Nam Định: Nét đẹp văn hóa dòng họ Đặng, làng Bách Tính

Họ Đặng là một trong 5 dòng họ lớn ở làng Bách Tính, xã Nam Hồng (Nam Trực - Nam Định). Trải qua hơn 400 năm gây dựng và phát triển, các thế hệ con cháu dòng họ Đặng vẫn duy trì nếp gia phong; vận động con cháu thực hiện quy ước; bổ sung gia phả; phát động phong trào khuyến học dòng họ; bảo tồn, tôn tạo từ đường dòng họ; tổ chức lễ mừng thọ… Những bản sắc văn hóa dòng họ Đặng đã góp phần tạo nên truyền thống văn hóa làng quê.

Theo phả ký, năm 1614, hậu duệ thứ 8 dòng họ Đặng là Lãng Quận công Đặng Thế Sức từ vùng Lương Xá (Hà Nội) về sinh cơ lập nghiệp tại làng Bách Tính và trở thành vị tổ họ Đặng đầu tiên ở quê hương. Tính đến nay, dòng họ Đặng, làng Bách Tính đã phát triển đến đời thứ 21 và trở thành dòng họ lớn, sinh ra nhiều người con ưu tú cho quê hương, đất nước. Tiêu biểu như các ông: Đặng Việt Châu, Đặng Việt Lâm, Đặng Việt Thanh, Đặng Văn Minh, Đặng San, Đặng Đình Lâm, Đặng Đình Lan, Đặng Hữu Kỳ... Trong đó, Đặng Việt Châu là chiến sĩ cách mạng ưu tú của quê hương, từng giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước... và là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI… Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, dòng họ Đặng đã có hàng trăm người tham gia chiến đấu và anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường… Trong thời kỳ mưa bom, bão đạn, nhiều lớp học chữ Nho, chữ Quốc ngữ vẫn được mở tại nhà cụ Đặng Việt Châu (nay là Từ đường họ Đặng) và các địa điểm: Chùa Đồng, Đền Thái Hòa, Chùa Na - Đền Thượng... Ngay từ thời kỳ đó, số người biết chữ trong dòng họ Đặng chiếm tỷ lệ cao trong vùng. Với truyền thống hiếu học, ngày nay các thế hệ con cháu họ Đặng đã nhận thức đúng về vấn đề xây dựng văn hóa dòng họ, thông qua việc bổ sung những hành động thiết thực vào “việc họ” như lập ban khuyến học, lập tủ sách dòng họ, tạo điều kiện cho con cháu được học hành, mở mang tri thức. Ban khuyến học dòng họ Đặng được thành lập đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua học tập giữa các chi, các ngành, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa gia đình, làng xóm.

Gian trưng bày tại Nhà truyền thống dòng họ Đặng, làng Bách Tính.

Ngày nay, tuy mức sống của các gia đình trong dòng họ Đặng khác nhau nhưng phần lớn dựa vào ruộng đất, trồng trọt, chăn nuôi, một số ít tham gia nghề thủ công, thương nghiệp nhưng tất cả đều đoàn kết, gắn bó với nhau và đều chung một truyền thống tốt đẹp là luôn ý niệm về gốc gác tổ tiên để thành tâm thờ kính. Được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 2009, Từ đường họ Đặng là nơi thực hành lễ nghi truyền thống trong dòng tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh. Di tích ngoài thờ tổ Đặng Thế Sức còn phối thờ 13 vị tổ kế thành. Nơi đây hiện lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử và nghệ thuật như: sắc phong, văn bia, câu đối, đại tự… ghi lại lịch sử hình thành và phát triển của dòng họ và những điều răn dạy của tổ tiên với con cháu đời sau. Để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa từ đường, con cháu ở các dòng họ đã tự nguyện chung tay góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo di tích. Việc trông coi bảo vệ ở các từ đường dòng họ được thực hiện đúng theo quy ước của từng dòng họ và quy định của pháp luật. Với việc lấy chữ hiếu làm trọng, hàng năm, vào ngày kị của tổ Đặng Thế Sức (mồng 6 tháng Chạp) con cháu họ Đặng lại tổ chức cúng lễ nhằm tưởng nhớ công ơn tổ tiên. Mặc dù cách thức tổ chức chỉ gói gọn trong phạm vi nội tộc, song đều mang giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ sau này. Trong ngày giỗ họ, con cháu trong dòng họ dù ở đâu cũng tìm về thắp hương, dâng lễ tạ ơn tiên tổ, trời đất. Đây cũng là dịp để các chi xa, chi gần tìm về nhận họ hàng, phân định trên dưới, anh em, đồng thời cũng là dịp gặp gỡ ấm tình huyết thống. Trước ngày lễ một tuần, con cháu trong các ngành tổ chức hội họp, cắt cử mỗi người mỗi việc, từ công tác vệ sinh di tích, thành lập đội tế, bao sái đồ thờ tự cho đến biện lễ, đóng oản, làm cỗ mặn… Chiều ngày mồng 5 tổ chức tế cáo, các con cháu trong dòng họ ôn lại lịch sử hình thành và phát triển dòng họ, được nghe về thân thế sự nghiệp của tổ tiên. Sáng mồng 6 tế chính kị, các vị quan viên được cử vào tế đều là những người có chức sắc trong họ tộc, gồm: một vị chủ tế, hai vị bồi tế, hai người đông xướng và tây xướng, hai người nội tán cùng 10 chấp sự. Sau khi đọc xong văn tế, các đoàn con cháu khắp nơi lên dâng hương, cầu tổ tiên ban cho phúc lành, nhà nhà an khang thịnh vượng.

Nét đẹp văn hóa truyền thống dòng họ Đặng, làng Bách Tính đã trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, tạo sự gắn bó mật thiết trong mối quan hệ gia đình - dòng họ - làng xã. Trải qua bao thế hệ, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dòng họ Đặng vẫn luôn được các con cháu gìn giữ, phát huy, góp phần bồi đắp các giá trị truyền thống quý báu của quê hương.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nam-dinh-net-dep-van-hoa-dong-ho-dang-lang-bach-tinh-68191