Nam Định: Quần Anh - Vùng đất đậm đặc giá trị văn hóa truyền thống

Vùng đất địa linh, nhân kiệt Quần Anh xưa (xã Hải Anh ngày nay) là đơn vị hành chính đầu tiên của huyện Hải Hậu - Nam Định được hình thành từ năm 1511. Trải qua hơn 500 năm kể từ thời mở đất, các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất và con người Quần Anh vẫn được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ, phát huy và thể hiện đậm nét thông qua các công trình kiến trúc như: cây đa, giếng nước, mái đình đến những phong tục, tập quán, lối sống, lễ hội, ngành nghề thủ công truyền thống…

Theo các tài liệu lịch sử lưu giữ tại địa phương, vùng đất Quần Anh lúc đầu mang tên Quần Cường ấp, có thời là xã Quần Phương. Cách đây hơn 5 thế kỷ, nơi đây là bãi biển hoang hóa. Đến cuối triều Trần, phía hữu ngạn hạ lưu sông Hồng phù sa lắng đọng, phân nhánh thành 2 cửa biển: Lạch Lác và Lạch Môn. Lúc bấy giờ, cụ Trần Quốc Hiến (cháu đời thứ 11 của Trần Hưng Đạo) đã trưng khẩn được vùng bãi bồi phía nam cửa biển Lạch Lác. Đang tiến hành dinh điền thì cụ qua đời. Con trai cụ là Trần Vu (tự Phúc Đức) kế tục sự nghiệp của cha để mở mang bờ cõi. Cụ Trần Vu đã kết nghĩa với 3 cụ Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập khai hoang được nhiều cồn đất màu mỡ. Công cuộc khai hoang gắn liền với công cuộc trị thủy, 4 cụ đã huy động người dân ngày đêm bồi đắp các con đê để ngăn nước mặn. Nhờ những con đê bảo vệ, đồng đất được thau chua, rửa mặn nhanh chóng, thu hút thêm các ông tổ 9 dòng họ: Lại, Nguyễn, Lê, Bùi, Phan, Đoàn, Đỗ, Trần, Vũ đến khai cơ, lập nghiệp, lấy nghề nông tang làm cơ bản. Ngoài trồng lúa, còn mở mang thêm nghề trồng cói, trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, dệt lụa. Công lao to lớn dựng xây quê hương của “Tứ tổ khai sáng, cửu tộc khai cơ” đã được các con cháu ghi tạc vào các văn bia, phả ký họ tộc và được lưu truyền cho các thế hệ sau.

Từ đường họ Lê xã Hải Anh được xây dựng năm 2019.

Hàng trăm năm qua, những phiên chợ quê ở Hải Anh đã trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây. Trước kia, sản phẩm tơ tằm truyền thống của chợ Lương không chỉ được bày bán phổ thông mà còn được mang vào kinh đô để tiến vua và được đem đi đấu xảo với các địa phương khác trong cả nước. Ngày nay, chợ Lương vẫn duy trì được nếp sinh hoạt xưa, họp một tháng 6 phiên vào các ngày 1, 7, 11, 17, 21, 27. Phiên chợ nào, tơ lụa cũng được bày bán vàng tươi nửa chợ, khách thập phương đến mua bán tấp nập. Sản phẩm tơ lụa ở chợ Lương vốn nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, độ bền cao. Ngoài chợ Lương, xã Hải Anh còn một số chợ tồn tại lâu đời như: chợ Dâu (bán dâu vào sáng sớm), chợ Đền (họp nửa ngày bán các mặt hàng nông sản). Ban quản lý các chợ đã bố trí sắp xếp các mặt hàng theo từng khu vực tiện cho cả người mua và người bán. Việc mua bán trao đổi hàng hóa khá nhộn nhịp với nhiều sản phẩm khác nhau. Do đặc thù vị trí địa lý “trên bến, dưới thuyền” nhiều sản phẩm: cá, ghẹ, tôm, mực, sò, ngao, ốc… cũng được bày khá phong phú. Chợ họp theo phiên nên các phiên chợ ở Hải Anh ngoài thực hiện vai trò chính là nơi giao thương thì còn là nơi gặp gỡ trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe của người dân địa phương.

Ở xã Hải Anh, ngoài nghề ươm tơ, dệt sợi, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống khác cũng đang được người dân gìn giữ. Tiêu biểu là nghề mộc mỹ nghệ. Trước kia, các phường thợ mộc, thợ nề, thợ sơn, thợ chạm khắc… đã đào tạo được nhiều nghệ nhân xây dựng nên nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như: Chùa Lương, Cầu Ngói, Đình Phong Lạc, cầu đá, giếng đá, các từ đường dòng họ… Đặc biệt cụm di tích Cầu Ngói - Chùa Lương - Đền Thủy tổ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia năm 1990. Chùa Lương (Phúc Lâm tự) được xây dựng vào đời Vua Lê Hồng Thuận (1509-1515). Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, ngôi chùa hiện tại có quy mô khá lớn, gồm 100 gian, mang phong cách kiến trúc thế kỷ XVII-XVIII. Chùa kết hợp cùng các công trình khác như: hồ nước, giếng đá, tam quan, cây cổ thụ càng tôn nên vẻ đẹp cổ kính của tổng thể cụm công trình. Cầu Ngói là một trong 3 cây cầu cổ trong tỉnh. Cầu được xây dựng vào thế kỷ XVII có kiến trúc “thượng gia, hạ trì” (trên là nhà, dưới là sông nước), gồm một nếp nhà ngói 9 gian gỗ lim, mái lợp ngói nam, 18 cột đá bắc qua sông. Tuy các mảng chạm khắc không nhiều và có phần đơn giản nhưng cũng thể hiện rõ nét tài hoa của nghề mộc cổ truyền trên đất Quần Anh xưa. Lễ hội Chùa Lương được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16-3 âm lịch hàng năm bày tỏ tấm lòng tri ân công đức của nhân dân đối với các vị thủy tổ. Phần lễ gồm: lễ Kỳ yên (cầu an), cầu phúc, lễ Phật, rước kiệu. Tại sân chùa tổ chức cúng lễ linh đình và rước kiệu quanh làng, cờ trống nhộn nhịp. Phần hội có các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian: hát chèo, hát văn, hát đối, trống hội, nhạc kèn và các trò chơi dân gian sôi động như: đi kheo, kéo co, chơi cờ, múa lân - sư - rồng… Lễ hội Chùa Lương đã trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân xã Hải Anh.

Cùng với các giá trị lưu giữ qua hệ thống di sản phong phú, xã Hải Anh còn gìn giữ nét đẹp văn hóa thông qua việc duy trì nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, dòng họ, tạo ra giá trị đạo đức truyền thống như: lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù, sáng tạo, lòng hiếu học, lòng yêu nước... Từ lâu, thờ cúng tổ tiên là ý thức của con cháu trong các dòng họ và đã trở thành đạo lý của người dân. Trên địa bàn xã hiện có hơn 100 từ đường, nhà thờ tổ của 17 dòng họ. Là địa phương có truyền thống hiếu học, hoạt động khuyến học trong các dòng họ ở Hải Anh đang ngày càng được phát huy. Các thành viên trong dòng họ đều tự giác học tập thường xuyên dưới nhiều hình thức, đồng thời tham gia tích cực vào phong trào “Khuyến học - Khuyến tài”, xây dựng xã hội học tập. Các ban khuyến học dòng họ có nhiều hình thức hoạt động phong phú, hiệu quả. Quỹ khuyến học của mỗi dòng họ có từ 30-100 triệu đồng sử dụng vào các hoạt động trao thưởng hoặc học bổng cho học sinh nghèo, góp phần động viên, hỗ trợ tạo điều kiện cho con em trong họ tộc vươn lên học hành. Hiện nay, 100% các dòng họ ở Hải Anh được công nhận là “Dòng họ văn hóa - Dòng họ hiếu học”; 5 dòng họ: Vũ, Nguyễn, Trần, Phạm, Hoàng được UBND huyện tặng Bức trướng “Khuyến học - Khuyến tài”.

Trải qua hơn 5 thế kỷ lập đất và giữ đất, các thủy tổ và thế hệ người dân xã Hải Anh hun đúc nên truyền thống “Tứ tính, Cửu tộc”, đó là: nếp nhà nhân hậu “phúc - đức - cần - kiệm”; mây sáng, trời trong; con cháu thảo hiền”. Những giá trị văn hóa truyền thống ở Hải Anh được người dân bảo tồn và phát huy đã tạo động lực đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi sâu vào cuộc sống, phát huy nội lực đẩy lùi những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, hướng con người tới lối sống tốt đẹp, văn minh, tạo bước phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nam-dinh-quan-anh--vung-dat-dam-dac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-73689