Năm học mới, nhà trường phải biết 'chọn mặt gửi vàng'

Bộ GD&ĐT vừa có Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học đối với GD mầm non, GD phổ thông và GDTX; áp dụng từ năm học 2018 - 2019. Theo đó, các trường học trên toàn quốc tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8, chậm nhất ngày 25/8 và tổ chức khai giảng vào ngày 5/9.

Việc sắp xếp, bố trí giáo viên phù hợp với nhiệm vụ năm học mới hết sức quan trọng trong Khung kế hoạch của mỗi niên học

Công tác sắp xếp, lựa chọn, bổ nhiệm các chức danh trong nhà trường, phân công các giáo viên chủ nhiệm lớp cho năm học mới vốn đã quen thuộc, vì thực tế năm nào cũng vậy, cứ “đến hẹn lại lên”. Thế nhưng để làm cho tốt, chọn lựa bố trí giáo viên phù hợp, phát huy được hiệu quả, năng suất trong công việc… thì không phải đơn vị nào cũng chú trọng và đạt hiệu quả như ý.

Bổ nhiệm các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn

Theo quy định Điều lệ nhà trường phổ thông (năm 2011), các chức danh tổ phó, tổ trưởng do Hiệu trưởng bổ nhiệm và giao nhiệm vụ từ đầu năm học trên cơ sở giới thiệu và tín nhiệm của các thành viên tổ chuyên môn.

Nhiều hiệu trưởng đã thực hiện tốt quy trình này, lựa chọn, bổ nhiệm được những thầy cô giáo có năng lực chuyên môn giỏi, biết tập hợp và phát huy sức mạnh của các thành viên trong tổ, hoàn thành khá, tốt nhiệm vụ, kế hoạch của tổ, của nhà trường đề ra. Tuy nhiên, có một số hiệu trưởng lại bỏ qua công đoạn lấy giới thiệu và tín nhiệm của tổ chuyên môn mà quyết định bổ nhiệm theo cách của mình.

Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn trong mỗi nhà trường đòi hỏi phải hội đủ các yếu tố uy tín, năng lực…

Chính vì sự “tự quyết” đó nên không ít nơi xảy ra tình trạng bất mãn, thiếu nể phục của các thành viên tổ về người tổ trưởng, tổ phó, về ban giám hiệu. Tổ trưởng nói, chỉ đạo tổ viên không nghe, không làm, thậm chí phản ứng gay gắt. Có tổ viên đi nói xấu tổ trưởng đủ thứ chuyện. Một khi tổ trưởng, tổ phó chưa có được sự tín nhiệm, ủng hộ của các thành viên thì việc quản lý, chỉ đạo của tổ trưởng, tổ phó và hoạt động chuyên môn, giáo dục của cả tổ gặp trở ngại, khó khăn và kể cả thất bại. Có tổ trưởng ngậm ngùi đành xin “từ chức” vì sự thờ ơ, bất hợp tác của các tổ viên.

Ban Giám hiệu luôn biết chú trọng công tác tổ chức và thật sự công minh, sáng suốt trong phân công, lựa chọn; các thầy cô giáo là tổ trưởng, tổ phó, làm chủ nhiệm lớp lúc nào cũng tâm huyết, “máu lửa”, hết lòng vì việc chung, vì HS thân yêu - những cơ sở vững chắc dẫn đến thành công của từng lớp học, từng nhà trường. Tôi mong sao ngành GD của chúng ta trước thềm năm học mới 2018 - 2019 khởi đầu được như vậy.

Tổ trưởng chuyên môn nhận được sự tôn trọng, tín nhiệm cao của các thành viên trong tổ có ý nghĩa lớn tạo nên gắn kết, trách nhiệm và đồng thuận giữa tất cả thành viên, một yếu tố quan trọng để tổ đoàn kết, phối hợp tốt, cùng nhau hoàn thành các mục tiêu của tổ và trường. Nếu Ban Giám hiệu, hiệu trưởng nào cứ cực đoan, bảo thủ, bổ nhiệm những người “hợp gu” với mình mà xem thường ý kiến, tiếng nói của các thành viên tổ thì khó có được “bộ máy” tổ trưởng, tổ phó đủ mạnh để đưa những quyết định, chủ trương của cấp trên đến với giáo viên và HS.

Lựa chọn, phân công giáo viên chủ nhiệm

Hiện nay, có địa phương, có trường, thầy cô giáo rất thích làm công tác chủ nhiệm. Qua tìm hiểu kết hợp với kinh nghiệm nghề nghiệp, chúng tôi được biết, nơi đó HS và các bậc phụ huynh tôn trọng, ứng xử khá tốt với giáo viên chủ nhiệm. Được những nơi như thế không nhiều, phần đông thầy cô giáo bây giờ có tâm lý ngại, sợ làm công tác chủ nhiệm, vì tính chất công việc vất vả, tốn thời gian, hay “đụng chạm” với học sinh, phụ huynh và Ban giám hiệu nhà trường.

Cho nên, sắp đến ngày phân công, làm công tác tổ chức lớp học, giáo viên chủ nhiệm, nhiều giáo viên gọi điện thoại, đến phòng, nhà riêng của Ban Giám hiệu trình bày đủ lý do… nhằm thoái thác trách nhiệm chủ nhiệm. Ban Giám hiệu cũng rất mệt mỏi khi trả lời, phân tích, động viên… cho giáo viên ấy thông cảm, thấu hiểu.

Tất nhiên, nhà trường đã phân công thì giáo viên phải chấp hành, vì đây là nhiệm vụ của nhà giáo. Nhưng rõ ràng, các thầy cô giáo không xuất phát từ ý thức tự nguyện, tự giác mà nhà trường phải dùng đến biện pháp hành chính… thì ắt hẳn khi thực hiện khó thể nào toàn tâm, toàn ý, hết trách nhiệm với học sinh, phụ huynh.

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm là hết sức quan trọng trong GD phổ thông

Từ thực tế của trường mình, trong quá trình lựa chọn, phân công giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu chúng tôi bàn bạc, tính toán, cân nhắc đến nhiều lần mới hoàn tất.

Trong công tác thi đua, khen thưởng, chúng tôi chú ý ghi nhận và đánh giá cao những thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm và công tác phong trào, các đoàn thể. Nhưng để làm vừa lòng và thỏa mãn tất cả mong muốn, nguyện vọng của thầy cô giáo trong từng đơn vị trường là điều vô vùng khó khăn, nếu không có sự hài hòa và thấu hiểu.

Đỗ Tấn Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nam-hoc-moi-nha-truong-phai-biet-chon-mat-gui-vang-3944625-b.html