Năm học mới 2019-2020: 'Đặc trị' lạm thu

Năm nào cũng vậy, câu chuyện lạm thu trong trường học là chủ đề 'nóng' khiến phụ huynh (PH) quan tâm. Trước thềm năm học mới 2019 - 2020, ngành GD&ĐT Hà Nội quyết tâm ngăn chặn lạm thu bằng cách tăng trách nhiệm, tăng chế tài xử lý nghiêm khi xảy ra sai phạm.

“Phát minh” nhiều khoản thu

Điểm lại những phản ánh lạm thu trước thềm năm học mới, có thể thấy, đây là “bài toán” mà ngành giáo dục đang tìm lời giải đáp. Hiện tại, phần lớn các trường trên địa bàn Hà Nội chưa thông báo các khoản tiền đóng góp đầu năm học. Tuy nhiên, PH đã biết đóng rất nhiều khoản theo quy định của ngành nhưng lo lắng nhất vẫn là khi trường học “núp bóng” Ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) “phát minh” nhiều khoản.

Năm 2018 đã xảy ra nhiều vụ PH trên địa bàn Thủ đô tố các trường thu nhiều khoản cải thiện cơ sở vật chất sai quy định. Sau quá trình tìm hiểu, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường thu không đúng như phản ánh và yêu cầu nhà trường trả lại những khoản thu sai cho PH, đồng thời xử lý nghiêm hiệu trưởng.

 Ngăn chặn lạm thu xảy ra trong năm học mới. Ảnh: Internet

Ngăn chặn lạm thu xảy ra trong năm học mới. Ảnh: Internet

Tình trạng lạm thu luôn là chủ đề “nóng” đầu năm học, phải chăng do cơ chế giám sát của các trường chưa chặt chẽ hay một số tổ chức trong trường học chưa đủ mạnh nên không thể lên tiếng khi hiệu trưởng lạm thu.

Chủ tịch Hội Khoa học, Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, lý do chính của việc xảy ra lạm thu là các trường là không thực hiện yêu cầu, chỉ thị của Bộ, Sở GD&ĐT, xã hội hóa giáo dục chưa đúng mức, thu những khoản không cần thiết…Theo TS Lâm, lạm thu xảy ra năm này qua năm khác do cơ chế giám sát của trường, của cộng đồng đang bị buông lỏng.

Vì vậy, phải nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng về các khoản thu. “Các khoản thu phải công khai và thông qua phụ huynh trước khi thu. Khi xảy ra lạm thu, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm đầu tiên, do đó, cần tăng cường công tác giám sát hơn nữa và xử lý thật nghiêm mới có thể dứt điểm được lạm thu trường học” - TS Lâm khẳng định.

Dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, thanh tra, kiểm tra, xử lý kỷ luật nghiêm khắc nhưng lạm thu vẫn không chấm dứt. Theo nhiều chuyên gia, Ban đại diện cha mẹ không nên quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục. Việc này sẽ tránh được tình trạng Ban đại diện cùng với nhà trường thu các khoản sai quy định và chi sai mục đích. Trước thềm năm học mới 2019 - 2020, ngành GD&ĐT Hà Nội thể hiện quyết tâm ngăn chặn lạm thu bằng việc tăng trách nhiệm, tăng chế tài để xử lý nghiêm sai phạm

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm cao nhất

Năm nay, để ngăn chặn tình trạng lạm thu, các Phòng GD&ĐT trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho các trường, ban hành văn bản, Nghị quyết, thành lập đoàn thanh kiểm tra công tác thu, chi… Về vấn đề này, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết: Trong những năm qua, 1 số trường tại quận Thanh Xuân thu chi chưa khoa học, tổ chức hành chính chưa tốt khiến PH mất nhiều thời gian. Năm học mới này, quận sẽ thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các trường thu đúng, đủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS và PH.

Trước thềm năm học mới, Phòng GD&ĐT Thanh Xuân đã tham mưu UBND quận chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc việc thu học phí năm 2019-2020 theo Nghị quyết số 06 của Hội đồng nhân dân. Đặc biệt, 100% giáo viên các trường trong quận ký cam kết với hiệu trưởng về việc thu các khoản và dạy thêm.

Đối với việc thực hiện thu quỹ cha mẹ HS, quận Thanh Xuân yêu cầu tất cả các trường trên địa bàn quận phải thực hiện đúng quy trình: Các khoản phải được thống nhất với Ban đại diện cha mẹ HS ở lớp, ở trường, giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng để xây dựng dự toán. “Ban đại diện cha mẹ HS lập dự toán thông báo công khai và được sự đồng ý của hiệu trưởng mới thu theo quy định. Vì vậy, hiệu trưởng các trường là người chịu trách nhiệm về quỹ cha mẹ HS và sẽ chịu trách nhiệm cao nhất nếu để xảy ra sai phạm” – ông Hữu khẳng định.

Để huyện Hoài Đức không còn xảy ra lạm thu, ngay từ đầu năm học 2019-2020, Trưởng Phòng GD&ĐT Vương Văn Lâm đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ, Sở GD&ĐT về ngăn chặn lạm thu gửi tới các trường. Theo đó, Phòng yêu cầu các trường thực hiện đúng theo các văn bản đã chỉ đạo và quán triệt lãnh đạo trường, các khoản thu đầu năm phải và được Phòng GD&ĐT đồng ý mới được thu. “Cuối tháng 9 này, Phòng sẽ thành lập đoàn thanh tra tới các trường để tìm hiểu về các khoản thu đầu năm và sẽ xử lý theo quy định của của ngành đề ra” – ông Lâm nói.

Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cũng có văn bản tham mưu UBND quận về công tác thu, chi đầu năm. Theo đó, Phòng sẽ thực hiện mọi công tác thu, chi dựa theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội và từ đó có căn cứ để chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường xảy ra sai phạm.

Còn huyện Ba Vì nghiêm cấm các trường học lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ HS để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55 của Bộ GD&ĐT. Phòng GD&ĐT huyện cũng yêu cầu không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho cha mẹ HS. Ban đại diện cha mẹ HS không được quyên góp của người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động cùa Ban.

Trong những năm qua, huyện Thanh Oai không xảy ra tình trạng lạm thu, tuy nhiên ngay từ đầu tháng 8, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng đã tham mưu Ủy ban nhân nhân huyện ban hành văn bản và chỉ đạo các trường với tiêu đề “ Tăng cường quản lí thu chi”. Theo đó, công văn yêu cầu rõ về các khoản nên khi nhận được phản ánh về hiện tượng lạm thu, Phòng sẽ trực tiếp đến trường đó kiểm tra. Tình trạng lạm thu đầu năm học đã khiến niềm tin của xã hội dành cho ngành chưa được trọn vẹn. Để hạn chế này được khắc phục cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều người.

Để không xảy ra lạm thu năm học 2019-2020, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã quán triệt và chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các cấp về công tác thu chi đầu năm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các thông tin phản ánh về việc thu, chi không đúng quy định tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp. Ngoài ra, các Phòng GD&ĐT tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng thu, chi trái quy định.

Trong năm học mới 2019-2020, hy vọng những câu chuyện buồn trong giáo dục không tiếp diễn và lãnh đạo ngành giáo dục có thể chấn chỉnh, xử lý nghiêm trước tồn tại mang tính “đặc thù” lâu năm này.

Tâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dac-tri-dut-diem-lam-thu-351810.html