Nam Đình: Ý Yên tăng cường các biện pháp chống xâm hại di tích

Huyện Ý Yên (Nam Định) có 41 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa…

Rước kiệu trong lễ hội phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng năm 2018.

Phòng VH-TT huyện tích cực phối hợp với Huyện Đoàn, Phòng GD và ĐT… tổ chức các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Các xã, thị trấn đều thành lập Ban quản lý di tích; quy định nội quy, quy chế hoạt động cụ thể. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, chính quyền các địa phương có di tích phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức công khai quy hoạch, cắm mốc giới và khoanh vùng bảo vệ di tích. Trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích, các xã, thị trấn đã thành lập ban giám sát cộng đồng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát quá trình tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều địa phương như: Thị trấn Lâm; các xã: Yên Lợi, Yên Ninh, Yên Khánh, Yên Đồng, Yên Khang, Yên Nhân… đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo di tích đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi, từ năm 2005 đến nay nhân dân và khách thập phương đã phát tâm công đức hàng tỷ đồng để tu bổ chùa chính, xây dựng mới các hạng mục như: Tổ đường, tháp Tổ và tượng Quan Âm Bồ Tát, nhà khách, cổng Tam quan, nhà Mẫu… Năm 2015, chùa Phúc Chỉ, xã Yên Thắng xây dựng nhà tổ với kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Năm 2013, chùa Phạm Xá, xã Yên Nhân từ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích của Nhà nước đã tiến hành tu sửa phần mái với kinh phí 100 triệu đồng. Vừa qua, chùa An Lạc, xã Yên Lộc tiến hành trùng tu tôn tạo với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Chùa Phú Giáp, xã Yên Phong tu sửa khuôn viên với kinh phí hàng chục triệu đồng do nhân dân địa phương và khách thập phương tiến cúng… Chùa Dưỡng Chính, xã Yên Khánh từ năm 2012 đến nay đã xây dựng nhà Mẫu, cổng chùa, đổ cầu, làm lầu Quan âm với kinh phí hàng tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Thực hiện chống xâm hại di tích, Ban quản lý các di tích đã đến từng hộ dân có đất gần kề di tích để tuyên truyền quy định, địa giới khu vực bảo vệ di tích. Với các di tích là chùa, thực hiện phong trào “Ba an toàn” về ANTT, Ban đại diện Phật giáo huyện đã vận động tăng ni, tín đồ phật tử tăng cường đầu tư các thiết bị bảo vệ an toàn tài sản ở các chùa như: khóa chống trộm, lắp đặt máy báo động, camera... Đặc biệt, các chùa đã có biện pháp hữu hiệu như đăng ký với cơ quan pháp luật và phân công người trông coi để bảo vệ đồ thờ tự, vật thể quý hiếm.

Thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Lịch sử”, cả 42 trường tiểu học, 33 trường THCS, 7 trường THPT trong huyện đều tổ chức các hoạt động ngoại khóa góp phần nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hóa và giáo dục lý tưởng cách mạng cho học sinh. Hằng năm, vào dịp lễ hội, các trường Tiểu học: Yên Đồng A, Yên Đồng B, THCS Yên Đồng… đã tổ chức cho học sinh tham quan di tích, tìm hiểu về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tín ngưỡng thờ Mẫu. Xã Yên Thắng có 1 di tích được Bộ VH, TT và DL công nhận là Chùa Phúc Chỉ và 3 di tích cấp tỉnh là: Đền thờ Vua Đinh, Đền thờ Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị và Đình Phúc Lộc. Hằng năm, vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, các trường Tiểu học: Đông Thắng, Tây Thắng, THCS Yên Thắng, THPT Đỗ Huy Liêu, THPT Phạm Văn Nghị đều tổ chức cho học sinh các khối lớp tham quan các di tích. Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước Trường Tiểu học Đông Thắng thường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa tại đền thờ Hoàng Giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị. Tại từ đường Khiếu Năng Tĩnh, xã Yên Cường hằng năm diễn ra lễ kỵ vào ngày mùng 6 tháng tư âm lịch; con cháu sau khi dâng hương ai có thành tích học tập xuất sắc sẽ được vinh danh tại di tích. Tại di tích lịch sử quốc gia Đền Phạm Xá, xã Yên Nhân, Trường THCS Yên Nhân thường xuyên có các hoạt động học tập ngoại khóa tìm hiểu về di tích, thân thế sự nghiệp của hai vị đại khoa Phạm Đạo Phú và Phạm Đạo Bảo. Tại xã Yên Tiến, Khu lưu niệm Bác Hồ được xây dựng với quy mô và kiến trúc độc đáo nằm trong khuôn viên di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đình Thượng Đồng. Hằng năm, nhân kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác (19-5) và kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Tiến tổ chức dâng hương tại Khu lưu niệm Bác Hồ… Công tác quản lý, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Ý Yên thời gian qua đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng ở một số di tích khi tiến hành tu bổ, tôn tạo đã bị sai lệch so với kiến trúc gốc. Khi huy động nguồn lực để tôn tạo, một số di tích đã đưa được các yếu tố mới vào như thay gạch, bê tông cho các cấu kiện gỗ; dùng sơn công nghiệp thay cho sơn ta trong trang trí kiến trúc... làm mất “phần hồn”, phá vỡ nguyên mẫu kiến trúc di tích. Không ít di tích khi phục chế, tu bổ mới dừng lại ở kiến trúc mà không chú ý đến bảo vệ hệ thống văn tự Hán - Nôm, từ đó, dẫn đến việc các câu đối, văn bia, đạo sắc phong bị hư hại, thất lạc…

Thời gian tới, huyện Ý Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hóa. Ban quản lý di tích các xã, thị trấn tích cực đẩy mạnh các hoạt động chống xâm hại di tích, phát hiện và kịp thời tham mưu xử lý những sai phạm, vi phạm pháp luật về di sản văn hóa trên địa bàn. Vận động nhân dân chung tay bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, tạo sức mạnh nội lực cho nhân dân trong công cuộc lao động sản xuất, xây dựng quê hương phát triển.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nam-dinh-y-yen-tang-cuong-cac-bien-phap-chong-xam-hai-di-tich-62471