Nam Phi kiện Israel diệt chủng, khả năng tòa phán quyết thế nào?

Hai ngày điều trần của Nam Phi và Israel tại Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) về vụ Nam Phi kiện Israel diệt chủng đã chứng kiến những màn tranh luận gay gắt từ đội ngũ pháp lý hai nước. Liệu ai sẽ thắng?

Bên cạnh những diễn biến giao tranh ác liệt tại Gaza, một vấn đề khác liên quan xung đột Israel-Hamas gần đây cũng được quan tâm chính là vụ Nam Phi đệ đơn lên Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) kiện Israel tội diệt chủng.

Giữa một bên từng là nạn nhân của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid với một bên là từng nạn nhân của nạn diệt chủng của Đức Quốc xã, đây thực sự là một vụ kiện đáng chú ý.

Nhìn lại các tranh luận tại tòa

Tuần trước, hai ngày điều trần của Nam Phi và Israel tại ICJ về vụ Nam Phi kiện Israel diệt chủng đã chứng kiến những màn tranh luận gay gắt từ đội ngũ pháp lý hai nước.

Theo Công ước Diệt chủng của Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 1948, có hai yếu tố cấu thành tội diệt chủng. Thứ nhất, người phạm tội thực hiện một số hành vi nhất định, có thể là “giết người” hoặc “cố tình gây ra các điều kiện sống để dẫn đến sự hủy diệt về thể chất” của một nhóm mục tiêu.

Thứ hai, những hành động này được thực hiện với mục đích diệt chủng, nghĩa là “có ý định tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một nhóm quốc gia, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo”.

Hai yếu tố trên đã trở thành đề tài tranh luận dữ dội từ hai phía, theo tờ The Guardian.

Nhóm pháp lý của Nam Phi tại phiên điều trần ngày 11-1 ở Tòa Công lý Quốc tế (ICJ, Hà Lan) về vụ Nam Phi kiện Israel tội diệt chủng người dân Gaza. Ảnh: ICJ

Cụ thể, trong tranh luận về “hành vi diệt chủng”, theo lập luận của Nam Phi, sự bắn phá của Israel đã gây ra những điều kiện khủng khiếp ở Gaza với hơn 23.000 người chết, tương đương 1% dân số Gaza và 70% số người chết là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra còn 7.000 người khả năng đã bị chôn vùi trong đống đổ nát. Khoảng 85% dân số, tức 1,9 triệu người, đã phải di dời. Khoảng 65.000 đơn vị dân cư đã bị phá hủy hoặc không thể ở được, và 290.000 đơn vị dân cư bị hư hại, khiến nửa triệu người không có nhà để trở về. Có những thời điểm, 2/3 số bệnh viện ở Gaza đã bị đóng cửa do giao tranh và hư hại.

Đáp lại, trong ngày điều trần của mình, nhóm pháp lý của Israel đã nhắc đi nhắc lại rằng cuộc tấn công ngày 7-10 của Hamas là nguyên nhân khiến Israel phải hành động. Bên cạnh đó, các luật sư của Israel đổ lỗi cho hành vi của Hamas trốn lẫn vào dân thường là nguyên nhân gây ra những thiệt hại nặng nề mà Nam Phi đề cập.

Các luật sư của phía Israel lưu ý rằng Hamas đã xây dựng các đường hầm bên dưới lòng đất và tấn công lực lượng Israel từ các công trình dân sự. Tuy nhiên, Israel không nhắc đến quan điểm của Nam Phi liên quan việc Israel thả “bừa bãi” gần 1 tấn bom xuống các khu vực đông dân cư ở Gaza.

Tương tự, về yếu tố “ý định diệt chủng”, Nam Phi trích dẫn những tuyên bố của các quan chức cấp cao Israel. Chẳng hạn, việc Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đề cập chiến đấu với “con người” chứ không phải là “chiến binh Hamas” như các tuyên bố gần đây hay việc Tổng thống Israel Isaac Herzog nói rằng quan điểm dân thường không biết, không liên quan “là sai” vì dân thường có thể chọn cách “nổi dậy chống Hamas”,...

Đối với các dẫn chứng này của Nam Phi, Israel cho rằng đây là những tuyên bố “ngẫu nhiên”, không phải tuyên bố chính thức của chính phủ mà chỉ do các các quan chức cấp cao đưa ra.

Liên quan vấn đề điều kiện nhân đạo ở Dải Gaza, các luật sư phía Israel nhấn mạnh những nỗ lực của nước này trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo, đồng thời cáo buộc Hamas ăn cắp viện trợ. Tuy nhiên, Israel lảng tránh bình luận về quan điểm của Nam Phi rằng Israel đã tạo ra những trở ngại khiến rất ít viện trợ được vào Gaza.

Nhóm pháp lý của Israel tại phiên điều trần ngày 11-1 ở Tòa Công lý Quốc tế (ICJ, Hà Lan) về vụ Nam Phi kiện Israel tội diệt chủng người dân Gaza. Ảnh: ICJ

ICJ sẽ làm gì tiếp theo?

Sau hai phiên điều trần, các thẩm phán của ICJ đang làm việc để đưa ra phán quyết, thông thường việc này phải mất vài năm. Tuy nhiên các chuyên gia hy vọng vụ kiện này sẽ sớm có tiến triển, vì trong đơn kiện Nam Phi đã yêu cầu ICJ đưa ra các “biện pháp tạm thời” để ngăn chặn hành động tấn công của Israel.

Các thẩm phán của Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) dự phiên điều trần về vụ Nam Phi kiện Israel diệt chủng tại trụ sở ICJ (TP The Hague, Hà Lan) ngày 11-1. Ảnh: EPA

Theo trang Oxford Academic, các biện pháp tạm thời của ICJ, tương đương với lệnh cấm tạm thời ở cấp quốc tế, được thiết kế để bảo vệ quyền lợi của các bên trong khi chờ quyết định cuối cùng.

Israel đã bác bỏ yêu cầu của Nam Phi vì cho rằng nếu ngừng chiến dịch quân sự, Hamas sẽ lặp lại các cuộc tấn công vào Israel. Ngoài ra, các luật sư của Israel lập luận rằng Hamas không là một bên của vụ kiện, nếu Israel bị yêu cầu ngừng bắn còn Hamas thì không, sẽ là một phán quyết không công bằng.

Chuyên gia cho rằng ICJ sẽ không quyết định liệu Israel có phạm tội diệt chủng hay không, mà thay vào đó sẽ đánh giá xem vụ kiện của Nam Phi có đủ mạnh để tòa ban hành các biện pháp tạm thời hay không. Và với tình hình cấp bách hiện tại ở Gaza, rất có khả năng ICJ sẽ đưa ra “biện pháp tạm thời” với Israel.

“ICJ có thể sẽ chấp nhận yêu cầu của Nam Phi. Vấn đề đặt ra là nội dung của các biện pháp tạm thời sẽ thế nào: Liệu có tương tự như yêu cầu ngừng giao tranh mà ICJ đưa ra trong xung đột Nga-Ukraine, hay sẽ liên quan đến việc đưa thêm viện trợ nhân đạo, hay buộc Israel phải chiến đấu theo các tiêu chuẩn của luật quốc tế” - ông Mazen al-Masry, giáo sư luật tại ĐH City University of London (Anh) nói với tờ The New Arab.

Tương tự, ông Kenneth Roth - cựu giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và là GS thỉnh giảng tại Trường Quan hệ Quốc tế và Công vụ Princeton (thuộc Viện ĐH Princeton, Mỹ) cũng cho rằng lý lẽ của Nam Phi dường như thuyết phục hơn Israel.

Theo ông Roth, lập luận của Israel rằng nước này mở chiến dịch vào Gaza là để đáp trả cuộc tấn công Hamas có phần không chính đáng. Vị chuyên gia cho rằng sự tàn bạo của một bên không biện minh cho hành động diệt chủng của bên còn lại.

Tuy nhiên, theo tạp chí Time, dù ICJ - một tòa án của LHQ - có đưa ra biện pháp tạm thời như yêu cầu của Nam Phi, tòa án này cũng không có phương tiện thực thi phán quyết mà phải thông qua Hội đồng Bảo an LHQ.

Khi đó, Mỹ - một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết việc thực thi phán quyết để bảo vệ lợi ích cho đồng minh Israel của mình.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/nam-phi-kien-israel-diet-chung-kha-nang-toa-phan-quyet-the-nao-post772260.html