Năm mới, giáo dục vẫn hút sự quan tâm với những chuyện cũ

Vấn đề biên chế với giáo viên mầm non; Hệ thống văn bằng đại học quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Đối thoại giữa Bộ GD&ĐT với tác giả sách Công nghệ Giáo dục,… là những nội dung giáo dục đáng chú ý trong tuần đầu tiên của năm 2020.

Cả nước hiện vẫn thiếu hơn 40 nghìn giáo viên mầm non. (Ảnh minh họa)

Cả nước hiện vẫn thiếu hơn 40 nghìn giáo viên mầm non. (Ảnh minh họa)

Không giảm biên chế đối với giáo viên mầm non

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước đang thiếu 43.700 giáo viên mầm non. Nhiều địa phương có khu công nghiệp phát triển mạnh, tăng dân số cơ học ở các thành phố lớn dẫn tới việc không đủ cơ sở vật vật chất, giáo viên mầm non.

Tình trạng phụ huynh thiếu chỗ gửi trẻ hoặc phải gửi trẻ ở những cơ sở tự phát dẫn tới những rủi ro cho trẻ.

Với lý do này, Bộ trưởng cũng đề nghị năm 2020, các địa phương quan tâm dành quỹ đất cho xây trường mầm non. Việc giảm biên chế trong ngành GD&ĐT vẫn thực hiện theo lộ trình nhưng không áp dụng tinh giản biên chế đối với giáo viên mầm non.

Đề nghị này được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đưa ra tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT vừa phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ phê duyệt 20.300 biên chế giáo viên mầm non. Hiện số biên chế này đang được giao cho 14 tỉnh có dân số cơ học tăng và 5 tỉnh Tây Nguyên để tuyển dụng.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non theo chế độ đặc cách đối với những giáo viên mầm non diện hợp đồng theo hướng dẫn của Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm 4 loại

Theo Nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, ban hành ngày 30/12, hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm bốn loại: Bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và các văn bằng đối với ngành đào tạo đặc thù như bác sĩ y khoa, dược sĩ.

Bằng cử nhân, cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Bằng thạc sĩ, cấp cho người tốt nghiệp trình độ thạc sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Bằng tiến sĩ, cấp cho người tốt nghiệp tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8.

Ngoài ra, hệ thống cũng có văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bác sĩ thú y, kỹ sư, kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo theo quy định.

Căn cứ điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và một số chuẩn khác, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù được xếp vào bậc tương ứng trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Đối thoại về sách công nghệ lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Đối thoại về sách công nghệ lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại

Trong tuần qua, theo chỉ đạo của Chính phủ từ tháng 11/2019, Bộ GD&ĐT đã tổ chức đối thoại với tác giả sách Công nghệ Giáo dục là GS-TSKH Hồ Ngọc Đại; PGS-TS Nguyễn Kế Hào, người có thư gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, sau khi Hội đồng thẩm định quốc gia sách giáo khoa lớp 1 “loại” sách của GS Hồ Ngọc Đại ở vòng thẩm định đầu tiên.

Để tạo ra sự công bằng giữa các bộ sách, cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí thống nhất trên toàn quốc. Vì vậy, đề xuất của PGS Nguyễn Kế Hào rất khó thực hiện. Chương trình đổi mới sách giáo khoa thay đổi từ mục tiêu thì nội dung phải thay đổi.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (chủ trì đối thoại) tái khẳng định sách Công nghệ chỉ phù hợp chương trình cũ. Đồng thời nhấn mạnh tới việc Bộ phải thực hiện nghiêm túc theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Nếu Bộ thực hiện một cách thẩm định khác sách của GS Hồ Ngọc Đại thì sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các bộ sách, cuốn sách khác.

Thứ trưởng Độ cũng cho biết, sẽ ghi nhận, tổng hợp ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào để báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, về phía Bộ thì không thể thẩm định khác với công thức, quy trình so với các sách giáo khoa khác.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nam-moi-giao-duc-van-hut-su-quan-tam-voi-nhung-chuyen-cu-4057247-t.html