Nam Định: Đền Bảo Lộc - Ngôi đền thiêng trên trang ấp cũ của An Sinh Vương Trần Liễu

An Sinh Vương Trần Liễu (chữ Hán: 陳柳; 1211 - 23 tháng 4, 1251), là cha ruột của Đức Thánh Trần, tức Trần Hưng Đạo. Theo ghi chép tại Đền Bảo Lộc, thì ngôi đền thiêng này được xây dựng trên trang ấp cũ của An Sinh Vương Trần Liễu.

Cổng đền Bảo Lộc. Ảnh: Đổng Thắng.

Cổng đền Bảo Lộc. Ảnh: Đổng Thắng.

An Sinh Vương Trần Liễu, tức Trần Liễu, hay An Sinh Vương, Khâm Minh Đại Vương, thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Trần. Cuộc đời An Sinh Vương Trần Liễu có nhiều thăng trầm, cũng như còn nhiều điều mà sử học chưa thể nói rõ. Ông chính là thân phụ của Đức Thánh Trần, tức Trần Hưng Đạo.

Khoảng sân trong đền. Ảnh: Đổng Thắng.

Trần Hưng Đạo (chữ Hán: 陳興道; ? - 20 tháng 8,năm 1300), còn được gọi là Hưng Đạo Đại Vương (興道大王) hay Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương (仁武興道大王). Ông không chỉ là một vị tướng tài ba của dân tộc mà còn là vị tướng toàn tài, một trong số ít vị tướng lừng lẫy của nhân loại.

Với tài thao lược thiên bẩm, Hưng Đạo Đại Vương đã hai lần đánh tan hàng vạn quân Mông Nguyên hùng mạnh. Một trong những đội quân “khét tiếng” nhất thế giới thời bấy giờ, mà nước Trung Quốc lớn mạnh cũng như nhiều nước khác phải chịu thua. Với những cống hiến lớn lao cho dân tộc, Trần Hưng Đạo được nhân dân phong Thánh và được thờ ở nhiều nơi trên đất nước ta. Mà đền Bảo Lộc là một nơi như vậy.

Thành kính cầu an. Ảnh: Đổng Thắng.

Theo ghi chép tại đền, Đền Bảo Lộc trước đây có tên là đền An Lạc, thuộc làng Hà Lộc, tổng Hữu Bị, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay thuộc thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ngôi đền được xây dựng trên trang ấp cũ của An Sinh Vương Trần Liễu vương phụ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Một bài thơ ở tòa khải thánh xác nhận: “Đây là ấp thang mộc của nhà Trần. Trăm ngàn năm vương khí dồn thiêng. Bể nổi dâu chìm đây chẳng mất”. Cách đền 600m về phía đông đã phát hiện được nhiều di vật thời Trần, như: Gạch hoa, đầu rồng đất nung, mô hình tháp...

Làm lễ hầu đồng. Ảnh: Đổng Thắng.

Đền Bảo Lộc lại nằm sát cung điện nhà Trần xưa. Ngôi đền ban đầu được xây dựng ở ven bờ sông Châu, đây là ngôi đền ba gian bằng gỗ, dáng thấp. Sau bờ sông bên này lở, ngôi đền đã được chuyển vào khu vực hiện nay với ba gian lợp dạ, khi làm lại xây thành ba tòa theo kiểu chồng diêm.

Đền Bảo Lộc được xây dựng theo quy mô hiện nay là làm vào năm 1928, ngôi đền nằm trong tổng thể kiến trúc tôn giáo của địa phương. Đền nằm chính giữa, bên trái là chùa, bên phải là phủ, phía sau là tòa khải thánh thờ vương phụ mẫu Trần Hưng Đạo.

Bảng công nhận di tích. Ảnh: Đổng Thắng.

Về kiến trúc có những điểm độc đáo, như máng trước nhà tiền đường với đề tài hình Long cuốn thủy, sáu bộ cánh cửa chính tẩm với đề tài tứ quý, nét chạm mềm mại điêu luyện. Ở đền có hai tượng Trần Hưng Đạo, một bằng gỗ ở tòa chính tẩm, một bằng đồng ở giữa trung đường. Đền còn thờ phụ vương, phụ mẫu và vợ con ông.

Tuy là con rể nhưng Phạm Ngũ Lão có tượng thờ ở đây, trong khi đó bốn con trai và một con gái nuôi của ông chỉ có tượng con trưởng là Đức Thánh Cả là được đặt ở đây. Các hàng tướng sĩ như Yết Kiêu, Dã Tượng, Cao Mang, Hùng Thắng, Nghĩa Xuyên, Đại Hành tuy xuất thân thuộc tầng lớp nông dân nhưng có nhiều công lao trong chiến đấu, nên được thờ tại gian chính tẩm, ở giữa là tượng Trần Hưng Đạo, còn hai bên là thầy dạy chữ và dạy binh pháp.

Nhất Bắc – Đổng Thắng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/den-bao-loc-ngoi-den-thieng-tren-trang-ap-cu-cua-an-sinh-vuong-tran-lieu-64173