Nam Phi xử lý vấn đề nợ công

Viện Tài chính quốc tế Mỹ (IIF) mới đây cho biết, tỷ lệ nợ công của Nam Phi đang tăng nhanh, ở mức 59,3% GDP trong quý I năm nay, có thể chạm ngưỡng 60% GDP thời gian tới. Những con số trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề quản lý tài chính của quốc gia châu Phi, trước nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề.

Nông dân làm việc trên một cánh đồng ở Nam Phi. Ảnh: ROI-TƠ

Báo cáo của IIF cho hay, trong số các nước miền nam Xa-ha-ra châu Phi, Nam Phi là quốc gia có tỷ lệ nợ công hằng năm biến động nhất. Báo cáo dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nam Phi T.Mơ-bô-uê-ni cảnh báo, tỷ lệ nợ công của Nam Phi đang ở mức “báo động đỏ”. Theo giới chuyên gia, nợ công của Nam Phi là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp niềm tin của các nhà đầu tư vào nước này. Trong số các hãng xếp hạng tín nhiệm đầu tư quốc tế lớn, Moody’s là một trong những hãng hiếm hoi đánh giá Nam Phi ở mức chất lượng trung bình. Trong khi đó, S&P Global và Fitch, hai hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế, còn xếp nền kinh tế Nam Phi ở mức thấp hơn nữa.

Theo Giáo sư kinh tế R.Pác-xơn, thuộc Đại học Nót Oét ở Nam Phi, dự toán ngân sách được đưa ra hồi tháng 2, tính toán dựa trên dự báo tăng trưởng 1,5% của năm 2019, nay không còn “thực tế”, do hiệu suất tăng trưởng kinh tế kém trong nửa đầu năm. Bộ Tài chính Nam Phi có nguy cơ phải tái định giá nợ công. Trong đánh giá gần đây nhất, Moody’s đã giảm dự báo tăng trưởng của Nam Phi còn 1%. Hãng này cảnh báo, trong điều kiện kinh tế hiện nay, sẽ rất khó khăn để Chính phủ Nam Phi đạt được các mục tiêu kinh tế đã đề ra.

Trên thế giới, nợ của hộ gia đình và của chính phủ ở các thị trường mới nổi đang ở mức cao kỷ lục. Từ quý I-2018, tỷ lệ nợ công tăng nhanh nhất tại các nước Chi-lê, Hàn Quốc, Bra-xin, Nam Phi, Pa-ki-xtan và Trung Quốc. IIF cho biết, trong quý I-2019, tổng nợ công của các thị trường mới nổi là 69 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 216% GDP của các nước này. Phó Giám đốc IIF E.Típ-tích đánh giá, việc vay nợ liên tục tăng ở các thị trường mới nổi tiếp tục tạo ra tình trạng bấp bênh cho các nền kinh tế. Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các khoản nợ ngắn hạn khiến nhiều thị trường mới nổi phải đối mặt những rủi ro đột ngột.

Cuối năm 2018, trước nguy cơ nguồn thu ngân sách không cân đối với các khoản nợ công, Chính phủ Nam Phi đã tính đến giải pháp yêu cầu sự trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ủy ban Kế hoạch quốc gia Nam Phi (NPC) cho hay, thời điểm đó, nợ công của Nam Phi vẫn liên tục tăng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, kim ngạch xuất khẩu giảm sút và môi trường đầu tư ảm đạm. Theo NPC, chỉ số nợ công cao sẽ buộc chính phủ phải giảm các khoản chi dành cho phúc lợi xã hội, giải pháp được đánh giá là sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn xã hội. Trong báo cáo, NPC đưa ra giải pháp để Nam Phi thoát ra khỏi vòng xoáy suy thoái, gồm tăng thu từ thuế, tăng cường tính hiệu quả hoạt động của khu vực hành chính và dịch vụ công…

Cuối năm 2018, Tổng thống Nam Phi X.Ra-ma-phô-xa đã công bố gói kích cầu tổng thể, trong đó ưu tiên đầu tư cho ngành nông nghiệp. Song đến thời điểm hiện tại, những giải pháp dường như vẫn chưa mang lại hiệu quả mong muốn; và Chính phủ Nam Phi rõ ràng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong bối cảnh “kỳ suy thoái” mới cận kề.

THÁI HÒA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/41083502-nam-phi-xu-ly-van-de-no-cong.html