Nam Định: Chú trọng đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để giảm chi phí tuân thủ pháp luật trên tinh thần ngày càng giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp. Yêu cầu này được hiện thực hóa qua nhiều kết quả cụ thể trong các lĩnh vực khác nhau.

Nổi bật là năm 2019, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành 24/44 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, trong đó Sở Tài chính phối hợp với sở, ngành rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về giá, phí, lệ phí để tham mưu UBND tỉnh ban hành 14 quyết định về đơn giá phù hợp với quy định pháp luật. Tỉnh cũng nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng bãi bỏ các cơ chế, chính sách cũ đã ban hành của tỉnh và thực hiện theo các quy định hiện hành của Chính phủ.

Nhìn chung, các văn bản được ban hành đảm bảo không có các quy định mới chứa đựng các yêu cầu không cần thiết, bất hợp lý, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, giảm thiểu chi phí tuân thủ pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.

Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện tại tất cả các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã quyết định chuyển chức năng, nhiệm vụ “tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã” từ Sở Nội vụ về Văn phòng UBND tỉnh; thành lập và khai trương Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; tổ chức tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Tỉnh cũng thực hiện tốt việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên trục liên thông văn bản quốc gia với văn bản triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển Chính phủ điện tử được ban hành kịp thời. Đồng thời, nghiên cứu ban hành danh mục thủ tục hành chính thực hiện theo hình thức trực tuyến mức độ 3, 4, thủ tục hành chính liên thông; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thay đổi lề lối làm việc, thay đổi tư duy về quản lý doanh nghiệp, từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và cá nhân khi có nhu cầu cần giải quyết. Vì vậy, đã góp phần giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định các công việc của người dân và doanh nghiệp, hạn chế tình trạng trực tiếp tiếp xúc giữa cán bộ giải quyết với người dân và doanh nghiệp, ngăn ngừa phiền hà, nhũng nhiễu khi giải quyết.

Nam Định đã quan tâm đến tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp thông qua đối thoại, tiếp xúc trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành với doanh nghiệp, nhà đầu tư; thông qua Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ; thông qua đường dây nóng hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh... để tiếp nhận và từng bước giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp. Đặc biệt, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10); tổ chức các cuộc họp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh...

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan cho biết một số khó khăn như thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có đóng góp lớn cho ngân sách; tiến độ triển khai thủ tục đầu tư của một số dự án trọng điểm còn chậm. Việc kiến nghị, khiếu nại về đất đai còn diễn biến phức tạp, công tác xử lý vi phạm cũ trong quản lý, sử dụng đất đai còn chậm. Dịch tả lợn châu Phi lây lan rất nhanh trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại lớn đến sản xuất của doanh nghiệp và cá nhân.

Từ đó, UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp thực hiện triệt để việc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, đảm bảo không chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; rà soát, cụ thể hóa các quy định, điều kiện kinh doanh theo quy mô doanh nghiệp, đơn giản hóa các điều kiện áp dụng cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các bộ, ngành liên quan cần xử lý nghiêm và công khai những doanh nghiệp vi phạm pháp luật để bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi của các doanh nghiệp chân chính; tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp kinh doanh theo đúng pháp luật.

Nam Định còn đề xuất Bộ Tài chính đẩy nhanh việc rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông để giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí thực hiện cho doanh nghiệp.

Thành Công

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/nam-dinh-chu-trong-doi-thoai-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-487651.html