Năm học 2022 - 2023: Chất lượng giáo dục và đào tạo Tiền Giang nhiều khởi sắc

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 đề ra.

Nhìn lại chặng đường khó khăn đã qua, trong năm học 2023 - 2024, cũng như thời gian tới, toàn ngành GD-ĐT tỉnh sẽ không ngừng ra sức phấn đấu, triển khai các giải pháp căn cơ và đồng bộ để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng GD-ĐT.

“QUẢ NGỌT”

Năm học 2022 - 2023 là năm học ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021 - 2026, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI. Với chủ đề năm học “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT”, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ sở vật chất trường, lớp trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Cơ sở vật chất trường, lớp và thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa; toàn tỉnh có 93,7% phòng học kiên cố. Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 520 cơ sở giáo dục. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng ở các cơ sở giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 346 cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 67,84%; trong đó, mầm non 116 trường (61,7%), tiểu học 135 trường (83,85%), THCS 73 trường (59,35%) và THPT 22 trường (57,89%).

Thời gian qua, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang thường xuyên đi cơ sở động viên, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục. (Ảnh chụp Trường THPT Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành).

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, bậc học đã từng bước được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu chuẩn hóa trình độ đào tạo. Toàn ngành hiện có 18.535 cán bộ, nhà giáo công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục, trong đó có 1.130 cán bộ quản lý, 15.282 giáo viên và 2.123 nhân viên; có 6 tiến sĩ, 449 thạc sĩ, 9.565 đạt trình độ đại học. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo bậc mầm non 86,9%, tiểu học 81,19%, THCS 78,48%, THPT 100%.

Chất lượng giáo dục các cấp học đã chuyển biến rõ nét, với bậc học mầm non đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tiếp tục được giữ vững; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao; tỷ lệ trẻ được nuôi dưỡng, ăn bán trú, chiếm tỷ lệ 85%, tăng 3% so với năm học trước; 100% trẻ được theo dõi sức khỏe định kỳ; phong trào thi đua “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” tiếp tục tạo nhiều lan tỏa tích cực…

Trong tuần qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã cho học sinh tựu trường năm học 2023 - 2024. Học sinh trở lại trường an toàn, vui tươi. Trong những buổi học đầu tiên, học sinh phổ thông được các thầy, cô phổ biến nội quy trường lớp, bầu ban cán sự lớp… Trẻ mầm non được làm quen với giáo viên mới, môi trường học mới. Chương trình học kỳ I dành cho các bậc học sẽ bắt đầu từ ngày 5-9 tới.

Ở bậc tiểu học, cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được cải thiện, xây dựng khang trang đáp ứng yêu cầu dạy và học. Các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đối với các khối lớp. Bậc trung học tiếp tục có nhiều đổi mới căn bản trong dạy và học. Việc đổi mới phương pháp dạy học đã được nhà trường, giáo viên quan tâm chú ý, đặc biệt đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Công tác phân luồng học sinh được triển khai thực hiện tốt.

Năm học 2022 - 2023 là năm học thứ 3, cùng với cả nước, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 với quyết tâm đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện cho thấy, việc thực hiện chương trình đã góp phần phát triển năng lực học sinh thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại.

Về công tác thi cử, trong tháng 6-2023, ngành GD-ĐT tỉnh đã tổ chức Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 an toàn, không để xảy ra các sai sót, đảm bảo khách quan và đúng quy chế. Theo đánh giá, điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm nay tại Tiền Giang khá cao. Môn Ngữ văn có 16.913 thí sinh đạt điểm trên trung bình, tỷ lệ 82,96%. Môn Tiếng Anh có 12.647 thí sinh đạt điểm trên trung bình, tỷ lệ 62,03%. Môn Toán có 15.734 thí sinh đạt điểm trên trung bình, tỷ lệ 77,1%.

Cũng trong tháng 6, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong kỳ thi năm nay, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Tiền Giang đạt 6,72 điểm, xếp thứ 13 toàn quốc (tăng 3 bậc so với năm 2022) và đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điểm trung bình 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh của học sinh Tiền Giang trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt 19,72 điểm, nằm trong tốp 10 cả nước, xếp thứ nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Tiền Giang đạt 99,68%, trong đó có 28 trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 100%.

Năm 2023, kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia của tỉnh xếp 4/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với 18 giải, chỉ sau TP. Cần Thơ (25 giải), tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang (mỗi tỉnh 19 giải).

10 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA NĂM HỌC MỚI

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT phấn khởi cho biết, có được những thành tựu trên là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cho sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh nhà.

Phát huy những kết quả đạt được, trong năm học 2023 - 2024, với chủ đề năm học “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT”, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, toàn ngành GD-ĐT tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các chỉ đạo trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý về giáo dục. Thứ hai, tăng cường công tác giáo dục thể chất y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. Thứ ba, tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên. Thứ tư, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Thứ năm, thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT. Thứ sáu, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thứ bảy, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Thứ tám, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT. Thứ chín, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành. Và cuối cùng là chủ động hội nhập quốc tế và đẩy mạnh truyền thông giáo dục.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202308/nam-hoc-2022-2023-chat-luong-giao-duc-va-dao-tao-tien-giang-nhieu-khoi-sac-988866/