Năm Hợi trong tranh Đông Hồ

Có tuổi đời 400 năm lịch sử, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố và mai một dần, nay tranh Đông Hồ đang 'sống' lại trong lòng người dân Việt trước độ tết đến, xuân về…

Làng Đông Hồ, nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có nghề làm tranh truyền thống từ bao đời nay. Tranh Đông Hồ phản ánh các đề tài gần gũi như hơi thở của cuộc sống, là ước mơ, khát vọng và ấm no, hạnh phúc…

“Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”

Với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ được tạo nên bởi 4 màu cơ bản: đen, vàng, đỏ, xanh, nhưng khi qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những bức tranh trở nên hết sức sống động, độc đáo và vô cùng gần gũi như mang hơi thở cuộc sống thường ngày vậy.

Một bức tranh Đông Hồ thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn: vẽ mẫu, khắc ván, in tranh và một điều đặc biệt là tất cả các công đoạn đều phải được làm hoàn toàn thủ công. Bởi vậy mà qua mỗi bức tranh dù là công sức của tập thể, nhưng vẫn mang dấu ấn riêng của từng nghệ nhân khi khắc lên ván in (đây được xem là công đoạn quan trọng nhất- PV), từ đó tạo ra nét riêng, sự khác biệt trong mỗi bức tranh màu.

Mẫu vẽ xong được khắc lên ván in, mỗi ván chỉ in được một màu, bởi vậy số màu vẽ trong tranh sẽ tương ứng với số lượng ván cần để khắc. Sau khi hoàn tất việc khắc ván là công đoạn in tranh. Giấy dùng in tranh là loại giấy điệp, giấy dó (làm từ vỏ cây dó) với đặc tính xốp, mềm, mỏng, dai, dễ hút màu mà khi in không bị nhòe.

Màu in được chế tác từ những nguyên liệu vốn gần gũi với cuộc sống người dân. Vào mỗi độ mùa heo may tới, khi những con nước cạn dần và lộ rõ chân đê, người làng Hồ nhặt lá tre về ngâm rồi nghiền ra để chế màu đen, còn màu vàng thì được chế từ những quả dành dành chín mọng, đặc biệt có thứ màu gọi là màu điệp thì được chế tác ra từ vỏ sò, vỏ trai nung; màu đỏ làm từ sỏi son, màu xanh được làm từ lá khoai, lá chàm…

Tranh Đông Hồ là sản phẩm của cuộc sống, bình dị là thế, nên mỗi cảnh trong tranh đều phản ánh một câu chuyện đời thường, đồng thời cũng chứa đựng những thâm ý sâu xa mà nghệ nhân muốn truyền đạt qua mỗi bức tranh như: hứng dừa, đánh ghen, đám cưới chuột hay tranh tứ quý, tranh tố nữ, tranh lợn, tranh gà...

Xưa kia, tranh Đông Hồ còn được gọi là tranh Tết, vì cứ khoảng cuối tháng bảy đầu tháng tám hàng năm, cả làng Đông Hồ đã tất bật chuẩn bị cho mùa tranh Tết. Người dân mua tranh trong mỗi dịp Tết không chỉ để treo tường trang trí cho ngày xuân thêm sắc màu, mà còn thể hiện mong muốn của bản thân và gia đình trong suốt một năm…

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả đang hướng dẫn du khách quy trình làm nên một bức tranh Đông Hồ.

Câu chuyện đàn lợn âm dương trong tranh Đông Hồ

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả (con trai thứ nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, lúc còn sống là một người dành cả cuộc đời cho tranh Đông Hồ và có nhiều cống hiến cho nền văn hóa dân gian của Việt Nam- PV) cho biết: Những ngày cận Tết Nguyên đán và vài tháng sau Tết, nhiều người đã đến gia đình mua tranh. Những bức tranh truyền thống như “Đàn gà”, “Lợn đàn”, “Đám cưới chuột”, “Vinh hoa - Phú quý”… được nhiều người chọn mua. Năm nay là năm Kỷ Hợi, nên nhiều người tìm đến mua tranh liên quan đến lợn như: Lợn ăn lá ráy; đàn lợn, lợn…

Hình tượng lợn béo tròn đứng dáng trông nghiêng để nhìn thấy toàn thân chú lợn béo tốt: Mặt lợn to, tai lớn, mắt có vành mi; mõm lợn nghiêng, nhưng mũi lại gần như quay ra hướng chính diện, tạo dáng ngồ ngộ và động. Ngấn mõm đều có 3 ngấn và không quên hai ngấn mép của con lợn như đang ăn ngấu nghiến thức ăn. Bàn chân lợn có 3 móng vững chắc.

Cụm lông cuối đuôi đều được cách điệu như một chiếc quạt hình lá đề và đều quay ra phía trước. Trên thân mình lợn đều có hai xoáy âm – dương. Hai xoáy âm – dương này nằm phía trên ngang mình lợn, vị trí (gần vai và mông) giúp hài hòa, cân bằng của đường nét. Lại mang ý nghĩa của thuyết âm dương hòa hợp phát triển.

5 chú lợn con còn thể hiện yếu tố ngũ hành. 5 chú mỗi chú một dáng vẻ: Chú thì muốn trèo lên lưng, chú lại muốn rúc vào bụng mẹ. Các chú khác đang hướng vào mầm lá khoai để ăn tạo cho bức tranh sự chuyển động vô cùng sinh động. Bức tranh là những chú lợn béo khỏe, vững chắc thể hiện ước muốn tăng gia sản xuất, mong về một cuộc sống no đủ, sung túc. Ngoài ý nghĩa tình mẫu tử, tình cảm mẹ con, ở bức tranh còn mang ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn (quy luật sinh tồn của tín ngưỡng phồn thực) và sự hòa hợp âm dương để cùng phát triển.

“Trong vài năm gần đây, số lượng khách đến tham quan và mua tranh nhiều lên. Điều này cho tôi cảm nhận rằng trong xã hội hiện đại, phải đối mặt với nhiều bộn bề, áp lực của cuộc sống. Nhiều người lại thấy thích vẻ đẹp mộc mạc giản dị của tranh Đông Hồ nên chọn để chơi, nhất là vào dịp Tết. Niềm vui của những nghệ nhân tranh Đông Hồ chúng tôi là vậy, khi sản phẩm kèm theo tâm huyết của bản thân mình được người dân đón nhận và hơn tất cả là một nền văn hóa dân gian tưởng chừng như đang “lụi dần”, sau những thăng trầm, nay có cơ hội được dần hồi sinh trong lòng người dân Việt Nam…” - Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh (con dâu cả của Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam) bộc bạch.

Hoàng Giáp

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nam-hoi-trong-tranh-dong-ho-135444.html