Năm Mão nói chuyện mèo

Trong 12 con giáp, nếu tính theo 12 địa chi thì mèo là 'nhân vật' thứ 4. Đây cũng là loài vật dễ gần gũi với con người, nhất là với trẻ em

Hình tượng con mèo trong tâm thức dân gian

Chắc chắn, đa phần những đứa trẻ ở thập niên 70 của thế kỷ trước như chúng tôi đến nay vẫn thuộc bài thơ “Con mèo mà trèo cây cau” được học từ ngày đầu chập chững vào lớp 1. Bài thơ với những từ ngữ mộc mạc, hóm hỉnh: Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đằng xa /Mua mắm, mua muối giỗ cha chú mèo.

Ông Tạ Văn Tăng - Thủ từ đình Đại Phùng giới thiệu về bức chạm “Mèo ngoạm cá”

Có nhiều cách hiểu khác nhau trong bài thơ này, song với lời lẽ dung dị, dễ hiểu, mỗi đứa trẻ chúng tôi ngày ấy được các thày cô căn dặn bài học về sự chan hòa, đầy tính nhân văn thông qua cách đối đãi giữa chuột và mèo.

Sau này, hình ảnh con mèo trong bức tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột” cũng để lại nhiều tranh cãi. Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, đó là một đám cưới được diễn ra tưng bừng. Cảnh trên là bốn con chuột đang “điếu đóm” con mèo những sản vật như chim, cá. Cảnh dưới là cô dâu ngồi kiệu, chú rể cưỡi ngựa cờ quạt tưng bừng. Trong bức tranh nổi bật hình ảnh con mèo oai vệ đang đưa tay ra nhận lễ vật. Một câu chuyện về sự no đủ, đầm ấm, hạnh phúc.

Cố giáo sư Ngô Đức Thịnh - Viện Nghiên Cứu văn hóa - đã từng chia sẻ: Có nhiều hàm nghĩa trong bức tranh, tuy nhiên, tư duy rộng hơn có lẽ chính là bản tính dĩ hòa vi quý của người Việt.

Không chỉ hiện diện trong thơ ca, hình ảnh con mèo còn xuất hiện trên những bức chạm khắc ở chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục (Quảng Ninh), bức chạm “Mèo ngoạm cá” ở đình Đại Phùng (Đan Phượng, Hà Nội)… Ở đình Đại Phùng, con mèo được chạm nổi trên một đấu kê, lưng cong vồng lên đỡ hoành mái, tư thế nửa như chuẩn bị ngồi xuống, nửa như đang đứng dậy bước đi. Đầu mèo khá lớn, hơi có hình tam giác đầy tính dân gian.

Bức chạm “Mèo ngoạm cá” ở đình Đại Phùng (Đan Phượng, Hà Nội)

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận xét, chỉ riêng hình tượng “Mèo ngoạm cá” đã làm nên một bức chạm hoàn hảo. Bức chạm độc đáo này hình như chưa thấy trong điêu khắc kiến trúc dân gian. Xét toàn cảnh các bức chạm trong đình Đại Phùng gồm ba tầng liên kết chặt chẽ với nhau, phản ánh sự no đủ của làng quê: Con vật, con người đều có cái ăn, cái mặc và vui đùa. Cõi trần và cõi tiên đều thịnh trị.

Ông Tạ Văn Tăng - Thủ từ đình Đại Phùng - cho biết: “Những bức chạm này không chỉ là tài sản quý báu của làng Phùng mà từ khi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích đặc biệt cấp Quốc gia đã trở thành tài sản quý của quốc gia. Các cụ cao niên am hiểu chữ nho trong làng đang dần hoàn thiện thông tin về ngôi đình, cũng như ý nghĩa các bức chạm để giới thiệu rộng ra công chúng”.

Vừa là thú vui vừa mang lại giá trị kinh tế

Quan niệm xưa, trong 12 con giáp của Việt Nam, có 7 con vật được thuần dưỡng từ lâu đời và trở thành vật nuôi trong nhà, đó là: Trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn. Riêng mèo không được coi là vật nuôi mang lại lợi ích kinh tế.Tuy nhiên, quan niệm này đã “lỗi thời”. Từ cuối thập niên 90, khi phong trào nuôi chó Nhật tan rã cũng là thời điểm nuôi mèo cảnh lên ngôi. Nhiều gia đình “hái” ra tiền nhờ thú nuôi mèo.

Mèo trong tranh dân gian Đông Hồ

Điển hình ở đất Hà Thành phải kể đến ông Nguyễn Bảo Sinh, người được xem là "vua mèo" đất Hà thành. Nhờ nuôi chó, mèo ông Sinh có tiền để xây dựng khu resort 5 sao dành cho chó mèo tại 167 Trương Định, Hà Nội.

Còn chị Nguyễn Thị Khuê ở TP. Nam Định cho biết: Ban đầu nhà chị nuôi một cặp mèo Anh, trung bình 1 năm mèo đẻ 2 - 3 lứa, mỗi lứa từ 3 - 5 con, giá bán 1 - 4 triệu đồng/con. Sau khi có thêm kinh nghiệm, chị nuôi thêm 1 mèo đực và 3 mèo cái giống mèo Ba Tư, giá bán ra 2 - 6 triệu đồng/con. Xoay vòng một năm, trừ mọi chi phí, gia đình chị cũng thu về gần trăm triệu đồng.

Theo đánh giá của giới chơi mèo, xu thế chơi mèo cảnh vẫn phát triển trong thời gian tới, vì mèo được xếp là một trong những thú cưng ngoan ngoãn, linh hoạt và trí tuệ. Nhiều người còn dành thời gian chăm sóc mèo như một thành viên trong gia đình, thậm chí gần đây, cặp từ quen thuộc “con sen” và “boss” được giới trẻ sử dụng rất nhiều.

“Con sen” ở đây không phải để gọi những người làm nghề giúp việc mà “ám chỉ” những người nuôi động vật, thú cưng và họ luôn dành cho vật nuôi những tình cảm thân mật nhất, sẵn sàng cung phụng thú cưng như "boss".

Đáng chú ý, vào những ngày cuối năm 2022, tại Hà Nội, lần đầu tiên diễn ra cuộc thi về sắc đẹp của mèo với tên gọi Vietnam Cat Championship 2022, do Hội bảo vệ động vật Việt Nam tổ chức. Cuộc thi đã thu hút hơn 100 "thí sinh” mèo trên nhiều vùng miền đến tham dự. Tổng trị giá giải thưởng của cuộc thi lên tới hơn 100 triệu đồng.

Chính thú nuôi mèo được ưa chuộng nên dịch vụ chăm sóc thú cưng cũng đang là nghề thu nhập tốt, có thể điểm qua một số địa chỉ tại Hà Nội, như: Khách sạn chó mèo J & Pet Shop Spa; Hệ thống thú y 2Vet; Siêu thị thú cưng – Lolipet; Khách sạn Kimi Pet… được thực hiện.Đặc biệt, những ngày Tết, dịch vụ trọn gói gửi mèo tại các khách sạn này luôn “hút khách”, dao động từ 100.000 - 50.000 đồng/đêm.

Với đặc trưng của con mèo là khôn ngoan, trí tuệ, mềm dẻo, kiên trì, nhẫn nại, biết suy trước tính sau rồi mới bắt đầu làm một việc gì đó... chắc chắn con vật thân thương này sẽ mang đến niềm vui, sự cát tường, thịnh vượng trong năm Quý Mão 2023.

Thanh tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nam-mao-noi-chuyen-meo-239394.html