Năm học 2017 - 2018: Nhiều vấn đề 'nóng' chưa được giải quyết

Lấp lỗ hổng trong quy chế, phương pháp hạn chế tiêu cực trong thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thiếu trường lớp, thừa giáo viên,… tiếp tục vẫn đều nhận được nhiều ý kiến tại Hội nghị Tổng kết năm học 2017 - 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 do Bộ GDĐT tổ chức ngày 2.8.

Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 được tổ chức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành. Ảnh: H.H

Phần mềm thi còn kẽ hở dẫn đến bị lợi dụng

Theo Bộ GDĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2018 được tổ chức theo hướng ổn định về cơ bản phương án thi năm 2017. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như đề thi chưa thật sự phù hợp, có những câu hỏi có độ khó cao so với yêu cầu của thi THPT. Phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Ngoài ra, trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi, vai trò giám sát của Bộ GDĐT trong tất cả các khâu tổ chức thi tại địa phương cũng như trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thi chưa thật sự đầy đủ…

Từ đó, Bộ GDĐT cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện kỳ thi để thực hiện trong những năm tiếp theo. Cụ thể, sẽ rà soát, đánh giá nghiêm túc, xử lý kịp thời những tiêu cực và hạn chế bất cập xảy ra. Cùng với đó, tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn; hoàn thiện phần mềm chấm thi. Bộ GDĐT cũng sẽ cải tiến phương thức tổ chức chấm thi theo hướng chấm tập trung theo các cụm và tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò giám sát, thanh-kiểm tra của Bộ GDĐT và trách nhiệm đối với các Hội đồng thi.

Bộ GDĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong tình trạng thiếu trường lớp, đặc biệt là ở bậc học mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; có giáo viên, học sinh cư xử thiếu văn hóa; tình trạng thừa-thiếu giáo viên chưa được giải quyết triệt để, cá biệt có những địa phương tình trạng tuyển dụng, sử dụng giáo viên gây bức xúc trong xã hội. Vấn đề lạm thu đầu năm học còn diễn ra ở nhiều địa phương; đổi mới chương trình, sách giáo khoa chưa đạt tiến độ đề ra...

Đổi mới giáo dục phải có lộ trình

Góp ý về đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, GS-TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng đề thi cần đảm bảo sự phân hóa được học sinh. Tránh năm ra đề thi quá dễ, năm lại quá khó. Nếu đề thi đạt được sự phân hóa sẽ là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng có thể tuyển sinh. Về công tác coi thi, ông Đạt nhấn mạnh tới vai trò của các trường đại học và thẳng thắn bày tỏ không thể xếp thí sinh tự do, thí sinh đặc biệt ở những phòng thi riêng. Công tác chấm thi không nên giao toàn quyền về các địa phương mà cần tổ chức chấm chéo hoặc chấm theo cụm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đổi mới giáo dục phải có lộ trình, không thể ngày một ngày hai. Chỉ ra trách nhiệm của Bộ GDĐT, Phó Thủ tướng cho rằng những gì đã tốt cần phát huy, những gì thiếu sót cần cầu thị, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia. Trước hết cần đột phá đổi mới về quản lý trong giáo dục. “Dù còn nhiều hạn chế nhưng những kết quả đạt được là không thể phủ nhận, đó là công sức của toàn ngành, của hơn 1 triệu giáo viên. Cần tiếp tục kiên định giữ tinh thần đổi mới để chất lượng giáo dục ngày càng chuyển biến, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/nam-hoc-2017-2018-nhieu-van-de-nong-chua-duoc-giai-quyet-622814.ldo