Nam sinh đột tử sau khi chơi game trên điện thoại quá lâu: Làm thế nào để 'cách ly' con khỏi chiếc điện thoại?

Cậu bé 16 tuổi đến từ Ấn Độ đã tử vong đột ngột sau khi chơi game trên điện thoại suốt 6 tiếng đồng hồ. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ, nhất là những người thường xuyên cho con dùng điện thoại, ipad để chơi game.

Mới đây, sau bữa ăn trưa với gia đình, Furkhan Qureshi sống tại thị trấn Neemuch, Madhya Pradesh (Ấn Độ) đã cầm lấy điện thoại di động và chơi trò chơi yêu thích như một thói quen.

Sau khi chơi khoảng 6 tiếng đồng hồ, cha và em gái thấy Furkhan rất tức giận, vứt cả tai nghe và điện thoại xuống đất rồi hét lớn.

Ngay sau đó, Furkhan bất ngờ gục ngã và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Các bác sĩ cho biết, cậu bé được đưa đến bệnh viện sớm nhưng mạch đã không còn đập. Cậu bé đã tử vong.

Cái chết của nam thanh niên này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại của việc chơi game trên điện thoại, các thiết bị điện tử quá lâu, nhất là đối với những trường hợp bị coi là nghiện game.

Chơi game quá lâu trên điện thoại rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Ảnh minh họa

Chơi game quá lâu trên điện thoại rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Ảnh minh họa

Theo BS Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương), hiện nay, nghiện game được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp là một chứng rối loạn tâm thần.

Đặc biệt, tại Việt Nam, nguy cơ rối loạn tâm thần do chơi game có xu hướng gia tăng, rất đáng báo động vì nhiều trẻ tiếp xúc với điện thoại, máy tính từ khá sớm, thậm chí từ khi chỉ từ 1-2 tuổi.

Tình trạng nghiện game online gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và đặc biệt là sức khỏe tinh thần của học sinh. Đồng thời, nó cũng là tác nhân gây ra nhiều hành động mất kiểm soát và hậu quả đáng tiếc.

Chẳng hạn, khi trẻ dành quá nhiều thời gian cho việc chơi game, tâm trí và thể lực sẽ không còn đủ cho các hoạt động khác, đặc biệt là học tập. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cứ 10 học sinh nghiện game thì chỉ có 1 học sinh đạt học lực khá, còn lại đều là trung bình hoặc dưới trung bình.

Bên cạnh đó, một số trò chơi online chứa nhiều hình ảnh máu me, bạo lực và gây ảnh hưởng mạnh đến thần kinh người chơi, gia tăng tình trạng bạo lực, nhất là bạo lực học đường hiện nay.

Các dấu hiệu chứng tỏ trẻ bị nghiện game

Cũng theo BS Vinh, ranh giới giữa chơi game giải trí và nghiện game khá mong manh. Trong một số trường hợp nghi ngờ, khi thấy trẻ có những dấu hiệu như lầm lỳ, hay cáu gắt không rõ lý do; không thích giao tiếp với mọi người; ăn uống kém hoặc ăn uống thất thường thậm chí còn bỏ cả ăn, bố mẹ nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm lý trẻ em để được tư vấn.

Làm thế nào để “cách ly” trẻ khỏi các trò chơi điện tử?

Các chuyên gia cho rằng, gia đình là yếu tố rất quan trọng trong việc giúp trẻ tránh nghiện game. Bố mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm để gần gũi, chia sẻ với trẻ. Không nên bỏ mặc trẻ với chiếc điện thoại hoặc ipad để trẻ tự do “chìm đắm” trong các trò chơi ảo trên mạng.

Khuyến khích trẻ tham gia những hình thức giải trí mang tính cộng đồng, chơi thể thao, sinh hoạt đội nhóm để giúp trẻ sử dụng thời gian rảnh một cách có ích.

Trong trường hợp trẻ muốn chơi, bố mẹ cần định hướng trẻ sử dụng game online một cách hợp lý, tránh sử dụng quá mức. Giải thích cho trẻ về những tác hại của việc nghiện game.

Đồng thời, giám sát trẻ thường xuyên để phát hiện những vấn đề bất thường của trẻ. Nhiều gia đình thường có tâm lý e ngại khi đưa con đi khám. Các bố mẹ thường chỉ đưa con đi khám khi trẻ có các dấu hiệu nặng như trầm cảm, hay đập phá, có hành vi tự sát…. Điều này khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với nhà trường, cần tổ chức các hoạt động, trò chơi lành mạnh, tổ chức ngoại khóa bổ ích ngoài giờ học. Tăng cường công tác quản lý và thi đua, tuyên truyền giáo dục để học sinh tự ý thức và nâng cao nhận thức của mình về những mặt tốt, xấu của game online.

Mai Thùy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/nam-sinh-dot-tu-sau-khi-choi-game-tren-dien-thoai-qua-lau-lam-the-nao-de-cach-ly-con-khoi-chiec-dien-thoai-20190611161723561.htm