Nam Phi sẽ không đề xuất hợp pháp hóa sừng tê giác

Cuối năm 2015, dư luận thế giới xôn xao với việc Tòa án tối cao Nam Phi đã quyết định bãi bỏ lệnh cấm buôn bán sừng tê giác tại nước này.

Ngay khi Tòa án tối cao Nam Phi bãi bỏ lệnh cấm nội địa, các nhà bảo tồn động vật hoang dã trên thế giới đã suy đoán, Chính phủ Nam Phi có thể đề nghị CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp) dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán sừng tê giác trên phạm vi toàn cầu.

Trước những diễn biến đó, giới bảo tồn động vật hoang dã đã cực lực phản đối việc hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác ở Nam Phi, bởi hoạt động này không những kích thích nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực thực thi pháp luật về bảo vệ tê giác do không thể phân biệt giữa sừng tê giác hợp pháp và bất hợp pháp.

May mắn thay, mối quan ngại đó đã không trở thành sự thật. Tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ngày 23.4.2016 cho hay: Ngày 21.4.2016, Hội đồng Nội các Chính phủ Nam Phi đã quyết định không đệ trình dự thảo đề xuất Hợp pháp hóa buôn bán quốc tế sừng tê giác lên Đại hội đồng các quốc gia thành viên CITES thảo luận trong Hội nghị các nước thành viên lần thứ 17 (COP17) tại thủ đô Johannesburg (Nam Phi) vào cuối tháng 9 tới.

Nói cách khác, nếu không có quốc gia thành viên nào đưa đề xuất này ra thảo luận tại COP17, việc buôn bán quốc tế đối với sừng tê giác vì mục đích thương mại hiện nay vẫn bị nghiêm cấm theo quy định của Công ước CITES và các Nghị quyết kèm theo.

Đây là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh Nam Phi là quốc gia có quần thể tê giác chiếm 80% số tê giác hoang dã thế giới, cũng là nơi mà tê giác bị săn bắn và giết hại để lấy sừng cao bậc nhất trên thế giới với 1.215 cá thể tê giác bị giết hại trong năm 2014 và 1.715 cá thể bị giết hại trong năm 2015.

Hà Thành

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nam-phi-se-khong-de-xuat-hop-phap-hoa-sung-te-giac-36236.html