Năm lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Ai Cập

Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Mahmoud Hassan Nayel khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tới Ai Cập sắp tới mang ý nghĩa lịch sử bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đến Ai Cập kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nhận định về triển vọng mối quan hệ Việt Nam - Ai Cập trong 55 năm qua, Đại sứ Mahmoud Hassan Nayel cho biết, mối quan hệ đang phát triển hết sức tốt đẹp. Dù khoảng cách xa xôi về địa lý nhưng hai nước có rất nhiều điểm tương đồng về lịch sử. Hai nước cũng chia sẻ những quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế, cùng đạt được những lợi ích chung.

Theo Đại sứ, Ai Cập là một trong những nước Ả-rập đầu tiên có quan hệ với Việt Nam. Ngày 1/9/1963, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cùng năm đó, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Cairo. Năm 1964, Ai Cập đã mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Ai Cập là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ vào tháng 11/2013.

Mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước đã có những bước phát triển mới khi tháng 9/2017, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chuyến thăm đã tạo tiền đề quan trọng cho thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai Cập Abdel – Fatah El – Sisi trong chuyến thăm cấp Nhà nước. tới Việt Nam năm 2017. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chuyến thăm tạo động lực mới

Đánh giá về ý nghĩa của chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Ai Cập sắp tới, Đại sứ Hassan Nayel nhấn mạnh, chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đến Ai Cập kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, tiếp nối chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi vào tháng 9/2017.

Chuyến thăm càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi hai nước cùng kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1/9/1963 – 1/9/2018). “Với chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, có thể nói Việt Nam và Ai Cập đang ở năm lịch sử của quan hệ hai nước”, Đại sứ khẳng định.

Đại sứ Hassan Nayel tin tưởng, với những điểm tương đồng giữa hai bên, những cam kết của lãnh đạo hai nước, chuyến thăm chắc chắn sẽ thu được nhiều “trái ngọt” trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Ai Cập.

Hướng đến 1 tỷ USD

Về trao đổi thương mại, Ai Cập hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi. Ai Cập nhập khẩu từ Việt Nam nhiều sản phẩm như gạo, cá basa, hạt tiêu, cà phê, hàng dệt may, phụ tùng ô tô, vải sợi, hàng tiêu dùng… Trao đổi thương mại giữa hai bên trong ba năm qua đã tăng trưởng gần 40%, kim ngạch thương mại hai chiều bình quân hằng năm đạt 370 triệu USD.

Ai Cập là cửa ngõ vào thị trường châu Phi, Trung Đông trong khi Việt Nam là cửa ngõ để các doanh nghiệp Ai Cập mở rộng kinh doanh, đầu tư vào ASEAN và các liên kết kinh tế khác của ASEAN với các đối tác.

Với những thế mạnh về vị trí địa lý, quy mô thị trường của Việt Nam và Ai Cập, Đại sứ Hassan Nayel thẳng thắn cho rằng, mối quan hệ hợp tác kinh tế chưa thực sự bứt phá và còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước. “Tại sao với dân số hai nước gần 200 triệu người, một năm kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt hơn 300 triệu USD, như vậy trung bình mỗi người dân chỉ trao đổi chưa đến 1 USD/ngày? Theo tôi đây là con số quá nhỏ và cần phải thúc đẩy hơn nữa”, Đại sứ nhấn mạnh.

Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Mahmoud Hassan Nayel.

Theo Đại sứ Mahmoud Hassan Nayel, mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên hơn 1 tỷ USD trong thời gian tới là hoàn toàn khả thi, phụ thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo hai nước, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp. “Mục tiêu 1 tỷ USD là mục tiêu không hề tham vọng và rất khả thi nếu chúng ta đừng chỉ khoanh tay đứng nhìn mà hãy tiến tới và hành động. Cam kết từ phía các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã có, giờ là lúc cộng đồng doanh nghiệp hai nước phải hành động”, ông Mahmoud Hassan Nayel khẳng định.

Đại sứ Mahmoud Hassan Nayel cho rằng, chuyến thăm tới Ai Cập lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ tạo xung lực mới, góp phần gia tăng trao đổi thương mại hợp tác kinh tế giữa hai bên. Chuyến thăm không chỉ tái khẳng định cam kết của lãnh đạo hai nước trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam – Ai Cập mà còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp, mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác mới cho doanh nghiệp hai nước.

“Với số lượng không nhỏ những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến thăm lần này, tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thỏa thuận, ký kết giữa hai bên trong các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, dầu khí… góp phần tạo ra khuôn khổ giúp hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại”, Đại sứ Hassan Nayel chia sẻ.

Đại sứ Ai Cập nhận định, môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Đại sứ Mahmoud Hassan Nayel thông tin, giống như Việt Nam, Ai Cập đang đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào việc rút ngắn quy trình cấp phép và đẩy mạnh Chính phủ điện tử nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thiết lập, Ai Cập hiện cũng đang có nhu cầu lớn về phát triển hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng nhằm thúc đẩy giao thương và xuất khẩu hàng hóa.

Tiềm năng hợp tác du lịch

Đại sứ Mahmoud Hassan Nayel đánh giá, triển vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực du lịch đang rộng mở khi cả hai nước đều là điểm đến du lịch hấp dẫn, được khách du lịch quốc tế yêu thích. Nếu như Ai Cập là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới thì Việt Nam cũng là một trong 18 quốc gia có thế mạnh về du lịch của thế giới.

Đại sứ Mahmoud Hassan Nayel kỳ vọng, thời gian tới sẽ có đường bay thẳng giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến thủ đô Cairo, giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa hai nước, tạo tiền đề thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cho hợp tác du lịch hai bên. Thay vì phải mất 12 hay 15 tiếng đồng hồ để trung chuyển qua một quốc gia khác, nếu có đường bay thẳng, thời gian từ Việt Nam đến Ai Cập sẽ chỉ còn 9 tiếng.

“Chắc chắn lượng khách du lịch từ Ai Cập đến Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể và sẽ có thêm nhiều người Việt Nam có cơ hội đến với vùng đất của những kim tự tháp. Giống như Việt Nam, Ai Cập là một điểm du lịch giá rẻ. Nếu giá vé máy bay có thể cao hơn một chút, tôi nghĩ rằng bạn vẫn có thể hiện thực hóa chuyến đi của mình vì chi phí sinh hoạt của Ai Cập không hề đắt đỏ”, Đại sứ Hassan Nayel bật mí.

Đại sứ Mahmoud Hassan Nayel nhận xét, Việt Nam có rất nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch, song Việt Nam cần triển khai nhiều hoạt động marketing hơn để quảng bá hình ảnh đất nước và thu hút lượng khách du lịch từ nhiều nơi trên thế giới.

Hải Anh

(ghi)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/nam-lich-su-trong-quan-he-viet-nam-ai-cap-76617.html