Nấm linh chi và các chế phẩm từ linh chi

Linh chi còn có tên là nấm lim, nấm thần tiên, nấm trường thọ, tên khoa học là Ganoderma lucidus (Leyss. ex Fr.) Karst., họ nấm lim (Ganodermataceae).

Linh chi thường được dùng dưới dạng nguyên tai nấm khô xắt nhỏ, pha nước uống như trà. Hiện nay trên thị trường có nhiều chế phẩm từ linh chi như trà túi lọc, viên nang, hoặc các sản phẩm linh chi kết hợp với nhân sâm, linh chi với mật ong...

Khả năng kháng ung thư

Theo tài liệu “Cây thuốc và động vật dùng làm thuốc” của Viện Dược liệu, bộ phận dùng của nấm linh chi gồm có 2 phần: mũ nấm và cuống. Mũ nấm hình bán nguyệt hay hình thận, rộng 2-25cm, dài 3-30cm, dày 0,5-2cm, mặt trên bóng, màu nâu, có vân đồng tâm, lượn sóng và vân tán xạ, mặt dưới nâu nhạt mang các ống rất nhỏ chứa bào tử. Cuống dài ở bên cạnh hình trụ tròn, nâu bóng, kích thước 1-1,5cm x 15-20cm.

Nấm linh chi được dùng trong kinh nghiệm dân gian để điều trị suy nhược thần kinh, chóng mặt, mất ngủ, viêm khí quản mạn tính, bệnh bụi silic phổi, lao, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, bệnh động mạch vành tim; viêm gan, đau dạ dày, chán ăn; thấp khớp, thống phong.

Liều dùng mỗi ngày 3-10g dạng thuốc sắc, hoặc 2-5g tán bột uống. Có rất nhiều các công trình nghiên cứu được công bố liên quan đến các hợp chất hóa học có trong linh chi và người ta đã phát hiện có đến gần 400 chất có hoạt tính sinh học, như các hợp chất triterpenoids, polysaccharides, nucleotides, sterols, steroids, acid béo, proteins; các nguyên tố vi lượng.

Một trong những tác dụng nổi bật của linh chi thường được nhắc tới là khả năng kháng ung thư. Về đặc tính này, đã có nhiều nghiên cứu khoa học được công bố. Một hoạt chất có tên Ganopoly, là một loại polysaccharide được chiết từ linh chi, đã được chứng minh làm tăng cường hệ miễn dịch những bệnh nhân ung thư trong giai đoạn tiến triển. Bên cạnh đó, một hợp chất khác là triterpenoids được phân lập từ linh chi có tên Lanostanes được biết đến do đặc tính chống ung thư, bao gồm cả việc chống lại sự tăng sinh của các tế bào ung thư, ngăn ngừa di căn.

Trị liệu nhiều chứng bệnh
Trong cuộc sống hiện nay, con người tại những thành phố lớn luôn phải đối mặt với nhiều căng thẳng: stress do công việc, môi trường ô nhiễm, độc tố của thực phẩm... làm cho việc tích lũy các sản phẩm không mong đợi của quá trình biến dưỡng ngày càng cao, đáng kể là các chất oxy hóa.

Trong cơ thể, việc chứa quá nhiều các chất oxy hóa sẽ làm các tế bào trở nên suy yếu, dẫn đến sự lão hóa, xơ vữa động mạch và cả ung thư. Đó là lý do vì sao việc chống lại sự oxy hóa cho cơ thể con người là cực kỳ quan trọng. Kết quả nghiên cứu gần đây đã chứng minh hoạt động chống oxy hóa của các peptides được phân lập từ nấm linh chi, có khả năng chống oxy hóa cực mạnh không để lại tác dụng phụ nào.

Từ hơn 4.000 năm trước, nấm linh chi đã được sử dụng trong y học dân gian của Trung Quốc và Nhật Bản để điều trị các bệnh về gan. Ngày nay các nhà khoa học đã xác định được hợp chất proteoglycan có trong nấm linh chi, có tác dụng bảo vệ tế bào gan, làm lành các tế bào gan bị tổn thương, tác dụng này liên quan đến khả năng nhặt gốc tự do của các phân tử proteoglycan.

Nấm linh chi còn có tác dụng cải thiện tốt cho những đối tượng suy nhược thần kinh. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu cho thấy nấm linh có tác dụng trị đái tháo đường nhẹ và có khả năng cải thiện các rối loạn mỡ máu của bệnh tiểu đường.

Phân biệt sản phẩm trên thị trường
Trên thị trường có 6 loại nấm linh chi thường gặp, 6 loại này có màu sắc khác nhau: màu đỏ (xích chi, vị đắng); màu xanh (thanh chi, có vị hơi chua); màu vàng (hoàng chi, vị ngọt); màu trắng (bạch chi, vị hơi nóng và hăng); màu đen (hắc chi, có vị hơi mặn); màu tím (tử chi, vị hơi ngọt). Trong đó, xích chi cũng được gọi là xích linh chi hay linh chi đỏ là có vị đắng nhất và là loại có nhiều hoạt tính sinh học nhất.

Hiện nay có rất nhiều loại nấm linh chi có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, được bày bán với nhiều chủng loại, nguồn gốc khác nhau. Vì vậy, giá thành cho mỗi kg cũng rất khác nhau, thậm chí, cùng chủng loại nấm linh chi nhưng lại có giá chênh lệch từ 600.000 đến 5 triệu đồng, thậm chí hơn 10 triệu đồng/kg.

Điều đó cho thấy việc chọn mua 1 loại nấm linh chi chất lượng cao cũng làm đau đầu người tiêu dùng. Loại nấm chất lượng phải chứa đầy đủ các thành phần quan trọng có hoạt tính, phải được trồng bằng nguyên liệu tốt, điều kiện nuôi trồng và bảo quản tốt, đạt tiêu chuẩn quy định, thu hoạch đúng thời điểm, đủ lớn. Thu hoạch nấm non chưa đến tuổi làm chất lượng dược tính giảm đáng kể.

Để hạn chế mua nấm bị hút hết dưỡng chất hoặc nấm non chưa đến tuổi, nên chọn loại còn bào tử trên tai nấm, ngoài ra nên chọn mua nấm ở những cơ sở có nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn rõ ràng.

Nấm dùng sắc nước uống như trà, có thể ngâm rượu, nấu thành món ăn, bài thuốc, có thể dùng kết hợp với mật ong nguyên chất uống thay nước hàng ngày để giải độc sẽ làm tăng công dụng của nấm linh chi. Để hỗ trợ điều trị các bệnh về gan, mật, có thể phối hợp thêm với nhân trần và atiso. Để bồi bổ cơ thể và hỗ trợ điều trị ung thư, phối hợp với nhân sâm, đông trùng hạ thảo.

Ngày nay, ngoài việc dùng nấm sắc uống, các chế phẩm từ linh chi ngày càng phong phú và đa dạng, như trà linh chi, được chiết xuất dạng cao, hòa cao linh chi vào dung môi phù hợp sau đó sấy khô tạo dạng cốm. Đây là loại trà hòa tan, khi uống hòa vào nước nóng. Ngoài ra trên thị trường còn bày bán dạng trà túi lọc; viên nang linh chi (nấm linh chi được xay thành bột, đóng thành nang).

Đặng Đức Thành

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/nam-linh-chi-va-cac-che-pham-tu-linh-chi-59310.html