Nam Định: Ngăn chặn bệnh lùn sọc đen hại lúa

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có 14,44% mẫu rầy lưng trắng dương tính với virus lùn sọc đen, đang trong thời kỳ cao điểm phun trừ rầy lứa 4.

Người dân phun trừ rầy lưng trắng lứa 4

Tuy nhiên, thời tiết nắng mưa xen kẽ, dẫn đến hiệu quả phun trừ không cao.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, mật độ rầy lưng trắng trung bình 50 - 100 con/m2, cao 300 - 400 con/m2, cục bộ 600 - 700 con/m2. Toàn tỉnh đã phun trừ được 35.290ha lúa cho những diện tích cấy sớm, ít bị ảnh hưởng của mưa bão. Toàn tỉnh cần trừ khoảng 22.000ha cho những diện tích phải gieo cấy lại, thời gian trừ tập trung từ ngày 7 - 12/8.

Trong đó, Xuân Trường là huyện có mật độ rầy cao, mật độ trung bình 100 - 200 con/m2, cao 300 - 400 con/m2, cục bộ 600 - 700 con/m2. Để phòng chống rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen, UBND huyện Xuân Trường đã có văn bản chỉ đạo các xã tích cực phun trừ rầy, kiểm tra đồng ruộng.

Theo ông Trần Tùng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuân Trường, để vụ mùa 2018 đạt năng suất cao, ngay từ đầu vụ, huyện Xuân Trường đã có những văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai các phương án phòng chống bệnh lùn sọc đen, khắc phục mưa lũ.

Bên cạnh đó, Phòng NN-PTNT huyện cũng đã phối hợp với các địa phương tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân cách phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa. Vệ sinh đồng ruộng, xử lý hạt giống bằng thuốc Closer.

Hiện tại, đối với những diện tích đã gieo cấy từ đợt đầu, bà con nông dân đang chăm bón lúa, trừ rầy lưng trắng lứa 4.

“Vụ mùa 2018, toàn huyện gieo cấy hơn 5.600ha lúa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài đã khiến 3.900ha bị ngập úng, nhiều diện tích phải cấy lại. Do phân thành các trà lúa khác nhau nên việc phun trừ rầy lưng trắng chưa đạt hiệu quả”, ông Tùng phân trần.

Ông Lê Hoàng Trọng, Chủ tịch UBND xã Xuân Đài chia sẻ, qua xét nghiệm, trên địa bàn xã đã có 1 mẫu trên lúa dương tính với bệnh lùn sọc đen. Ngay sau khi có kết quả, địa phương đã có văn bản hướng dẫn bà con phun trừ rầy lưng trắng và quy trình xử lý bệnh. Song, do trà lúa khác nhau nên việc phun trừ rầy cũng gặp không ít khó khăn.

Bà Lê Thị Hoa (xã Xuân Đài) cho hay, thời tiết nắng mưa thất thường nên rầy lưng trắng đã xuất hiện và phát triển. Sau khi có chỉ đạo của UBND xã, chúng tôi đã phun trừ rầy lưng trắng và thường xuyên kiểm tra dịch bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho biết, ngày 7/8 Chủ tịch UBND tỉnh đã ra công điện về việc phòng chống rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ mùa 2018. Chi cục sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tổ chức kiểm tra, phân loại các trà lúa để có biện pháp chăm sóc, bảo vệ kịp thời. Đôn đốc các địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, điều tra, dự tính, dự báo, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh để tổ chức phòng trừ kịp thời…

Toàn tỉnh Nam Định đã gieo cấy được 74.800ha, đạt 98% diện tích. Thời điểm này, các huyện đã khắc phục cơ bản xong diện tích lúa bị ảnh hưởng do mưa bão (30.061ha), còn khoảng 1.700ha chưa gieo cấy tập trung ở các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng. Diện tích lúa đã chăm sóc lần 1 được 61.900ha (81%); chăm sóc lần 2 được 24.525ha (32%).

MAI CHIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nam-dinh-ngan-chan-benh-lun-soc-den-hai-lua-post224544.html