Năm dưỡng chất có trong sữa mẹ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sữa mẹ chứa nhiều protein, lipid, glucid, vitamin và muối khoáng tốt cho sự phát triển của trẻ sơ sinh.

Sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sự phát triển của trẻ. Ảnh: Unsplash.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo trẻ nên bắt đầu bú mẹ ngay trong một giờ sau sinh. Quá trình bú nên được duy trì liên tục và hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để bé có được sức khỏe và sự tăng trưởng tối ưu. Sau đó, bé vẫn nên được bú mẹ cho đến khi 2 tuổi hoặc lâu hơn.

Theo bác sĩ Lý Thị Thu Nga, khoa Hậu phẫu, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), nuôi con bằng sữa mẹ mang lại lợi ích về nhiều mặt cho cả mẹ và trẻ.

Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ rất nhiều năng lượng, giúp trẻ dễ tiêu hóa, chứa nhiều kháng thể giúp phòng ngừa các nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa. Ngoài ra, sữa mẹ giúp bé tống xuất phân su, cung cấp vitamin A, phòng được bệnh khô mắt.

Một số nghiên cứu cho thấy những trẻ được bú mẹ thường phát triển trí não tốt hơn, giảm nguy cơ thừa cân béo phì và mắc đái tháo đường khi trưởng thành.

Bú mẹ giúp gia tăng tình cảm giữa mẹ và trẻ. Ảnh: Unsplash.

Việc cho trẻ bú mẹ cũng giúp các sản phụ co hồi tử cung tốt hơn, giảm chảy máu sau sanh, nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh. Phụ nữ cho con bú mẹ cũng giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng, giảm nguy cơ loãng xương.

Đồng thời, nuôi con bằng sữa mẹ còn góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa mẹ và con, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục trẻ về sau.

Những dưỡng chất nào có trong sữa mẹ?

Sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như protein, lipid, vitamin, glucid và muối khoáng. Các thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ có thể thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào độ tuổi và nhu cầu của bé.

Sữa mẹ có lượng protein (đạm) ít hơn sữa động vật nhưng có đủ các loại acid amin cần thiết với tỷ lệ cân đối và dễ hấp thu, rất phù hợp với chức năng đào thải khi thận của trẻ chưa trưởng thành.

Bên cạnh đó, protein trong sữa mẹ chủ yếu là protein dạng lỏng hòa tan, còn gọi là protein sữa, phù hợp với khả năng tiêu hóa và hấp thu của trẻ. Trái lại, protein trong sữa bò chủ yếu là casein (85%). Khi vào dạ dày bé, chất này tạo thành các cục đông vón gây khó tiêu, khó hấp thu dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

Trong sữa mẹ cũng có whey protein, chứa các protein kháng khuẩn, giúp trẻ có khả năng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

Lipid tồn tại trong sữa mẹ dưới cấu trúc acid béo chuỗi dài không no và dễ hấp thu. Sữa mẹ chứa nhiều acid béo cần thiết như acid linoleic, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển hệ thần kinh, mắt cũng như mạch máu ở trẻ nhỏ. Hàm lượng lipid trong sữa mẹ cao, cung cấp khoảng một nửa năng lượng cho bé bú mẹ.

Glucid trong sữa mẹ chủ yếu là đường lactose. Một số lactose trong sữa mẹ vào ruột chuyển thành acid lactic giúp cho sự hấp thu canxi và muối khoáng.

Sữa mẹ có nhiều vitamin. Lượng vitamin A trong sữa mẹ nhiều hơn sữa công thức. Do đó, trẻ bú sữa mẹ sẽ đề phòng được bệnh khô mắt.

Nếu người mẹ ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ, sữa mẹ có thể cung cấp đủ vitamin cho con trong 6 tháng đầu. Riêng vitamin D không thể hấp thu được qua đường dinh dưỡng do đây loại vitamin cơ thể tự tổng hợp khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Các loại muối khoáng như canxi, sắt và kẽm trong sữa mẹ tuy ít hơn trong sữa công thức nhưng có hoạt tính cao, dễ hấp thu, vẫn đáp ứng được nhu cầu của bé.

Do đó, trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, đặc biệt là hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sẽ ít bị còi xương và thiếu máu do thiếu sắt hơn các bé được nuôi bằng sữa bò.

Tuy nhiên, đối với một số trường hợp trẻ bị bị rối loạn chuyển hóa Galactose hoặc người mẹ bị lao không điều trị, việc nuôi con bằng sữa mẹ không được khuyến khích và cần phải tham khảo ý kiến của chuyên gia.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-duong-chat-co-trong-sua-me-post1432524.html