Nam Định: Không để biến tướng hoạt động dâng sao, giải hạn

Hoạt động dâng sao, giải hạn là một hoạt động truyền thống trong đời sống tâm linh của người Việt. Nhưng đã có nhiều nơi lợi dụng điều này biến tướng để thu lợi.

Người Việt Nam từ Bắc đến Nam vào dịp đầu xuân luôn có một thói quen là “dâng sao giải hạn”. Việc làm tâm linh đó giúp cho nhiều ngườ cảm thấy yên tâm sẽ tránh được những vận hạn trong một năm.

Nhưng có rất nhiều nơi, những nơi thờ tâm linh tại gia (điện, phủ) thậm chí là một số chùa đã lợi dụng vào tín ngưỡng này để biến tướng và thu một số tiền rất lớn.

Đi lễ đầu xuân từ lâu đã trở thành nét văn hóa tâm linh trong đời sống của người dân. Tuy nhiên hiện nay nhiều người dân chưa có sự phân biệt rõ đâu là hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng chính thống, đâu là hành vi theo mê tín dị đoan, từ đó thực hành tâm linh sai lệch hiểu theo “đám đông”, trong đó có việc “đua nhau” dâng sao giải hạn.

Theo quan niệm dân gian, trên trời có 24 ngôi sao do 24 vị thần chủ có ảnh hưởng đến số phận con người, trong đó 9 ngôi sao sáng nhất (Cửu Diệu) sẽ luân phiên chiếu mệnh mỗi năm. Đó là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hán, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Các sao này có sao tốt và sao xấu, phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành.

Nhân dân lễ đầu năm tại chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định). Ảnh: Viết Dư

Nhân dân lễ đầu năm tại chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định). Ảnh: Viết Dư

Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật... Bởi vậy, “đến hẹn lại lên”, dịp cuối năm nhiều người thường tìm đến các thầy bói để tính sao, đoán hạn, tìm cách giải vận hạn sao chiếu mệnh trong năm mới.

Lễ cầu an là nghi lễ thuộc về Phật giáo nhằm hướng các phật tử đến điều an lành, sống theo lời Phật dạy. Còn dâng sao giải hạn theo quan niệm thực dụng là dâng lễ vật để tai qua nạn khỏi. Quan điểm nhà Phật thì con người là chủ nhân quyết định vận mệnh của mình, không một ai hay thế lực nào có thể cứu ta và giải thoát cho ta. Sống thiện thì mới có thể biến họa thành phúc.

Chị Trần Thị Thiên Thanh, hàng Sắt, Nam Định chia sẻ: “hàng năm tôi thường lên chùa và xem lịch của nhà chùa có lễ cầu an, dâng sao giải hạn là tôi đóng tiền và chờ đến ngày thì cùng với mọi người dự lễ cho cả nhà tôi năm đó. Sao nào tôi cũng dâng để thấy yên tâm”.

Để chấn chỉnh tình trạng biến tướng cúng sao, giải hạn do các nhà chùa chủ trì tổ chức nở rộ những năm qua đã được các cơ quan truyền thông phản ánh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ban hành công văn số 016/CV- HĐTS, ngày 6/1/2020 hướng dẫn các chùa tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an trong dịp Tết cổ truyền Xuân Canh Tý.

Theo đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện, tăng ni khi tổ chức thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh yếu tố mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng với chính pháp của Phật giáo dễ bị xã hội hiểu lầm là lệch chuẩn tâm linh.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện, tăng ni khi thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an không dùng các thuật ngữ yếm thế như: “giải hạn”, “dâng sao giải hạn”, “cắt giải oan gia trái chủ”… mà phải nêu bật ý nghĩa, sự vận hành luật nhân quả của Phật giáo, tạo phúc đức bằng việc tránh ác, làm thiện, làm nhiều việc tốt. Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định đã triển khai tinh thần của công văn đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các huyện, thành phố.

Du khách đi lễ đầu năm ở Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái (Vụ Bản). Ảnh: Viêt Dư

Thực hiện Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định pháp luật về nếp sống văn minh trong lễ hội; tăng cường cung cấp thông tin cho người dân về ý nghĩa, mục đích của việc thực hành tín ngưỡng tâm linh…

Anh Đinh Quốc Huấn, Xuân Trường, Nam Định cho biết: “tôi không ủng hộ việc dâng sao giải hạn mà mất mấy triệu như vậy. Hàng trăm, hàng nghìn người thì biết bao nhiêu tiền. Tiền đấy đi về đâu và ai quản lý. Giải hạn đâu chưa biết nhưng đã thấy mất mấy triệu đầu năm rồi. Nhà không có tiền thì đây là một khoản rất lớn”.

Nhiều địa phương, đơn vị đã ban hành văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó có thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Thực tế cho thấy, dâng lễ cúng sao giải hạn là vấn đề liên quan đến tâm lý của người dân, vậy nên để chuyển biến từ gốc rễ thì các cơ quan hữu quan, cơ sở tôn giáo, thờ tự cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa đích thực của thực hành tín ngưỡng. Từ một số điểm sáng ở những ngôi chùa lớn trên địa bàn tỉnh về thực hiện tuyên truyền không cúng sao giải hạn cho thấy, đã đến lúc cần coi trọng việc giáo dục văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng, từ đó hướng con người tới những việc làm tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày.

Lê Linh - Viết Dư

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nam-dinh-khong-de-bien-tuong-hoat-dong-dang-sao-giai-han-165694.html