Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư: Đã như kỳ vọng?

Hơn một nửa chặng đường năm đẩy mạnh thu hút đầu tư đã trôi qua, những nỗ lực Đà Nẵng thực hiện đã như kỳ vọng? Trong khi, những yêu cầu, đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn, đặc biệt về hạ tầng, thủ tục hành chính, tính minh bạch và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Hơn một nửa chặng đường năm đẩy mạnh thu hút đầu tư đã trôi qua, những nỗ lực Đà Nẵng thực hiện đã như kỳ vọng? Trong khi, những yêu cầu, đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn, đặc biệt về hạ tầng, thủ tục hành chính, tính minh bạch và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Nhiều DN nhỏ và vừa đang có nhu cầu thuê diện tích từ 3.000m2 trong các KCN nhưng TP chưa đáp ứng được.

Còn nhiều trở ngại

Với năm đẩy mạnh thu hút đầu tư thì số lượng và chất lượng dự án thu hút luôn là mục tiêu quan trọng. Từ đầu năm đến nay, TP đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án trong nước với tổng vốn hơn 5 ngàn tỷ đồng, giảm 1 dự án và giảm hơn 27% so với cùng kỳ. Cũng trong thời gian này, có 61 dự án FDI được cấp mới với tổng vốn đăng ký hơn 76 triệu USD, tăng 150% về dự án và hơn 237% về vốn so với cùng kỳ. Quy mô bình quân 1,2 triệu USD/dự án. Nhìn vào kết quả đó cho thấy dù thu hút đầu tư đã có bước chuyển biến nhưng không đáng kể. Thu hút đầu tư trong nước giảm, FDI tăng 1,5 lần nhưng qui mô không lớn. Mục đích phấn đấu thu hút được từ 1-2 tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài vẫn chưa có kế hoạch khả thi.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng Phan Hải cho biết, Đà Nẵng nói là trung tâm kinh tế của cả khu vực, nhưng đến nay vẫn chưa có một DN tầm cỡ, dạng như một “quả đấm thép” về kinh tế. Trong khi, nhìn những địa phương lân cận từ Quảng Nam, Khánh Hòa, Quảng Ngãi đều có những DN với thương hiệu tầm quốc gia, quốc tế. Nếu Đà Nẵng có từ 1 đến 2 tập đoàn kinh tế lớn thì khả năng hội tụ, lan tỏa rất lớn, có thể xoay chuyển cán cân kinh tế của TP. Nhìn lại, trong số hơn 24,4 ngàn DN và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động tại Đà Nẵng với số vốn đăng ký hơn 121 ngàn tỷ đồng phần lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, du lịch với qui mô nhỏ.

Một trong nhiệm vụ quan trọng khác của năm đẩy mạnh thu hút đầu tư là tạo cơ sở hạ tầng tốt, tạo quỹ đất sạch sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của DN. Ông Ishikawa Yoshitaka, Tổng giám đốc Cty Les Gants cho biết, hiện nay nhiều DN nhỏ và vừa của Nhật Bản rất muốn thuê các khu đất diện tích nhỏ từ 3 ngàn m2 trong các khu công nghiệp (KCN) để sản xuất. Đây cũng là mong muốn của nhiều DN nhỏ của TP. Tuy vậy, hiện các KCN của TP cơ bản đã lấp đầy vì thế TP cần xây dựng các khu, cụm CN mới. Nhìn trước vấn đề này, TP cũng thực hiện thủ tục xây thêm KCN Hòa Nhơn (gần 400 ha), KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 (119 ha), KCN Hòa Ninh (400 ha) và một số cụm công nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do giải phóng mặt bằng chi phí đền bù lớn, các DN đầu tư KCN không mặn mà. Để gỡ vướng mắc này, TP có chủ trương hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các nhà đầu tư (NĐT). Song nguồn kinh phí lớn, công việc này không dễ dàng dẫn tới nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Không chỉ trong KCN mà việc xúc tiến đầu tư các dự án ngoài KCN cũng bị động, kéo dài và chưa đạt hiệu quả cao do thiếu quy hoạch cụ thể, có sẵn về địa điểm đầu tư. Trong thực tế, phần lớn khi NĐT có đề xuất dự án thì mới đi tìm địa điểm đầu tư phù hợp với mục tiêu của dự án và qui hoạch của TP. Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, nhiều khâu trong qui trình xúc tiến đầu tư dự án chưa xác định rõ thời gian thực hiện nên TP chưa thể cam kết với NĐT về thời gian tối đa từ khi DN xin chủ trương nghiên cứu dự án đến lúc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là bao lâu. Thời gian từ khi xác định địa điểm đến khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất thường kéo dài. Mặt khác, hiện nay TP còn lúng túng trong việc lựa chọn NĐT theo phương án đấu thầu dự án sử dụng đất hay đấu giá quyền sử dụng đất; chậm cho chủ trương xúc tiến một số dự án; chậm xác định giá đất khởi điểm để tạo thuận lợi cho NĐT ước tính chi phí đầu tư.

Doanh nghiệp yêu cầu cao hơn

Theo lãnh đạo TP, trong năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018 TP không đặt nặng về thành tích là thu hút bao nhiêu dự án mà mục tiêu quan trọng hơn là cần làm tốt các nhiệm vụ được xem là tiền đề cơ sở để thực hiện thuận lợi hơn cho công tác xúc tiến đầu tư trong những năm tiếp theo. Bởi vì, nếu không chuẩn bị đủ về hạ tầng, chính sách không có “vốn” để kêu gọi đầu tư, NĐT đến rồi sẽ đi. Ông Phan Hải nói, khi DN lựa chọn đầu tư sẽ cân nhắc nhiều yếu tố, từ thủ tục hành chính, hạ tầng cơ sở, chính sách ưu đãi, thị trường... Nói chung, môi trường đầu tư phải thực sự hấp dẫn. Trong khi đó, theo đánh giá của VCCI tại Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2017, môi trường đầu tư của TP cần cải thiện nhiều, đặc biệt là các chỉ số tụt hạng như chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch và tiếp cận thông tin.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hội DNNVV Đà Nẵng cho biết, TP cần ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) để giảm thời gian, chi phí, hạn chế thấp nhất việc người dân gặp trực tiếp cán bộ, tránh vòi vĩnh phong bì. TP cần không phân biệt đối xử trong thu hút các nhà đầu tư, cần xây dựng 1 cửa trong việc tiếp nhận nhà đầu tư, không để nhà đầu tư chạy lòng vòng. Trong khi đó, bà Huỳnh Khánh Vân, Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, để cải thiện chỉ số cạnh tranh bình đẳng, TP cần giao đất đai cho nhà đầu tư thực sự để sản xuất kinh doanh chứ không giao cho DN thân quen đầu tư trục lợi. Ngoài ra, phải chấm dứt tình trạng ém thông tin hoặc công khai thông tin không còn giá trị. Đặc biệt, nhiều NĐT cũng đòi hỏi TP cần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục để không lỡ mất cơ hội của NĐT.

Rõ ràng, để đẩy mạnh thu hút đầu tư như kỳ vọng đặt ra trong năm 2018, Đà Nẵng cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư nhất là về hạ tầng, thủ tục, sự bình đẳng...

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/97_193264_nam-day-manh-thu-hut-dau-tu-da-nhu-ky-vong-.aspx