Năm chật vật với người trẻ mới đi làm

Năm đầu tiên chính thức đi làm lại vướng ngay dịch bệnh, Bùi Kim Ngân (23 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM), nhân viên kế toán, ngán ngẩm khi nhắc đến 6 tháng 'work from home'.

Ngân cho biết thời gian làm việc ở nhà khiến cơ hội học hỏi, va chạm với nghề của cô giảm đi đáng kể.

“Do tính chất công việc gắn liền với các giao dịch ngân hàng, quy định hạn chế đi lại gây rất nhiều khó khăn cho mọi người trong nhóm. Bên cạnh đó, lễ tốt nghiệp đại học cũng bị hủy đột xuất khiến mình và các bạn cùng khóa rất tiếc nuối”, Ngân chia sẻ.

Ngoài ra, Ngân đang tìm một công việc khác có môi trường năng động và mức lương tốt hơn. Nhưng hầu hết công ty đều cắt giảm nhân sự trong dịch, kế hoạch của cô đành bị tạm hoãn.

“Ngành này đòi hỏi rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất trong đó là cập nhật kịp thời các thông tin, luật mới ban hành. Tranh thủ thời gian nghỉ ở nhà, mình tham gia các câu lạc bộ, lớp học về kế toán để cải thiện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân”.

 Nhiều bạn trẻ cho biết năm 2021 đã mang lại cho họ không ít khó khăn và thử thách. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Nhiều bạn trẻ cho biết năm 2021 đã mang lại cho họ không ít khó khăn và thử thách. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Với tình hình này, Ngân không hy vọng quá nhiều vào mức thưởng Tết. Cô gái chỉ mong công ty cho phép nghỉ Tết Nguyên đán thêm một tuần để lấy lại tinh thần và sức khỏe sau thời gian chạy deadline quá tải.

Tốt nghiệp đại học trong hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn lắm mới xin được việc làm đầu tiên, nhiều bạn trẻ đánh giá đây là một năm chật vật với họ. Một số kiên trì thích nghi với nơi làm hiện tại, trong khi số khác quyết định “dứt áo ra đi” để tìm định hướng mới.

Áp lực tiền bạc

Tương tự Kim Ngân, Tô Ngọc Minh Thy (24 tuổi, ngụ quận 3) cũng quyết định nghỉ việc ở công ty cũ sau một năm căng thẳng vì làm trái ngành.

Chia sẻ với Zing, Thy cho hay cô đã định rời khỏi công việc này từ lâu nhưng do giãn cách xã hội, khó tìm cơ hội mới nên đành dời lại sau dịch.

Minh Thy vừa nghỉ việc ở công ty cũ để tìm định hướng mới. Ảnh: NVCC.

Hiện cô gái đang muốn đổi hướng sang lĩnh vực phân tích dữ liệu và học thêm một số mảng mới về Marketing.

“Đây là công việc đầu tiên của mình ở sàn thương mại điện tử. Do vào làm ngay đỉnh dịch, phải ‘work from home’ kéo dài, cộng với giờ giấc làm rối loạn khiến sức khỏe của mình xuống cấp trầm trọng”, Thy bày tỏ.

Theo Thy, nghỉ việc ngay thời điểm giáp Tết Nguyên đán là quyết định khá liều lĩnh. Điều này đồng nghĩa với việc cô có thể mất trắng khoản thưởng cuối năm và một số phúc lợi khác. Tuy nhiên, với tình trạng sức khỏe hiện tại, Thy cho rằng đây là điều nên làm.

Tốt nghiệp đại học từ đầu năm 2021, Trần Khả Ý (23 tuổi, ngụ quận 3) chật vật nhiều tháng mới tìm được công việc phù hợp.

Những tưởng mọi chuyện sẽ dần ổn định, nơi Ý làm việc bắt đầu cắt giảm nhân sự khi TP.HCM bước vào giai đoạn giãn cách xã hội. Cô may mắn được giữ lại nhưng lương bị giảm đi khá nhiều.

“Mình khá kỹ tính trong chi tiêu nên mức lương mới vẫn đáp ứng được nhu cầu giải trí và làm đẹp cơ bản. Tuy nhiên, mình thấy chạnh lòng khi đồng nghiệp bàn về tiền sắm sửa cho Tết Âm lịch sắp tới. Chắc năm nay sẽ không đủ tiền để vừa mua quần áo mới cho bố mẹ vừa chi vài thứ cho bản thân”, cô gái 23 tuổi bộc bạch.

Thông cảm cho nỗi lo của con, bố mẹ Khả Ý chủ động chuẩn bị những món cần thiết cho năm mới như thực phẩm, đồ gia dụng.

“Mới đi làm chưa được 1 năm, chắc chắn mình sẽ không có thưởng Tết. Mình đã chủ động đăng ký làm thêm giờ cũng như tìm công việc phụ để có thêm tiền sắm quà tặng người thân”, Khả Ý nói.

Chật vật với công việc đầu tiên

Do công ty cũ cắt giảm nhân sự, Nguyễn Thị Cẩm Nhung (22 tuổi, quận 7) có cơ hội thử sức ở môi trường mới. Hiện Nhung đang làm việc cho một thương hiệu nhượng quyền của Hàn Quốc.

Cẩm Nhung phải chuyển sang công việc mới trong dịch vì công ty cũ cắt giảm nhân sự. Ảnh: NVCC.

Theo Nhung, khó khăn lớn nhất với cô trong năm vừa qua là phải "work from home" suốt 5 tháng liền khi vừa bắt đầu công việc mới.

Với người làm thiên về sáng tạo như Nhung, những ngày nghỉ ở nhà không khác gì "cơn ác mộng" khi phải thu mình giữa 4 bức tường, khó tìm cảm hứng và dễ hiểu lầm yêu cầu của sếp.

“Hơi chật vật một chút lúc đổi công ty, lại trong thời gian đỉnh dịch, nhưng may mắn mình được mọi người giúp đỡ nên thích nghi khá nhanh.

Năm đầu đi làm nên mình cũng không kỳ vọng quá nhiều vào mức thưởng Tết, chắc chắn là không cao như mọi người nhưng nếu có thì cũng vui”, Nhung nói.

Sau khi ra trường, Trương Hoàng Lan (23 tuổi, quê Long An), bắt đầu đi làm tại một công ty du lịch từ tháng 11 năm ngoái. Đang trong thời gian thử việc, Lan không gặp áp lực với vấn đề tiền thưởng Tết sắp tới.

“Tính mình hay lo xa nên tự tích cóp quỹ dự phòng để dùng trong các dịp như thế này. Theo dự định ban đầu, mình sẽ dùng khoảng 4 triệu đồng để sắm quà cho cả nhà rồi chi thêm một ít mua vài thứ yêu thích”, cô cho biết.

Hoàng Lan áp lực với việc tìm kiếm cơ hội phát huy bản thân. Ảnh: NVCC.

Khi thấy bạn bè liên tục "đứt gãy" trong công việc, Hoàng Lan cũng khá lo lắng cho bản thân. Để được giữ lại vị trí này, cô cần đạt vài thành tích nhằm chứng minh năng lực với cấp trên.

“Sinh viên mới tốt nghiệp thường được kỳ vọng ở sự sáng tạo và tinh thần cầu tiến. Do chỉ mới vào làm khoảng 3 tháng, mình chưa có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân”, Lan nói thêm.

Phương Thảo - Hồng Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-chat-vat-voi-nguoi-tre-moi-di-lam-post1290797.html