Nam giới Hàn bỏ tiền tỷ sắm hàng hiệu, chi tiêu gấp 4 lần phụ nữ

Với mức mua sắm lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm, nam giới Hàn Quốc đang trở thành nhóm khách hàng được quan tâm của nhiều hãng bán lẻ và các thương hiệu cao cấp.

Zing.vn trích dịch bài viết Male shoppers gripped by lure of luxury trên The Korean Herald về xu hướng nam giới Hàn Quốc mạnh tay chi hầu bao mua sắm hàng xa xỉ, trở thành nhóm khách hàng quyền lực đối với các chuỗi bán lẻ.

Ngày 16/10, Lotte Department Store tổ chức một bữa tiệc sang trọng cho 200 khách hàng VIP tại quận Gangnam, Seoul. Chỉ những khách hàng nam có mức mua sắm hàng năm trên 100 triệu won (tương đương hơn 2 tỷ đồng) mới được mời góp mặt.

Sự kiện hoành tráng với gian hàng của khoảng 10 thương hiệu xa xỉ bao gồm nhãn hàng đồng hồ cao cấp IWC, hãng thời trang thiết kế Thom Browne. Dàn người mẫu trình diễn các bộ sưu tập hàng đầu trong một mini show.

“Những nhãn hiệu xa xỉ cho nam giới đang phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, chúng tôi đã lên kế hoạch cho sự kiện đầu tiên trong ngành bán lẻ nội địa này với mục đích giới thiệu cho những người mua sắm nam những ý tưởng về lối sống thượng lưu”, Kim Hye-ra - giám đốc điều hành của Lotte - nói về động cơ phía sau bữa tiệc sang chảnh mang tên “Noble Homme Party”.

Lotte không phải nhà bán lẻ duy nhất đang chú tâm đến đối tượng khách hàng nam.

Sự kiện sang trọng dành riêng cho những khách hàng nam có mức mua sắm hàng năm trên 100 triệu won.

Sự kiện sang trọng dành riêng cho những khách hàng nam có mức mua sắm hàng năm trên 100 triệu won.

Tại Hàn Quốc, qua rồi cái thời nam giới chỉ là đối tượng không được mấy quan tâm của các hãng bán lẻ. Phái mạnh đang dần trở thành những người mua hàng quyền lực khi sẵn sàng chi hầu bao cho các sản phẩm trong gia đình đến những món đồ xa xỉ.

Các chuyên gia nhận định, nam giới thuộc thế hệ millennial (những người sinh năm 1981-1996) đang ngày càng nắm vị thế cao đối với ngành bán lẻ toàn cầu.

Vung tay mua hàng xa xỉ bất chấp kinh tế eo hẹp

Kim Hyung-shik (28 tuổi) đã mạnh tay mua một đôi giày sneaker Balenciaga có giá lên tới 1 triệu won (khoảng 20 triệu đồng) - chiếm 2/3 lương thực tập của anh.

Anh không hề hối hận vì đã mua món hàng đắt đỏ: “Tôi nghĩ đó là một khoản đầu tư tốt cho phong cách của mình. Đối với nam giới, mua một thương hiệu giày thể thao hàng đầu cũng giống như phụ nữ chi tiền cho một chiếc túi hàng hiệu".

Ngày nay, những người trẻ có suy nghĩ như Hyung-shik không hiếm tại xứ sở kim chi. Nguyên nhân của sự thay đổi được đưa ra là nam giới trẻ trong độ tuổi 20-30 thuộc thế hệ millennials ngày càng ý thức hơn trong việc xây dựng hình tượng cá nhân và sẵn sàng chi tiêu cho bản thân.

Nam giới Hàn Quốc sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để mua sắm, thể hiện phong cách bản thân.

Thực tế, bất chấp bối cảnh kinh tế suy thoái kéo theo mức chi tiêu chung của cả nước giảm, nhiều người trẻ Hàn Quốc quyết không từ bỏ đam mê hàng hiệu.

Cổng mua sắm tiền mặt Ebates Korea dự đoán giày dép xa xỉ là từ khóa số một đối với người tiêu dùng Hàn Quốc muốn mua hàng trực tiếp từ nước ngoài qua Internet giống như Hyung-shik.

Những đôi giày hàng hiệu của Balenciaga và Gucci là những sản phẩm được mua nhiều nhất trên trang thương mại Matchesfashion.com - một trong những nhà phân phối hàng xa xỉ lớn nhất thế giới.

Số lượng hàng hóa tại các chuỗi trung tâm thương mại được tiêu thụ bởi nam giới gia tăng ổn định từ 25% năm 2016 lên 31% vào năm 2018.

Các mặt hàng tiêu thụ cũng tăng về số lượng và đa dạng về loại hình. Năm 2017, có 3 nhóm mặt hàng phổ biến là đồ điện tử, thời trang nam và thiết bị hoạt động ngoài trời.

Theo thống kê từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, danh sách này mở rộng bao gồm đồ điện tử, làm đẹp và chăm sóc cá nhân, hàng nhập khẩu xa xỉ.

Đồng hồ đeo tay, giày thể thao là một trong những mặt hàng phổ biến cho khách hàng trẻ tuổi có phong cách sang trọng.

Nhiều nam giới độc thân, đã kết hôn nhưng chưa có con, hay những người cùng chia sẻ việc nhà với vợ đang phá bỏ những định kiến cũ về giới trong việc mua sắm, tiêu dùng.

Đàn ông cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc thể hiện phong cách cá nhân của họ và tích cực tham gia các quyết định mua sắm trong gia đình. Không chỉ các mặt hàng xa xỉ mà ngay cả nhóm hàng thời trang, đồ dùng gia đình, thậm chí hàng tạp hóa cũng có sự thay đổi trong phân phối tới đối tượng này.

Nam giới mạnh tay chi tiền gấp 4 lần phụ nữ

Tháng 3/2018, bách hóa Shinsegae tung ra loại thẻ tín dụng dành riêng cho nam giới có chức năng phân tích dữ liệu để hiểu thói quen mua hàng của người dùng.

Những số liệu thu thập được tiết lộ đàn ông ghé thăm các cửa hàng ít hơn nữ giới, nhưng một khi đã quyết định mua sắm họ thường chi tiêu gấp 4 lần so với khách hàng nữ.

Nhiều thương hiệu cao cấp chú trọng hơn đến nhóm khách hàng nam tại Hàn Quốc.

Năm 2018, Galleria Department Store cũng nhận thấy mức tăng trưởng 32% đối với các nhãn hàng xa xỉ cho nam và con số gia tăng vẫn chưa dừng lại.

“Hàng xa xỉ đang thúc đẩy doanh số của các cửa hàng bách hóa và dự kiến vẫn đang lớn mạnh trong thời điểm hiện tại”, bà Park Eun-gyeong - chuyên gia phân tích tại Samsung Securities - nói.

Các thương hiệu cao cấp như Louis Vuitton, Gucci, Fendi và Dior đều mở thêm các cửa hàng mới dành cho nam giới tại Hàn Quốc.

Hyundai cũng dành riêng một khu trưng bày riêng cho nam tại Seoul để giới thiệu các sản phẩm như thời trang, trang sức, đồ điện tử, xe và các cửa hàng mỹ phẩm cao cấp.

Trước thực tế đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các cửa hàng đang đua nhau điều chỉnh chiến lược, tăng cường cạnh tranh và mở rộng dòng sản phẩm xa xỉ dành cho nam giới và ngày càng đạt những con số tăng trưởng đầy hứa hẹn.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nam-gioi-han-bo-tien-ty-sam-hang-hieu-chi-tieu-gap-4-lan-phu-nu-post1013602.html