Nam Định: Hải Hậu thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Hơn 40 năm là điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước, huyện Hải Hậu (Nam Định) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc huy động các nguồn lực phát triển văn hóa trong đời sống cộng đồng. Đặc biệt, việc thực hiện 2 tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đã phát huy vai trò chủ thể của người dân trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng, góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Tiết mục biểu diễn của Hội trống nữ xã Hải Xuân.

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2015), huyện Hải Hậu chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng nông thôn, từ đó lập quy hoạch phát triển bền vững 2 tiêu chí về văn hóa (tiêu chí số 6 và 16). Thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, UBND huyện đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa ở xóm, tổ dân phố giai đoạn 2015-2020”; trong đó quy định hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi xóm, tổ dân phố xây mới nhà văn hóa; hỗ trợ 3 triệu đồng cho mỗi xóm xây dựng mới cổng làng; hỗ trợ 20 triệu đồng đối với xã, thị trấn xây dựng cổng chào; hỗ trợ 5 triệu đồng cho các địa phương xây dựng khu thể thao liên xóm…

Đến nay, toàn huyện có 104 cổng làng, 21 cổng xã; cả 35 xã, thị trấn trong huyện có nhà văn hóa xã đạt chuẩn, diện tích từ 500m2 trở lên, hội trường trên 250 chỗ ngồi, đầy đủ các phòng chức năng. Các nhà văn hóa xã đều xây dựng và quy hoạch sân vận động trung tâm với tổng diện tích trên 10.500m2, khu thể thao trung tâm từ 1.500-2.000m2 gồm các sân: cầu lông, bóng đá, bóng chuyền… Cả 546 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng, bàn, ghế, tủ sách, bảng tin, nội quy hoạt động, hương ước xóm… Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, đến nay, toàn huyện có 9/35 xã, thị trấn có sân cầu lông trong nhà; 396/546 xóm, tổ dân phố có sân cầu lông, 270/546 xóm, tổ dân phố có sân bóng chuyền; 129/546 xóm, tổ dân phố có sân bóng đá mini; 124 sân thể thao liên xóm, 13 nhà truyền thống, 1 khu lưu niệm. Nhiều nhà văn hóa, sân thể thao xóm được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng, quy mô diện tích 1.000-2.000m2, hoạt động hiệu quả như: Nhà văn hóa xóm 4, xã Hải Bắc; sân bóng đá cỏ nhân tạo hiện đại các xã: Hải Sơn, Hải Phú, Thị trấn Cồn...; khu thể thao xóm 3, xã Hải Hà; trung tâm văn hóa, thể thao xã Hải Thanh…

Để phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, Ban chủ nhiệm nhà văn hóa xóm, tổ dân phố được thành lập gồm các đồng chí Trưởng xóm, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận có vai trò quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động của các nhà văn hóa. Các chi Hội: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Đoàn thanh niên thành lập các loại hình câu lạc bộ: Đọc sách, văn nghệ, thơ ca, câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh… Hệ thống thiết chế văn hóa ở Hải Hậu phát huy được công năng sử dụng, là tiền đề để phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cơ sở phát triển rộng khắp.

Toàn huyện có 60% người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên, 33% gia đình thể thao. Hiện nay, mỗi xã, thị trấn có từ 10-15 câu lạc bộ, đội văn nghệ, thể thao; trong đó, mỗi xóm, tổ dân phố đều có 1 câu lạc bộ thể thao (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn) và 1 đội văn nghệ quần chúng sinh hoạt ở nhiều loại hình: hát chèo, thơ, ca khúc cách mạng. Thực hiện tiêu chí số 16 về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, hàng năm Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phối hợp với Hội Phụ nữ huyện hướng dẫn các xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế của địa phương đẩy mạnh các hoạt động: Phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; gia đình văn hóa, nông thôn mới. Các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Xóm văn hóa” thực sự trở thành mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình, thôn xóm. Thành công trong việc thực hiện các phong trào đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ dân trong cộng đồng. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa của huyện đạt 96,1%; 546/546 xóm, tổ dân phố văn hóa.

Phong trào xây dựng “Làng văn hóa” ở Hải Hậu đã tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và sự tham gia hưởng ứng của nhân dân. Người dân với vai trò là chủ thể đã xác định được quyền lợi, trách nhiệm, tích cực, chủ động trong việc đóng góp xây dựng nông thôn mới. Việc quy hoạch xây dựng hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn luôn được công khai, minh bạch, lấy ý kiến từ nhân dân. Các hộ dân luôn chủ động chỉnh trang khuôn viên, nhà ở, ao vườn; tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế…

Thành công trong thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Hải Hậu đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhiều địa phương giữ vững và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trong nhiều năm liền; tiêu biểu như các xã: Hải Sơn, Hải Phương, Hải Toàn, Hải Phú, Hải Hòa, Hải Thanh, Thị trấn Thịnh Long… Từ các mô hình trên cho thấy, việc huy động các nguồn lực cộng đồng ở Hải Hậu đã đạt kết quả và mục tiêu đề ra trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở theo tiêu chí nông thôn mới.

Để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển (giai đoạn 2016-2020), huyện Hải Hậu tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành kiểm tra, đôn đốc, giải quyết những vướng mắc, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện các tiêu chí; từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Bổ sung các quy tắc ứng xử văn hóa cộng đồng, quy ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng xóm, tổ dân phố sáng - xanh - sạch - đẹp vào hương ước xóm. Phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa và các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao. Huy động các nguồn lực triển khai xây dựng mô hình “Xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao liên xóm kiểu mẫu”. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng nhân các dịp lễ, tết. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở để hướng dẫn, phát huy hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa xóm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa của nhân dân.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nam-dinh-hai-hau-thuc-hien-cac-tieu-chi-van-hoa-trong-xay-dung-nong-thon-moi-70929