵng xác định đâu là điểm đột phá mang tính đặc thù đối với địa phương so với chủ trương cách đây 15 năm?

* Ông Huỳnh Đức Thơ: Nghị quyết 33 cách đây 15 năm khẳng định tính đúng đắn của Đà Nẵng trong phát triển kinh tế, thể hiện đầu tàu, trụ cột của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 33 trong thời gian qua của Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Nghị quyết 43 vừa khẳng định vị thế của Đà Nẵng đồng thời cũng sẽ mở ra cho thành phố những thuận lợi về cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng và phát triển, tạo đà để thành phố vươn lên một tầm cao mới, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Một chủ trương hết sức quan trọng trong Nghị quyết là: “Đà Nẵng phát triển không phải chỉ cho Đà Nẵng mà còn cho cả nước”. Vinh dự rất lớn nhưng trọng trách cũng rất nặng nề. Điểm mới trong Nghị quyết là Bộ Chính trị đã đồng ý cho Đà Nẵng có cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tốc độ phát triển. Cụ thể là cho phép thành phố thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trong một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính, ngân sách, tổ chức, nhân sự, tiền lương. Bộ Chính trị cũng đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố.

Chúng ta đều biết, một trong những hạn chế, yếu kém của Đà Nẵng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là trong xây dựng đô thị và quản lý đất đai. Dù bứt phá mạnh mẽ nhưng kết cấu hạ tầng của Đà Nẵng còn thiếu tính đồng bộ, kết nối; chưa phát huy và thể hiện rõ nét vai trò đô thị trung tâm, đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Bây giờ chúng ta phải khắc phục những điều đó. Mục tiêu của Nghị quyết 43 là phát triển thành phố theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; tập trung phát triển 3 trụ cột chính đó là: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030, xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế xã hội của cả nước và Đông Nam Á và đến năm 2045 trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm đổi mới khởi nghiệp sáng tạo, là thành phố biển đáng sống đẳng cấp khu vực và Châu Á.

Phóng viên: Thành phố đón nhận Nghị quyết 43 bằng nhiều sự kiện nhân kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng, dự báo là có sức ảnh hưởng rất lớn đến phát triển KT-XH trong tương lai. Đây có phải là phát súng lệnh cho chặng đường sắp tới?

* Ông Huỳnh Đức Thơ: Cũng là sự trùng hợp thôi! Trước khi Nghị quyết 43 được ban hành thì Đà Nẵng đã tiếp tục chọn chủ đề cho năm 2019 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” với bước đi đầu tiên là tập trung rà soát, điều chỉnh qui hoạch chung của thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển KT-XH của thành phố. Điều đặc biệt đã trở thành thói quen là cứ đến ngày giải phóng thành phố là Đà Nẵng lại có những bất ngờ. Nếu không khánh thành một công trình quy mô thì cũng là khởi công bắt đầu những dự án tầm cỡ. Đó như một lời cam kết, một sự cố gắng để thành phố đổi thay, cuộc sống của người dân thay đổi từng ngày.

Năm nay, đó là khởi công các dự án lớn như Khu du lịch Xuân Thiều với quy mô 100 triệu USD của nhà đầu tư Nhật Bản; dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine quy mô 170 triệu USD của nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Thành phố cũng sẽ thông tuyến kỹ thuật tuyến đường nối từ Khu Công nghệ cao sang Khu CNTT tập trung và khánh thành Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (Da Nang IT park) giai đoạn 1. Người ta vẫn nói để có được một cây lớn thì bạn phải trồng nó từ hàng chục năm trước, hoặc bắt tay vào ngay hôm nay. 20 năm trước Đà Nẵng kiến tạo cho hôm nay. Còn bây giờ, chúng ta lại tạo đà cho 20 năm sau và lâu dài hơn nữa.

Đà Nẵng đứng trước vận hội mới với Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.

Phóng viên: Bộ Chính trị trao cơ chế, tạo cơ hội, còn Đà Nẵng phải nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội đó bằng chính nội lực của mình. Thành phố rõ ràng phải thấy những thách thức để vượt qua và làm chủ cơ hội này?

* Ông Huỳnh Đức Thơ: Không phải Nghị quyết ban hành là có luôn thuận lợi, mà Đà Nẵng phải quyết liệt, phối hợp với Trung ương để hiện thực hóa chủ trương bằng những chính sách, những việc làm cụ thể. Nói cách khác, để thực hiện thành công Nghị quyết 43 thì nhiệm vụ trước mắt là rất lớn, đòi hỏi tinh thần, trí tuệ của cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố, sự ủng hộ của các bộ ngành. Khác với chặng đường 20 năm kiến tạo vừa qua, tầm cao mà chúng ta hướng tới không còn là tầm cao của những công trình xây dựng mà phải là tầm cao của trí tuệ đặt trên nền tảng của giá trị đạo đức nhân văn; là tầm cao của đổi mới, sáng tạo trên nền những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống. Hơn ai khác, người Đà Nẵng phải là chủ thể, là trung tâm, là nguồn lực quyết định vận mệnh của thành phố.

Thành phố có niềm tin ở một thế hệ trẻ dám nghĩ, biết làm, giàu tri thức và bản lĩnh, có trách nhiệm, biết kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước. Các nhà đầu tư sẽ không chỉ đến Đà Nẵng bởi những điều kiện thuận lợi và khả năng sinh lợi, các du khách sẽ không chỉ đến với Đà Nẵng vì thiên nhiên tươi đẹp, mà họ đến đây còn bởi sự yêu quý và đặt niềm tin ở chính những con người Đà Nẵng. Nếu chúng ta, những con người Đà Nẵng mà không yêu mến tự hào, không có khát vọng và niềm tin xây dựng, làm đẹp mảnh đất mà chúng ta đang sống thì chắc chắn sẽ không có những thành tựu hôm qua và cũng không thể có một Đà Nẵng phát triển tươi sáng trong tương lai.

Phải biết rằng tốc độ tăng trưởng năm 2018 của Đà Nẵng chỉ đạt 7,86%, nhưng Nghị quyết 43 đòi hỏi Đà Nẵng phải có tốc độ phát triển bình quân 12%. Đây là kỳ vọng của Trung ương và cũng là khát vọng của thành phố trong việc thực hiện vai trò động lực, có sức lan tỏa đối với khu vực. Nghĩa là không có con đường nào khác cho Đà Nẵng ngoài việc tập trung nội lực để hiện thực hóa cơ chế đặc thù đã được trao. Đây chính là thời điểm để chúng ta huy động công sức, trí tuệ, bản lĩnh của người Đà Nẵng.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

CÔNG KHANH (thực hiện)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_204058_nam-bat-van-hoi-moi-bang-tinh-than-cua-nguoi-da-nang.aspx