'Nam Kỳ và cư dân': Miền Nam thế kỷ 19 qua lăng kính bác sỹ người Pháp

Bộ sách được đánh giá là nguồn tài liệu quý về Nam Kỳ, bổ sung cho các tác phẩm về vùng đất và con người Việt Nam thời xưa qua con mắt người Pháp.

Hai cuốn sách ghép lại tạo thành bản đồ hoàn chỉnh vùng đất miền Nam thế kỷ 19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hai cuốn sách ghép lại tạo thành bản đồ hoàn chỉnh vùng đất miền Nam thế kỷ 19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong 8 năm sống ở Nam Kỳ, bác sỹ người Pháp Baurac đã dành thời gian quan sát, ghi chép và cho ra mắt bộ sách “Nam Kỳ và cư dân” nói về sự lịch sử hình thành, vị trí địa lý, dân cư, thương mại, kỹ nghệ... của vùng đất này.

Nhà xuất bản Tổng hợp và Công ty Omega Plus vừa ấn hành bộ sách với phần chuyển ngữ của dịch giả Huỳnh Ngọc Linh.

Vốn là bác sỹ dịch tễ, Baurac ghi chép khá kỹ về tình hình dịch bệnh phổ biến như sốt rét, đậu mùa, dịch tả, vaccine và việc tiêm chủng…, giúp bạn đọc có được cái nhìn về y tế thời kỳ đó. Điều này tình cờ phù hợp với sự quan tâm của đa số độc giả ở thời điểm hiện tại.

Bộ sách gồm hai cuốn: “Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Tây”“Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông.”

Mỗi cuốn giới thiệu về ranh giới tự nhiên, địa hình tự nhiên, điều kiện tự nhiên, hệ động vật và thực vật, các vị thuốc Nam, phong tục tập quán, thế giới tâm linh, các điển tích cho biết nguồn gốc của một số địa danh và nhân vật nổi tiếng.

Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn cho rằng đây là “tập đại thành” đầu tiên về Nam Kỳ thế kỷ 19, với 3 điểm đặc biệt. Thứ nhất, tác phẩm của bác sỹ Baurac không phải là cuốn sách về chiến tranh mà là một công trình nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng về một vùng đất rộng lớn.

“Mỗi một nơi đều được tác giả mô tả tỉ mỉ về nhiều mặt, chủ yếu về mặt địa chí, về đường giao thông, các phương tiện công cộng. Bên cạnh đó là những sự xen lẫn các yếu tố lịch sử rất quan trọng vượt ra ngoài tầm hiểu biết của chúng ta trong thời gian trước đó,” nhà nghiên cứu Lê Nguyễn nhận xét.

Điểm đáng chú ý thứ hai chính là hai cuốn sách có giá trị hình ảnh rất lớn so với những cuốn sách xuất bản vào những thập niên cuối thế kỷ 19. Những hình ảnh trong bộ sách là những hình ảnh được chụp và in trực tiếp trên giấy. Đó là những tác phẩm nhiếp ảnh nói lên được những sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng và mang giá trị tư liệu rất lớn trong quá trình bác sỹ Baurac khám phá hết các tỉnh Nam Kỳ và vẫn còn giá trị cho đến tận ngày hôm nay.

Thứ ba, bộ sách nêu rõ ưu điểm cũng như những điểm bất lợi của từng địa phương đối với khả năng phát triển lâu dài, đến nay vẫn còn giá trị tham khảo và giá trị gợi mở về các vấn đề mà giới nghiên cứu cần bàn thảo sâu hơn./.

Những hình ảnh tư liệu quý giá về miền Nam trong sách:

Ngôi nhà cạnh bờ sông lúc thủy triều xuống. Nhờ thời gian sống và làm việc lâu năm, phải thực địa sâu sát đến từng địa phương, bác sỹ Baurac thấu hiểu xứ sở thông qua hành trình tác nghiệp dọc theo hệ thống sông ngòi, từ đó tiếp cận được dữ liệu về dân cư, địa chí, các đặc điểm địa lý và tự nhiên, lịch sử...

Tiêm phòng ở Chợ Lớn, thập niên 1890.

Một buổi tiêm chủng ở miền Nam năm 1890.

Một xà lúp (phiên âm từ tiếng Pháp 'chaloupe'), hay còn gọi là xuồng máy, được dùng làm nơi tiêm phòng ở miền Đông.

Trại cách ly Gành Rái, nơi chính quyền thuộc địa thực hiện cách ly những hành khách bị lây nhiễm trên những tàu bè đi vào vùng sông nước Nam Kỳ.

Một cảnh sinh hoạt của người miền Nam do bác sỹ Baurac ghi nhận.

Một ngôi làng ở Gò Vấp vào cuối thế kỷ 19.

Bờ sông Sài Gòn vào thế kỷ 19, góc trái là cột cờ Thủ Ngữ.

Không gian vườn tược yên bình của quán cà phê Lyonnais, Sài Gòn năm 1864. Ảnh được in trên giấy bạch đàn.

Gia thất của nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837-1898) ở Chợ Lớn, do nhiếp ảnh gia Émile Gsell (1838-1879) chụp vào khoảng năm 1870.

Phức hợp ngôi nhà gỗ dùng làm Dinh Thống soái Nam kỳ đầu tiên

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nam-ky-va-cu-dan-mien-nam-the-ky-19-qua-lang-kinh-bac-sy-nguoi-phap/778576.vnp