Nam Định cấm biển, cả hệ thống 'căng mình' phòng chống bão số 3

Bắt đầu từ 5h sáng nay, Nam Định thực hiện 'lệnh' cấm biển. Hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo triển khai ứng phó bão số 3 theo phương châm '4 tại chỗ'.

Nhiều tàu thuyền xã Hải Lý đã cập bờ trú ẩn

Bên cạnh đó, các địa phương ven biển đã lên phương án di dời dân, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và các phương tiện neo đậu khi có lệnh. Ngoài ra, chủ động sơ tán người canh coi tại các chòi canh xong trước 12h00 ngày 18/7.

Có mặt tại một số xã vùng biển huyện Hải Hậu, theo ghi nhận của Báo NNVN, thời tiết mưa nhỏ, sóng biển chưa có nhiều biến động. Ngay sau khi nhận được “lệnh” cấm biển từ BCH TKCN&PCTT tỉnh Nam Định, từ sáng sớm nay bà con ngư dân đã tranh thủ kéo tàu thuyền, mủng lên bờ nhằm giảm nguy cơ thiệt hại về tài sản.

Nhiều kiot tại khu du lịch nhà thờ đổ Hải Lý đã được các chủ hộ chằng chéo mái nhà, thu dọn đồ đạc. Các chủ đầm nuôi tôm, vạc đã chủ động các phương án phòng chống cơn bão số 3.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lý cho biết, toàn xã có 189 tàu thuyền, mủng đánh bắt hải sản. Ngay từ chiều ngày 17/7 khi nhận được công điện của UBND tỉnh Nam Định về lệnh cấm biển, địa phương đã phối hợp với Đồn Biên phòng Văn Lý kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.

Hiện tại, 100% tàu thuyền, mủng đã vào bờ an toàn. Ngư dân đang vận chuyển tàu thuyền, mủng lên bờ, tránh thiệt hại tài sản do mưa bão gây ra. Tại các đầm nuôi tôm, vạc các chủ đầm đã chủ động lên phương án chống bão.

Ngư dân kéo thuyền lên bờ, tránh thiệt hại về tài sản

“Đến thời điểm này, địa phương đã chủ động mọi phương án, sẵn sàng phòng chống bão Sơn Tinh. Ngoài ra, chủ động kêu gọi, sơ tán người dân tại các chòi canh để đảm bảo tính mạng khi bão đổ bộ vào đất liền”, ông Lý nhấn mạnh.

Ngồi nghỉ sau 30 phút kéo thuyền lên bờ, ngư dân Vũ Văn Bảy (Hải Lý) cho hay, sau khi nhận được lệnh cấm biển từ tối ngày 17/7, bà con ngư dân nơi đây đã chấp hành nghiêm chỉnh, chủ động kéo thuyền lên bờ, đảm bảo tài sản.

Ngư dân gỡ lưới, thu dọn gọn gàng để vào bờ tránh bão

Còn ông Phạm Văn Đông, một chủ đầm tôm (Hải Lý) chia sẻ, gia đình ông đang nuôi 2 ha tôm, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng. Tôm đang ở độ tuổi từ 1 - 3 tháng tuổi. Sau khi nắm bắt được thông tin cơn bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng từ Quảng Ninh - Bình Định, gia đình ông đã chủ động các phương án bảo vệ đầm nuôi tôm và tôm.

Để đảm bảo an toàn cho tôm không bị sốc nhiệt khi có mưa lớn, gia đình ông đã tích cực xử lý môi trường nước, giảm lượng thức ăn cho tôm. Bật quạt tạo oxy, giúp tôm có sức đề kháng tốt hơn.

“Nếu, mưa to, lượng nước mưa nhiều sẽ làm cho nguồn nước trong đầm bị thay đổi đột ngột, tôm bị sốc và có thể chết. Để chủ động phòng chống cho các đầm tôm, gia đình tôi đã tích cực xử lý môi trường từ nhiều ngày qua”, ông Đông bộc bạch.

Đầm nuôi tôm của gia đình ông Đông

Chạy dọc theo đường ven biển, chúng tôi ghi nhận tại xã Hải Đông (Hải Hậu), các chủ đầm tôm, đầm vạc cũng đã lên phương án phòng chống đầm tôm và tôm khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền.

Theo ông Phạm Minh Dưỡng, Chủ tịch UBND xã Hải Đông, tất cả tàu thuyền, mủng đang hoạt động trên địa phương đã vào bờ trú ẩn an toàn. Các trường học, trụ sở, cơ quan đã được chằng buộc cửa sổ cẩn thận. Tất cả các lực lượng đã sẵn sàng chống bão Sơn Tinh. Và, chủ động di dời khỏi chòi canh khi có lệnh…

Để tránh triệt hại về người và tài sản, địa phương đã cử các lực lượng chủ chốt xuống tận bãi biển tuyên tuyền bà con ngư dân vào bờ trú ẩn. Ngoài ra, hệ thống loa phát thanh xã bật 24/24 để bà con nắm bắt được tình hình về cơn bão.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với Đồn Biên phòng Văn Lý, Trạm Biên phòng Doanh Trâu kêu gọi bà con vào bờ hoặc về nhà trú bão khi bão đổ bộ vào đất liền.

Đồ đạc tại các kiot ở khu du lịch nhà thờ đổ Hải Lý đã được thu dọn

Tại huyện Giao Thủy, theo ông Nguyễn Văn Đang, Trạm trưởng Trạm thủy sản 1, ngay từ chiều tối qua (17/7) đơn vị đã phối hợp với các Trạm Biên phòng kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Đến 9h sáng ngày 18/7, cơ bản tàu thuyền của huyện Giao Thủy đã cập bến an toàn.

Tỉnh Nam Định đã chuẩn bị sẵn sàng trên 43.300 m3 đá hộc, gần 1.300 rọ théo, hơn 600.000 bao nilon, vải chống tràn để ứng cứu hệ thống đê xung yếu khi có sự cố xảy ra.

MAI CHIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nam-dinh-cam-bien-ca-he-thong-cang-minh-phong-chong-bao-so-3-post222878.html