Nam giới mặc váy dài bó sát, xẻ tà, cổ vũ thí sinh trong kỳ thi 'sinh tử' ở Trung Quốc

Với hy vọng mang lại may mắn cho học sinh trong kỳ thi đại học năm nay, không chỉ các bà và các mẹ, nhiều ông bố, nam thanh niên cũng diện qipao - trang phục truyền thống, đại diện cho văn hóa Trung Quốc.

Trong thời gian diễn ra gaokao - từ lâu được đánh giá là kỳ thi đại học khốc liệt bậc nhất thế giới, các bà các mẹ thường diện những bộ xường xám xanh hoặc đỏ, ôm sát cơ thể và có đường xẻ bên hông, để cầu chúc may mắn cho con cháu.

 Nhiều người đàn ông Trung Quốc mặc xường xám với hy vọng đem lại may mắn cho học sinh trong kỳ thi gaokao. Ảnh: Douyin/Weibo

Nhiều người đàn ông Trung Quốc mặc xường xám với hy vọng đem lại may mắn cho học sinh trong kỳ thi gaokao. Ảnh: Douyin/Weibo

Đáng chú ý, hai ngày đầu kỳ thi gaokao năm nay, nhiều nam giới Trung Quốc cũng không ngần ngại mặc trang phục này ra đường. Trên mạng xã hội, các hình ảnh, video ông bố, thầy giáo, nam thanh niên xuất hiện với chiếc đầm dài truyền thống đã thu hút đông đảo lượt xem.

Mỗi quốc gia đều có những trang phục truyền thống khác nhau. Nếu như Việt Nam nổi tiếng với áo dài, Hàn Quốc có hanbok, Nhật Bản gắn liền với kimono thì Trung Quốc có qipao, hay còn gọi là xường xám hoặc sườn xám.

Những “mọt phim” Trung Quốc chắc chắn không còn xa lạ với trang phục truyền thống này, thường xuất hiện các bộ phim truyền hình nổi tiếng như Mùa quýt chín, Tân dòng sông ly biệt...

Ở Trung Quốc, xường xám là đại diện cho thành ngữ "qi kai de sheng", nghĩa là "thành công ngay từ lần thử đầu tiên". Trang phục này thường được mặc trong các buổi lễ hoặc sự kiện quan trọng với ý nghĩa mang lại may mắn.

"Chúng tôi hy vọng các con sẽ thực hiện được ước mơ của mình trong kỳ thi gaokao và giành được thắng lợi ngay lần thử đầu tiên", một ông bố mặc bộ xướng xám lụa in hoa ở Đạt Châu (tỉnh Tứ Xuyên) chia sẻ.

Tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc, một cậu bé cũng diện chiếc xường xám đỏ để cổ vũ chị gái thi đỗ.

"Đáng lẽ bộ đầm này dành cho chồng tôi, nhưng ông ấy hơi ngại. Để thằng bé mặc bộ váy thay mình, ông ấy đã đưa cho nó 10 NDT (35.000 đồng)", người mẹ cho biết.

Thầy hiệu trưởng trong chiếc váy đỏ truyền thống phát biểu trước học sinh. Ảnh: Douyin

Không những vậy, hiệu trưởng tại một trường học ở An Sơn, tỉnh Liêu Ninh cũng diện bộ xường xám trước tất cả học sinh cuối cấp hôm 5/6.

Trong chiếc váy màu đỏ tươi, vị này phát biểu: "Thầy chưa bao giờ mặc trang phục dành cho phụ nữ nhưng hôm nay thầy mặc chiếc váy này vì các em. Chúc các em chiến thắng trong kỳ thi tới".

Kỳ thi đại học gaokao 2022 ở Trung Quốc kéo dài từ ngày 7/6-10/6. Riêng TP.Thượng Hải sẽ tổ chức muộn hơn 1 tháng do đang thực hiện phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Năm nay, quốc gia tỷ dân chứng kiến kỷ lục 11,93 triệu sĩ tử đăng ký dự thi, tăng 1,15 triệu so với năm ngoái. Đây được xem là kỳ thi mang tính quyết định tới số phận học sinh. Bởi nếu đạt điểm số tốt, các em có thể thuận lợi nhập học vào các trường đại học danh giá, từ đó mở rộng cơ hội nghề nghiệp và bước chân vào tầng lớp thượng lưu.

Thí sinh tham gia gaokao phải hoàn thành đầy đủ 4 môn thi: Tiếng Anh, Toán, Tiếng Trung (Ngữ Văn), một môn tự nhiên tự chọn (Sinh học, Vật lý, Hóa học) hoặc một môn xã hội tự chọn (Lịch sử, Địa lý, Chính trị).

Hải An (SCMP)

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/nam-gioi-mac-vay-dai-bo-sat-xe-ta-co-vu-thi-sinh-trong-ky-thi-sinh-tu-o-trung-quoc-d4562.html