Năm nay ngành đường sắt đặt mục tiêu thoát lỗ và 2 năm tới sẽ có lãi

Dù giảm lỗ sâu và kinh doanh vận tải đường sắt có nhiều khởi sắc sau nhiều năm chìm sâu trong thua lỗ, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn âm 130 tỷ đồng. Ngành đường sắt phấn đấu năm 2023 hướng đến có lãi.

Ngành đường sắt xác định 3 trụ cột để hướng tới có lãi trong năm 2023, phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới nhưng vẫn đặt mục tiêu cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh để không lỗ và tiến tới có lãi. Để làm được điều này, ngay từ đầu năm hàng loạt kế hoạch đã được đặt ra như cải thiện chất lượng hạ tầng, nâng cao hiệu quả vận tải hành khách và hàng hóa.

Theo thông tin, cả nước có 8 nhà ga đang được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép trở thành ga liên vận hàng hóa quốc tế nhằm nâng cao năng lực vận tải hàng hóa. Một trong số đó có ga Kép tại tỉnh Bắc Giang, nằm trên tuyến Hà Nội - Lạng Sơn.

Ngành đường sắt phấn đấu năm 2023 hướng đến có lãi. (Ảnh minh họa)

Ngành đường sắt phấn đấu năm 2023 hướng đến có lãi. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại Đường sắt chia sẻ: "Khi tuyến này vào khai thác thì sẽ tăng khối lượng 1,5 lần so với khối lượng hàng hóa đang được vận chuyển trên tuyến".

Vận tải hàng hóa đang trở thành mảng kinh doanh mũi nhọn khi mục tiêu chiếm đến 70% doanh thu toàn ngành đường sắt. Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc nâng cấp, cải tạo các khu ga hàng hóa cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2026.

Cùng với đó, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: "Đưa ra giải pháp tăng các luồng chạy tàu trên tuyến, chạy tàu hàng nhanh, chạy tàu hành lý. Bên cạnh đó chúng tôi đang nỗ lực để nâng cao hơn nữa sản lượng doanh thu về vận tải liên vận quốc tế".

Mặt khác, mô hình đường sắt kết hợp du lịch trong năm vừa qua đã mang về hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng sẽ là mảng kinh doanh được đẩy mạnh trong năm nay.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết thêm: "Chúng tôi đưa ra các giải pháp như nâng cao chất lượng phục vụ; thứ hai là phối hợp với các tỉnh, tour du lịch, công ty du lịch hoặc lữ hành để chúng tôi đón nhận luồng khách để tổ chức vận chuyển".

Việc Trung Quốc đã có các chính sách kiểm soát dịch bệnh thông thoáng hơn từ ngày 8/1 năm nay và chiến lược tập trung khai thác dịch vụ logistics tại các khu ga cũng sẽ là cơ hội cho ngành đường sắt cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh, theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay.

Dự kiến năm 2023, doanh thu vận tải của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, ngành đường sắt đã đưa ra hàng loạt các giải pháp tổng thể để phấn đấu sản xuất kinh doanh không lỗ, tiến tới có lãi.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, Bộ Giao thông Vận tải rất quan tâm đến phát triển đường sắt, ngoài gói 7.000 tỷ đồng nâng cấp kết cấu hạ tầng chạy tàu đã triển khai, bộ còn đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt.

Về kế hoạch năm 2023, ông Hồ Sỹ Hùng Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất ngành đường sắt cần phấn đấu vượt kế hoạch chạy tàu của năm 2022 với biểu đồ tối ưu hơn và bảo đảm an toàn; cải thiện tình hình tài chính, không chỉ phấn đấu giảm lỗ mà hướng đến hết lỗ và có lãi.

Huyền Diệu

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nam-nay-nganh-duong-sat-dat-muc-tieu-thoat-lo-va-2-nam-toi-se-co-lai-75105.html